Dựa vào rừng, đồng bào Giẻ Triêng thoát nghèo lại có trăm triệu

Hồng Hậu - Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 30/11/2019 16:17 PM (GMT+7)
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các địa phương miền núi, tỉnh Quảng Nam đang tạo nhiều điều kiện cho bà con triển khai các mô hình kinh tế gắn với rừng như trồng cây dược liệu, trồng rừng kết hợp chăn nuôi... Nhờ đó nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá, có của ăn của để.
Bình luận 0

Mô hình điểm ở đại ngàn Trường Sơn

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, bà Hồ Thị Nhé (56 tuổi), người Bhnoong (dân tộc Giẻ Triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn - Quảng Nam) cho biết, trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, đời sống khá khó khăn, chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, ngoài ra ai thuê gì làm đó, thu nhập khá bấp bênh. Trong lúc các con thì trong tuổi ăn, tuổi học. Đặc biệt hơn, gia đình bà là người đồng bào, ở nơi miền núi xa xôi, hiểm trở, thu nhập từ hàng hóa nông sản làm ra bán với giá rất thấp.

Theo bà Nhé, đất đai ở Phước Sơn rất cằn cỗi, đại đa số nông dân ở đây làm nông, nhưng trồng lúa và hoa màu thì năng suất không cao, nhiều nông dân phải rời quê đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Riêng gia đình bà, luôn suy nghĩ phải làm cách nào để “bám đất” và làm giàu trên chính nơi mình sinh ra.

img

Mô hình kinh tế vườn rừng đã giúp gia đình bà Hồ Thị Nhé, người Bhnoong lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Hồng Hậu

Năm 2012 gia đình bà Nhé bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng, với cây trồng chủ lực là cây keo, cùng với đó là chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn. Ban đầu do vốn ít nên bà chỉ đầu tư 5-7ha trồng keo, lấy ngắn nuôi dài bà tập trung cho chăn nuôi bò, gà, heo rừng, hàng năm lấy số tiền lãi thu được bà tiếp tục đầu tư mở rông diện tích trồng keo.

“Đến nay, cơ ngơi của gia đình tôi gồm có gần 30ha rừng trồng keo, hơn 1ha trồng sắn, 60 con heo rừng, 40 con bò, cùng đàn gà ta thả vườn gần 1.000 con. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, gia đình tôi lãi gần 150 triệu đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…” bà Nhé phấn khởi nói.

Chia sẻ, về khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, bà Nhé cho biết, là người đồng bào miền núi, nên vấn đề chọn hướng đi khởi nghiệp, cùng với đó là kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt là điều nan giải của nhiều hộ dân ở đây. Ban đầu chỉ là con số không tròn trĩnh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi mà mô hình kinh tế vườn rừng của bà đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.

Nói về mô hình kinh tế vườn rừng, bà Nhé cho hay, đây là mô hình không quá khó, nhưng cũng không phải dễ nếu muốn làm giàu từ mô hình này. Vì quá trình thu hoạch keo kéo dài, từ khi trồng đến lúc khai thác phải từ 4-5 năm/lứa. Khoảng thời gian 4-5 năm đó phải bỏ công chăm sóc, phân bón, thuê nhân công chăm sóc nhưng lại chưa có thu nhập, nên gia đình tôi chọn cách chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập.

Cây keo rất dễ trồng, sau khi trồng xong thì mỗi năm chăm sóc khoảng 2 lần, làm sạch cỏ, phát sạch dây leo bụi rậm, chỉnh sửa cây làm cỏ vun gốc, trợ lực cho những cây sinh trưởng chậm. Nếu cây có nhiều cành nhánh, cần tỉa bớt những cành thấp, tốt nhất là tỉa cành khi mới nhú. Dùng dao, kéo sắc để cắt sát gốc cành tỉa. Cứ như thế đến năm thứ 4 hoặc năm thứ 5 thì khai thác.

“Hiện mỗi năm từ việc bán gỗ keo, và chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn, trồng sắn gia đình tôi thu lãi đều đặn hơn 150 triệu đồng/năm, nhờ đó mà tôi xây được ngôi nhà khang trang, nuôi 4 đứa con ăn học…”, bà Nhé vui mừng nói.

Trồng dược liệu dưới tán rừng, hết cảnh đi làm thuê

Cách đây hơn 1 năm, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở hai xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn đã triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Với sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn xanh và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, 75 hộ dân của 2 xã trên đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng như làm vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ở ngoài rừng…

Với 44.000 cây ba kích giống được trồng trên diện tích 6 ha, đến nay tỷ lệ sống của mô hình đạt 90%, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây.

Chị Hồ Thị Phượng, một người dân trồng cây ba kích tại xã Phước Mỹ chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, đi làm thuê hoặc vào rừng khai thác những sản vật theo mùa để mưu sinh. Khi chuyển sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thời gian đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, chị đã dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây. Việc trồng cây ba kích nói riêng và cây dược liệu nói chung, người trồng phải kiên trì bởi cây phải có thời gian sinh trưởng ít nhất từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch.

Phước Sơn là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam được thụ hưởng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với hơn 2.000 hộ nghèo chiếm 31,3% dân số toàn huyện. Xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới, lâu dài để xóa đói giảm nghèo, hàng năm huyện Phước Sơn đã dành khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Quang Hường cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã bước đầu hình thành vùng dược liệu rộng 30ha gồm cây ba kích, đảng sâm, đây là những cây dược liệu có nhu cầu thị trường lớn. Để tiếp tục mở rộng diện tích vùng dược liệu, huyện luôn chú trọng công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật tới các nhóm hộ đồng bào, đồng thời quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp để tìm thị trường đầu ra cho người dân.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem