Dũng cảm nhận lỗi trước... cây cao su

Thứ sáu, ngày 18/10/2013 06:58 AM (GMT+7)
Bão số 10 và 11 vào miền Trung đã “hạ gục” hàng vạn ha cao su. TS Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng chính quyền các địa phương cần phải nhận trách nhiệm.
Bình luận 0
Thưa ông, theo số liệu thống kê sơ bộ ban đầu của Bộ NNPTNT, sau 2 cơn bão (10 và 11) hàng vạn ha cây cao su trên dải đất miền Trung đã bị gãy đổ. Ông nhìn nhận về thực tế này như thế nào?

- Cây cao su có điểm yếu là giòn, dễ gãy ngay cả khi gặp gió mạnh chứ chưa nói là bão giật đến cấp 12- 13 và mạnh hơn ở vùng tâm bão. Gió mạnh rồi bão là “kẻ thù” của cây cao su ở cả vùng miền Đông Nam Bộ chứ chưa nói đến miền Trung quanh năm gánh bão lũ. Thậm chí cứ gió mạnh thôi là cây cao su sẽ bị giảm năng suất mủ khi đến kỳ thu hoạch. Ngay cả sương muối cũng làm cây cao su bị xoăn lá, kém mủ. Hơn nữa, cao su là cây công nghiệp dài ngày nên phải đầu tư nhiều.

Ngay ở khu vực miền núi phía Bắc, vùng Tây Bắc sức “đề kháng” của cây cao su trước những hiện tượng như sương muối cũng đã được hạn chế nhờ có các hồ thủy điện như Hòa Bình, Sơn La… làm thay đổi tiểu vùng khí hậu, hạn chế hiện tượng sương muối ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su.

Cây cao su ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đổ gãy sau bão số 11.
Cây cao su ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đổ gãy sau bão số 11.

Rõ ràng cây cao su bên cạnh những lợi nhuận kinh tế cũng là một loại cây công nghiệp “khó tính” khi gặp thời tiết bất lợi nhất là bão gió và sương muối. Nhưng thực tế, từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750 về phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su, tại sao người trồng cao su miền Trung vẫn phải gánh chịu những thiệt hại này?

- Đây là một điều đau đớn cho những người làm nông nghiệp và chúng tôi cũng chia sẻ cùng người dân. Sau 2 cơn bão số 10 và số 11, hàng vạn ha cao su bị đánh gục chủ yếu là những cây 5- 6 năm tuổi, tán rộng, có thể cho mủ tốt, còn những cây 2-3 năm tuổi thì còn nhỏ. Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm, một số địa phương miền Trung hiện vẫn quyết tâm cao để khôi phục, phát triển cây cao su nhưng cũng cần phải tuân theo quy hoạch khoa học, tránh rủi ro.

Thực tế, trong những năm vừa qua, cây cao su cũng được coi là “cây” xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều địa phương ở miền Trung, thưa ông?

- Cũng phải nói lại là những năm 2007, 2008, 2009, mủ cao su được giá vì thế cây cao su được tôn vinh. Khi đó, 1 tấn mủ bán được hơn 100 triệu đồng, tính ra mỗi ha cũng cho thu nhập 50- 60 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng phải thấy những điểm yếu, những lý do khách quan, nhất là biến đổi khí hậu khiến để tránh tình trạng nôn nóng để rồi ồ ạt trồng. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong đó có việc trồng và phát triển các vùng cây cao su cần phải tuân thủ theo quy hoạch, quy định, quy trình kỹ thuật cả trước mắt và lâu dài.

Nhưng người trồng cao su vẫn thiệt thòi nhất?


- Nói thật là ở một số hội nghị khi bàn về cây cao su nói riêng và cây công nghiệp nói chung chúng tôi cũng không phấn khởi lắm. Có một thực tế, cây cao su và cây công nghiệp nói chung là khi chính quyền nôn nóng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp cũng muốn trồng và mở rộng nên đầu tư vì thế người dân cũng tìm mọi cách để trồng rồi dẫn đến những hệ lụy khó lường. Đây là chuỗi hiệu ứng không tốt và tất nhiên, cuối cùng người dân là người phải gánh chịu nhiều nhất những rủi ro do thiên tai, thị trường… Ở góc độ này, tôi cho rằng, chính quyền địa phương phải tỉnh táo, phải hướng đến lợi ích của người dân.

Ông chia sẻ sự mất mát về người và tài sản của đồng bào sau những cơn bão vừa rồi, gần nhất là cơn bão số 10 và số 11. Riêng về thiệt hại của cây cao su, theo ông cần nhìn nhận thế nào?


- Đây là thời điểm cần thiết để chúng ta phải xem xét lại một cách nghiêm túc về việc trồng cây cao su ở đâu, mật độ như thế nào rồi vành đai tránh gió cho cây cao su… Lúc này hơn bao giờ hết chính quyền địa phương phải dũng cảm nhận thiếu sót, hạn chế cũng như sự vội vàng trong việc thực thi quy hoạch cây cao su của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Gần 18.000ha gãy đổ
Sau 2 cơn bão số 10 và 11, Quảng Bình là tỉnh bị nặng nhất với 12.000/18.000ha cao su bị gãy đổ, thiệt hại ước tỉnh 5.000 tỷ đồng. Cao su bị gãy đổ nhiều nhất là ở các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch. Kế đến là Quảng Trị với 5.000/7.600ha cao su bị gãy đổ, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) ít nhất 30.000 cây cao su (tương đương 200-300ha) của nhân dân và doanh nghiệp bị gãy đổ.

Tại huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) cũng có 170ha cao su đang đi vào khai thác mủ của người dân bị gãy đổ tan tành. Theo ông Nguyễn Công Tạn- nguyên Phó Thủ tướng, trồng cao su ở các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế là rất mạo hiểm do những tỉnh này thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa bão.

Hải Hà

Hữu Thông (thực hiện) (Hữu Thông (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem