Dùng chứng minh thư mua nhà, đến lúc bán nhà dùng thẻ căn cước công dân thì làm thế nào?

Minh Khôi Thứ ba, ngày 03/12/2019 14:00 PM (GMT+7)
Nhiều người đã đổi từ Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số sang Căn cước công dân, nhưng trên sổ đỏ, sổ hồng lại đang ghi số CMND cũ. Vậy, trước khi bán nhà, chủ sở hữu bất động sản cần phải làm gì để có thể giao dịch được?
Bình luận 0

Hiện nay, khi làm thủ tục công chứng Hợp đồng mua bán nhà đất cần phải xuất trình các giấy tờ liên quan như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy đăng ký kết hôn, CMND/Căn cước công dân… Tuy nhiên, nhiều người gặp vướng vì số chứng minh nhân dân trên giấy tờ nhà đất (sổ đỏ, sổ hồng) khác với số chứng minh nhân dân hiện tại dẫn đến Phòng Công chứng từ chối công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, quá trình sang tên nhà đất bị gián đoạn.

Phổ biến nhất là trường hợp CMND hiện hành khác với số CMND trên giấy tờ nhà đất hiện nay rất phổ biến. Bởi vì nhiều địa phương chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang CMBD 12 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 9 số sang thẻ Căn cước công dân.

img

Cách giao dịch bất động sản khi sổ đỏ ghi số CMND cũ.

Về vấn đề này, luật sư Ls Mai Thảo, Trưởng ban Dân sự, TAT Law firm tư vấn như sau:

Từ ngày 01/01/2020, việc cấp Căn cước công dân thay vì cấp CMND như hiện nay. Theo đó, CMND 9 số và 12 số đã được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp. Khi có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Do đó có nhiều trường hợp 1 người vẫn có hai loại giấy tờ nói trên, đặc biệt là đối với các giao dịch nhà đất khi trên giấy tờ sở hữu bất động sản còn lưu số CMND cũ của người bán. Đây là trường hợp khá phổ biến diễn ra đối với giao dịch bất động sản giữa các cá nhân khiến cho những người tham gia giao dịch lúng túng.

Dưới đây là 2 cách để xác định người bán nhà có CMND và Căn cước công dân là một người:

Cách 1: Dùng CMND cắt góc cùng với Căn cước công dân khi thực hiện giao dịch

Theo qui định của Thông tư 07/2016/TT-BCA ngày 1/2/2016 và Thông tư số 40/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 07/TT-BCA, Trước đây, khi chuyển từ CMND 9 số sang thẻ Căn cước công dân, trường hợp CMND còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) sẽ được cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục.

Tuy nhiên, từ ngày 18/11/2019, trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân sẽ chưa cắt góc CMND mà được dùng để sử dụng trong thời gian này (khoản 4 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BCA).

Thay vào đó, khi trả thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ cùng với CMND và lúc này mới tiến hành cắt góc CMND trả cho người đến nhận thẻ Căn ước công dân.

Ngoại trừ trường hợp, công dân yêu cầu trả thẻ Căn cước qua bưu điện thì mới cắt góc CMND ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ.

Như vậy, CMND bị cắt góc sẽ không còn giá trị pháp lý nhưng được dùng để chứng minh CMND loại 9 số nếu công dân đã chuyển sang Căn cước công dân trong khi thực hiện các giao dịch bất động sản hay các giao dịch khác...

Cách 2: Dùng Giấy xác nhận số CMND

Cũng từ ngày 18/11/2019, tất cả các trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ Căn cước công dân đều sẽ được cấp Giấy xác nhận số CMND. Trước đây, công dân có yêu cầu cấp Giấy xác nhận số CMND khi chuyển sang thẻ Căn cước công dân phải điền “Có” vào mục 22 tại Tờ khai Căn cước công dân, hiện nay thì không cần nữa (Mẫu Tờ khai Căn cước công dân đã được thay đổi từ ngày 18/11/2019 theo Thông tư 41/2019/TT-BCA).Theo đó, Giấy xác nhận số CMND được trả cho công dân cùng với thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, ngoài việc dùng CMND cắt góc thì người dân còn có thể sử dụng Giấy xác nhận số CMND để đối chiếu CMND cũ và thẻ Căn cước công dân là của một người.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp liên quan đất đai mới chỉ có quy định về việc đính chính (khi có sai sót về thông tin) mà chưa có quy định cụ thể về việc có phải điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận chứng quyền sử dụng đất khi có thay đổi từ CMTND sang CCCD hay không, do đó sẽ có hai trường hợp đặt ra:

Trường hợp 1: Thực hiện giao dịch chuyển nhượng không cần điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với trường hợp này, công dân chỉ cần sử dụng một trong các tài liệu nêu ở các 1 hoặc cách 2 để ký giao dịch chuyển nhượng và làm thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Trường hợp 2: Thực hiện điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, người dân sẽ sử dụng các giấy tờ ở cách 1 hoặc cách 2 để làm thủ tục điều chỉnh (hoặc đính chính) thông tin cá nhân ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đổi từ số CMTND sang CCCD). Sau khi điều chỉnh xong thì tiến hành ký giao dịch chuyển nhượng và làm thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Như vậy, do pháp luật chưa có điều chỉnh cụ thể, nên có thể xảy ra một trong hai trường hợp nêu trên. Do đó, trước khi tiến hành thực hiện giao dịch người dân cần liên hệ với VPĐK Nhà và Đất cấp quận nơi có đất để xác định xem có phải tiến hành thủ tục điều chỉnh trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không để thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem