“Chết” từ sâu, bọ xít...
Ngày 29.8, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã làm thủ tục xuất viện cho 1 bệnh nhân trú tại thôn Nậm Cáng, xã Nậm Khánh bị ngộ độc do ăn sâu miêu. Trước đó, anh này cùng 1 người bạn đã đi bắt sâu miêu về chiên để làm mồi nhậu. Sau khi ăn 15 phút, 2 người bị ngứa cổ, đau rát họng, tức ngực, khó thở. Tuy nhiên, 2 anh đã không đi khám. Qua 1 đêm ngủ dậy, 1 người tử vong, còn 1 người bị hôn mê nên phải đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân ngộ độc là do sâu ban miêu có chứa chất Cantharindin là chất độc bảng A, có khả năng gây bỏng da, niêm mạc, khi ăn phải người bệnh sẽ bị bỏng hệ tiêu hóa và nhiễm độc thần kinh, dẫn đến hôn mê và tử vong nhanh chóng.
Chị Lê Thị Hiếu, người có 5 năm thu mua bọ cạp về bán tại chợ Tịnh Biên (An Giang) cho biết, ngoài bọ cạp, nhiều người rất thích mua các loại côn trùng về chế biến thành món nhậu. ảnh: I.T
Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc do người dân ăn côn trùng, ấu trùng vẫn thường xuyên xảy ra, tuy đã được khuyến cáo nhưng người dân vẫn chủ quan. Hồi tháng 1.2016 cũng có vụ ngộ độc do ăn bọ xít lửa ở xã Yên Hòa (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) làm 12 người ngộ độc, 7 người phải nhập viện; tháng 7.2015, 5 người dân ở xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) bị ngộ độc do ăn bọ xít rang khiến 3 người phải nhập viện. Năm 2014, do ăn bọ xít đen chiên mỡ, 38 người ở huyện Than Uyên (Lai Châu) đã phải nhập viện, trong đó có 1 người tử vong. Ngoài ra, còn có nhiều vụ ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu…
"Người dân tuyệt đối không dùng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã chết... Chỉ ăn các côn trùng, ấu trùng quen thuộc. Người có cơ địa dị ứng cần thận trọng. Nếu sau khi ăn côn trùng mà có biểu hiện mệt mỏi, choáng, buồn nôn, mẩn ngứa thì nên đi khám ngay”.
Ông Nguyễn Thanh Phong
|
“Côn trùng thường có nhiều protein lạ gây dị ứng với người có cơ địa mẫn cảm. Đặc biệt, côn trùng chết sinh ra nhiều độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc, côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cỏ lào, thầu dầu tía (chứa nhóm Alcaloit, nhón Glucozit) hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến” – ông Phong cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, người ngộ độc côn trùng thường có các dấu hiệu như buồn nôn, nôn, run chân tay, ngứa toàn thân, mẩn đỏ. Một số bị nôn nhiều, co giật chân tay, chóng mặt, vật vã, khó thở rồi dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Người già, trẻ em, người có uống rượu, người có cơ địa mẫn cảm thường có nguy cơ ngộ độc nặng hơn.
“Đánh liều” vì ngon miệng
Theo già làng Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Kô, xã Hồng Trung, huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế), ngày trước kiếm cái ăn khó khăn, ngoài trồng cấy được, bà con thường vào rừng rậm, khe suối để bắt côn trùng về chế biến thành món ăn, chẳng hạn như món sâu tre (sùng). Sùng trước khi hóa thân thành loài bướm, chỉ sống trong thân cây tre, lồ ô non chúng như loài sâu ký sinh. Món sùng tre được bà con đem về trộn với tiêu rừng, củ lá kiệu, ớt nướng, muối rang. Theo kinh nghiệm dân gian, sâu tre có giá trị dinh dưỡng cao nên được bà con rất ưa thích.
Còn Già làng Blong (làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cho biết, gỏi kiến vàng là một món ăn đặc trưng của người Rơ Măm. Người Rơ Mâm dùng kiến vàng và trứng để nấu canh, trộn gỏi, xào với thịt thú rừng,… nhưng giữ được hương vị thơm ngon nguyên chất nhất chính là gỏi kiến vàng. Còn người Thái thường chặt cây chít để bắt lấy những con sâu đem về chế biến làm món ăn, đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và cũng là một loại thuốc quý, chữa được nhiều bệnh. Dù “có nghe nói” ăn côn trùng dễ ngộ độc nhưng người dân vẫn ăn vì “khoái khẩu”.
“Bây giờ đời sống đã khá hơn nhưng trong bữa cơm vẫn có côn trùng vì ăn ngon miệng. Cánh đàn ông thích vì côn trùng làm mồi nhậu rất đậm đà. Bà con cũng nghe nói có thể bị ngộ độc nhưng chưa thấy trường hợp nào cả. Cũng có vài người bị dị ứng, ngứa ngáy, mẩn đỏ nhưng vẫn ăn. Ăn quen chắc là hết dị ứng” – già Hạnh chia sẻ. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.