Đừng “trình diễn” nhân ngày khai giảng

Thanh Hằng Thứ sáu, ngày 07/09/2018 16:36 PM (GMT+7)
Không ít ngôi trường vẫn lấy những “bữa tiệc tinh thần” của trẻ em làm nơi “trình diễn” những điều giao đãi của người lớn. Dĩ nhiên, chịu hậu quả vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, vô tội.
Bình luận 0

Ngày khai trường luôn được coi là một sự kiện trong cuộc đời trẻ nhỏ. Cũng bởi biết thế, nên có những người đã cố tình phá đi bữa tiệc tinh thần của các bé, chỉ nhằm làm thỏa mãn những ẩn ức giữa họ với nhau.

img

Những khuôn mặc học trò ngơ ngác, hoặc ngáp dài không thiếu trong lễ khai giảng. Ảnh: Thế Đại

Những “mưu hèn kế bẩn” của người lớn gây hại cho nhau đã đáng sợ, nhưng khi nó nhắm vào những đứa trẻ, đặc biệt vào đúng ngày khai giảng, thì sự đáng sợ còn lớn hơn nhiều. Thế nhưng, đáng buồn là những sự việc như vậy đã diễn ra ngay trước giờ đầu tiên của năm học mới. Và vẫn kéo dài, lùng nhùng chưa lối thoát, chưa cách giải quyết cho đến hôm nay, và không biết còn kéo đến bao giờ.

Ngay giữa lòng Hà Nội, hơn 1.100 đứa trẻ của trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pascal đã không được dự một lễ khai giảng đầy tiếng cười như mong đợi của các em và của các thầy cô giáo, các phụ huynh, mà phải dắt díu nhau đi tìm một nơi khác để tổ chức khai trường. Bởi ngay trước khi tiếng trống cất lên gọi học sinh đến lớp, hàng chục xe gạch, cát đã được đổ ngổn ngang vào khu vực trường chuẩn bị sẽ làm lễ khai giảng, cả trên những sảnh dài mà trẻ thường thích thú chạy chơi, để ngăn chặn lễ khai giảng do mâu thuẫn giữa các chủ đầu tư, chứ không phải có mục đích “nhằm hoàn thành các hạng mục còn lại cho nhà trường” như một vị liên quan giải thích.

Bất luận lý do gì, thì việc phá hỏng lễ khai giảng vốn được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm học của hàng nghìn em nhỏ là một hành động không đúng. Mâu thuẫn giữa người lớn với nhau hoàn toàn có thể giải quyết bằng các qui định pháp luật, thay vì tước đoạt niềm vui ngày tựu trường của các em nhỏ, đẩy các em vào những cảm giác lo âu, bất ổn.

Chưa hết, hôm qua - ngày đầu tiên đến lớp của các em nhỏ, ở đây tiếp tục có những tấm băngrôn xuất hiện: “Thông tin chính thống về hoạt động sai phép của trường Pascal”, rồi “Thông báo trường Pascal chưa được cấp phép hoạt động tại tòa nhà này”… Những em nhỏ vô tội đã không có được những ngày đến trường thanh thản, chỉ bởi người lớn - lại là người có liên quan đến vấn đề giáo dục - có những hành động phản giáo dục. Sự ích kỷ đã vấy bẩn môi trường giáo dục và ttước đoạt niềm vui của trẻ thơ một cách nhẫn tâm. Cũng một phần trách các cơ quan chức năng đã tỏ ra lúng túng trong việc xử lý khi để vụ việc đáng buồn này xảy vào lễ khai trường.

Còn ở Đà Nẵng, cũng trước lễ khai giảng vài giờ, một số người đã vứt rất nhiều túi chứa sơn hòa với mắm tôm vào trong ngôi trường mầm non Chú Ếch Con. Với những chiếc ghế, xích đu trong khuôn viên trường bị bôi bẩn, những khu vực vui chơi của các bé đầy sơn và bốc mùi hôi thối, chắc chắn ngày đầu năm học của các bé ở đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự việc trên xảy ra cũng chỉ do người lớn mâu thuẫn với nhau. Lạ là khi mâu thuẫn, một số người lại chọn cách giải quyết phi đạo đức là nhằm vào những đứa trẻ vô tội trong một ngày trọng đại của các bé. Khi nhấc tay làm những điều phản giáo dục với các bé, sao những kẻ được gọi là người lớn lại không thấy rằng đó không chỉ là sự vô lý mà còn thiếu nhân tính ư?

img

Hình ảnh học sinh chui túi nilon vượt suối lũ đến trường gây ám ảnh nhất trong ngày khai giảng năm nay. Ảnh: VOV

Những hình ảnh gây ám ảnh không kém là những em bé ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) được người lớn cho vào túi nilon và đưa qua suối sau cơn lũ trước ngày khai trường. Sự mỏng manh của chiếc túi nilon ai cũng nhìn thấy khi chỉ cần chạm nhẹ vào một cành củi lạc trên sông, là tính mạng các bé cũng có thể bị nguy hiểm. Nhưng sự mỏng manh ấy cũng chưa khiến mọi người lo âu bằng lời phát ngôn của ông Đinh Khắc Nghĩa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà về việc này, rằng “việc cho học sinh vào túi nilon, đưa qua suối là đơn giản, tương đối an toàn”. Lũ lớn, mất cầu, có thể cho tạm nghỉ học rồi học bù sau đấy, chứ tính mạng của con người không thể làm lại được!

Còn một dư âm buồn lặng lẽ là những bức hình trẻ em áo trắng, khăn quàng đỏ nhìn ngơ ngác xung quanh, hoặc ngáp dài trong lễ khai giảng. Nó cho thấy nhiều lễ khai giảng quá mệt mỏi với học sinh. Quả thực, nhiều lễ khai giảng kéo dài cả buổi sáng, học sinh phải ngồi dưới nắng trong khi các giáo viên và các vị quan khách thay nhau đọc những bài diễn văn kể lể thành tích dài lê thê, hay những lời giao đãi sáo rỗng mà chắc chắn những đứa trẻ lớp 1 lớp 2 chả hiểu để làm gì.

img

Lễ khai giảng bên bờ suối của thầy trò Trường Nậm Ngà (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). 

Vẫn đang diễn ra những lễ khai giảng vì người lớn chứ không vì trẻ nhỏ, bất kể không mang lại cho học trò niềm thích thú. Rất hiếm nơi nghĩ tổ chức ngày tựu trường sao cho thành một sự kiện đáng nhớ trong tuổi học trò, như ý nghĩa của nó vốn thế. Vì vậy, tôi thích hình ảnh lễ khai giảng bên suối của thầy trò trường Tiểu học & Trung học cơ sở bán trú Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) hơn, khi nó giản dị và xúc động, khi học sinh không phải “xem” những “trò diễn” tẻ nhạt, mà được vui chơi đúng với cảm xúc của lứa tuổi mình.

Ngày khai trường là của trẻ nhỏ, xin người lớn đừng đem những ẩn ức cá nhân để phá hỏng một sự kiện quan trọng của các em. Cũng đừng nhân danh các em nhỏ mà biến ngày khai trường thành nơi trình diễn của giáo viên lẫn quan khách. Trẻ nhỏ không cần và không thích những điều đó, thưa các vị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem