Dừng tuyển sinh 207 ngành học: Nhiều HS, SV... vỡ mộng

Thứ tư, ngày 12/02/2014 07:19 AM (GMT+7)
Quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo thuộc 71 trường đại học (ĐH) của Bộ GDĐT đưa ra chỉ cách ngày bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi hơn 1 tháng đã làm không ít học sinh, sinh viên hoang mang.
Bình luận 0
Nhiều học sinh lớp 12 “vỡ mộng” vì từ lâu đã ấp ủ giấc mơ thi đỗ vào 1 trong 207 ngành bị đình chỉ này.

Vỡ mộng…


Có năng khiếu biểu diễn, từng tham gia nhiều câu lạc bộ nghệ thuật tại tỉnh, Nguyễn Thị Vân - học sinh lớp 12 Trường THPT Ninh Giang (Ninh Giang, Hải Dương) đã ấp ủ giấc mơ trở thành diễn viên. Tháng 3 tới, Vân dự định đăng ký dự thi vào khoa Diễn viên sân khấu kịch hát của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Nhận được thông tin ngành này vừa bị đình chỉ tuyển sinh, Vân vô cùng hoảng hốt: “Em đã theo học một nghệ sĩ nổi tiếng tại TP. Hải Dương từ năm lớp 11, giờ không được thi ngành này nữa, em không biết thi cái gì bây giờ?”.

Nhiều học sinh chuẩn bị thi vào các khối ngành văn hóa nghệ thuật rất hoang mang trước quyết định dừng tuyển sinh của Bộ.
Nhiều học sinh chuẩn bị thi vào các khối ngành văn hóa nghệ thuật rất hoang mang trước quyết định dừng tuyển sinh của Bộ.

Tương tự, em Trần Phương Đông - học sinh lớp 12 Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cũng rất hoang mang khi biết tin khoa Dược học Trường ĐH Y Thái Bình vừa bị đình chỉ tuyển sinh. Đông cho biết: “Em rất thích học dược và đã quyết tâm thi đỗ khoa này ở Trường ĐH Y Thái Bình, em cũng xác định khả năng chỉ có thể thi đỗ ở trường này, giờ lại bị đình chỉ em sợ mình không “kham” nổi nếu nộp đơn vào ĐH Y Hà Nội”.

Khác với các thí sinh chuẩn bị thi ĐH, nhiều sinh viên đang theo học tại các khoa bị đình chỉ tuyển sinh lại có… nỗi lo riêng. Phạm Hương Trà - sinh viên khoa Công nghiệp nông thôn (Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên) rất buồn khi biết ngành mình đang học sẽ không được tiếp tục đào tạo nữa: “Ngành này ra trường xin việc đã khó giờ lại bị mang tiếng là ngành bị đình chỉ tuyển sinh. Sau này đi xin việc kiểu gì họ cũng đặt câu hỏi về chất lượng của lứa sinh viên được đào tạo trong hoàn cảnh thiếu giáo viên cơ hữu là tiến sĩ, thạc sĩ như Bộ GDĐT nói”.

Còn Nguyễn Đình Khoa - sinh viên khoa Nhiếp ảnh Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh thì bức xúc: “Các thầy dạy nghề cho chúng tôi đều là những nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên tuổi, kinh nghiệm. Sinh viên học được rất nhiều từ những kiến thức thực tế được các thầy truyền thụ. Nếu bây giờ chỉ vì các thầy không phải là tiến sĩ, thạc sĩ mà phủ nhận thành quả học tập và nói kiến thức của sinh viên không đủ để hành nghề thì không công bằng”.

Bộ “tự giẫm vào chân mình”?

Tuy việc tạm dừng ngành học ở thời điểm hiện tại chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã gây những xáo trộn không nhỏ đối với tâm lý của không ít học sinh, sinh viên.

Một chuyên gia giáo dục (xin giấu tên) cho rằng: “Bộ đình chỉ các ngành đào tạo này vô hình trung phủ nhận chất lượng của lứa sinh viên hiện vẫn đang được đào tạo trong các ngành này. Nếu Bộ đã coi việc thiếu giảng viên cơ hữu là không đảm bảo thì tấm bằng tốt nghiệp của các em có được công nhận? Nếu Bộ vẫn công nhận thì đó chẳng phải đang “tự giẫm vào chân mình”?”. GS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng đây chính là hệ quả của việc “thả cửa” trong việc mở ngành đào tạo cách đây vài năm. “Những ngành này đều đã được Bộ cho phép mở, giờ Bộ nói không đủ điều kiện phải dừng tuyển sinh. “Kẽ hở” lỏng lẻo này bắt nguồn từ đâu?” – ông Nhĩ đặt câu hỏi.

"Đào tạo văn hóa nghệ thuật không thể máy móc. Như khoa chúng tôi, Bộ yêu cầu phải có 2 thạc sĩ, 1 tiến sĩ nhiếp ảnh để được tuyển sinh tiếp thì thật nực cười, người ta chỉ gọi là nghệ sĩ nhiếp ảnh chứ không ai mang học vị tiến sĩ nhiếp ảnh cả”.
Nhiếp ảnh gia Vũ Huyến - giảng viên khoa Nhiếp ảnh Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội

Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, để có được quyết định mở ngành, các trường đã phải trải qua những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt về chương trình đào tạo và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, sau một thời gian đào tạo, đội ngũ này đã có biến động, người nghỉ hưu, người thì chuyển công tác... Các trường đã không bổ sung ngay, không chịu đào tạo dẫn đến thiếu hụt. Nhiều trường chỉ mời giáo viên thỉnh giảng không đạt yêu cầu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết: “Được mở ngành không có nghĩa là được đào tạo vĩnh viễn. Bộ sẽ thường xuyên kiểm tra việc tuyển dụng bổ sung và phát triển. Nếu không đủ, Bộ đình chỉ, khi nào bổ sung đủ thì Bộ lại cho phép tuyển sinh trở lại”.

Về việc bảo lưu chất lượng sinh viên đang đào tạo, ông Ga cho biết, Bộ đã cảnh báo các trường về việc bổ sung giảng viên cơ hữu ngay để đảm bảo chất lượng giảng dạy hiện tại. Việc kiểm định chất lượng đầu ra cũng sẽ được siết chặt hơn. Vì vậy, những sinh viên hiện đang theo học không nên quá hoang mang.

Trả lời về yêu cầu sử dụng giảng viên có bằng tiến sĩ, thạc sĩ ở khối ngành văn hóa nghệ thuật, ông Ga khẳng định: “Bộ đã khá linh động cho khối ngành này, nếu không có tiến sĩ thì phải đảm bảo mỗi ngành 5 thạc sĩ. Không có thạc sĩ, tiến sĩ đúng chuyên ngành thì tuyển các ngành gần, có các công trình nghiên cứu liên quan. Chỉ có người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ mới có tầm nhìn đưa các ngành nghệ thuật phát triển”.

Ngày 25.1, Bộ GDĐT công bố kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong các trường ĐH. Theo đó, Bộ quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành hệ đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng được các điều kiện quy định về đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên cơ hữu... Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo đến hết ngày 31.12.2015 phải khắc phục được các nguyên nhân trên để được đề xuất tiếp tục đào tạo.


Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem