“Được là chính mình mới thật sự vô giá” 

Thứ năm, ngày 26/04/2018 07:56 AM (GMT+7)
Chẳng có gì đao to búa lớn, cái cách viết “không khệnh khạng bảo ban dạy dỗ gì ai” như thành tâm của chính tác giả, cuốn sách đầu tay "Không nổi tiếng cũng đâu có sao!" của nhà báo Lương Nguyễn An Điền ngay từ tên gọi đã chia sẻ nhiều thông điệp ý nghĩa về cách sống, cách trải nghiệm cuộc sống một cách giản đơn nhất mà hạnh phúc nhất.
Bình luận 0

“Tôi thành tâm nghĩ, mình ra một cuốn sách không khệnh khạng, bảo ban dạy dỗ gì ai; chỉ ghi chép lại những gì mình đã trải qua và thêm một chút cảm nghĩ cá nhân, một chút tìm tòi nghiên cứu để chứng minh lý luận của mình có cơ sở… Chỉ mong nó giống như một quán cà phê nhỏ nép mình trong một con hẻm cụt, để người đọc có thể lánh vào nghỉ ngơi một chút, chờ cho đường sá bớt nhốn nháo kẹt xe rồi lại về nhà”, An Điền viết.

img

Tưng tửng, cái kiểu phớt đời nhưng kỳ thực lại là rất mặn mà với cuộc đời, Không nổi tiếng cũng đâu có sao! có thể xem như một ấn phẩm đạt đến độ khái quát, chắt lọc hiếm có của một người viết trẻ ở tác phẩm đầu tay của mình. Cuốn sách nhẹ tênh, chưa đến 100 trang và chỉ cần khoảng một tiếng đồng hồ để đọc, tuy nhiên ở đó độc giả sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp không hề nhẹ.

Hình ảnh những lặng lẽ sau tấm màn nhung và hầu như không được xuất hiện trước khán giả.

Một người bán sách lớn tuổi, đi lại khó khăn nhưng thuộc lòng vị trí từng cuốn sách và lấy việc hướng dẫn khách hàng tìm đúng sách cần mua làm niềm vui của mình.

Hình ảnh một nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam say sưa cổ vũ đồng nghiệp biểu diễn ở ga điện ngầm tại Mỹ.

Một nữ nhà báo Ấn Độ nhất quyết không chịu đầu quân vào một hãng thông tấn ở Mỹ, chỉ vì người phỏng vấn đã hiểu hời hợt về đất nước của cô.

Những status ngàn like trên Facebook nhưng chủ nhân lại thiếu sự kết nối với thực tế cuộc sống.

Và bản thân An Điền, cuộc đời nhiều trải nghiệm nhưng cũng đã từng hoang mang, do dự trước những câu hỏi vì sao lại lựa chọn một ngành học chẳng có gì “danh giá” …

Vô số những mẩu chuyện tưởng như là nhỏ, được tác giả ghi chép bằng một giọng văn mộc mạc, không đao to búa lớn, nhưng chắc chắn sẽ khiến nhiều độc giả “giật mình” bởi những tình huống mà ai đó ít nhiều cũng đã từng trải qua. Những trang sách Không nổi tiếng cũng đâu có sao! một cách bình thản đã dạo qua những mạch cảm xúc, tâm trạng đời thường. Sẽ không có những tính từ ngợi ca đẹp đẽ, thông điệp được gửi đến độc giả chỉ là những “hạnh phúc xoàng xĩnh nhưng đủ xài”, là “bình thường chứ đâu phải tầm thường”, là “ẩn mình đi”, là giản đơn và sự tử tế...

Như một cái nhìn ngược chiều trên đại lộ đông đúc, An Điền nói với bạn đọc hãy đi tìm cái riêng bình dị nhưng quý giá cho mình. Anh viết: “Đúng là phải có người làm những việc bị coi là “nhỏ” hay “đơn giản” thì những ai được phân công việc “lớn” hay mang tính “phức tạp” mới có thể làm đúng phận sự của mình. Khó hình dung được một tổ chức, công ty sẽ vận hành như thế nào trong hoàn cảnh sếp nhiều hơn lính…”.

Hóm hỉnh, tác giả cũng liên tưởng đến nghề báo của mình: “Thử ví dụ: Đùng một cái có tin tài xế taxi đỡ đẻ cho sản phụ trên xe, các phóng viên (lính) đều đã được phân công đi làm đề tài khác, trong tòa soạn giờ chỉ còn sếp (cấp từ biên tập viên trở lên). Nếu các sếp cứ đùn đẩy việc này phải để lính làm thì có lẽ tới lúc tòa soạn cử được người đi lấy tin, đứa bé sinh trên xe taxi đó đã đầy tháng…”.

Cách tiếp cận sinh động, chủ yếu với các nhân vật đời thường, giản dị nâng niu từng giá trị trong cuộc sống và kể lại bằng giọng văn tửng từng tưng như thế, đã khiến cho gần trăm trang sách nhỏ cuốn bạn đọc đi một mạch theo niềm vui nho nhỏ mà đủ xài của riêng mình. “Niềm vui của tôi cũng chỉ đơn giản: nhân vật mình đeo bám rất lâu liên lạc lại, đồng ý trả lời phỏng vấn; phát hiện thêm một chi tiết hay để đưa vào bài; nhân vật có một câu phát biểu quá đắt giá. Tôi vui vì biết những gì mình làm được có hiệu quả ngay cho bài viết của mình, và cảm giác sản xuất ra một cái gì biết là chỗ mình làm xài được mang lại tác dụng tức thì: Cho bản thân và mọi người xung quanh thấy mình còn xài được.

Tôi coi đó là những niềm vui nho nhỏ nhưng đủ xài, và đủ để cuộc sống của mình không chật vật hạnh phúc”, An Điền mộc mạc viết.

Cứ vậy, độc giả bình thản thong dong cùng tác giả đi qua những câu chuyện bình thường nhưng đáng quý, có khi lại hóm hỉnh tự trào: “Nổi tiếng thì chắc đỡ tốn công giới thiệu tên. Nhưng không nổi tiếng cũng đâu có sao!”. Liên quan đến tiêu đề chính của sách, An Điền kể chuyện: “Sau 10 năm, mỗi lần tôi đi đâu, được giới thiệu với một người mới toanh và nói tên em An Điền, làm tờ báo đó, thì hầu như phản ứng của người đó là: “À, à, An Điền, nghe cũng quen quen”. Đúng là người Việt Mình ngày càng lịch sự; nói vậy là biết đó là cách nói khác của câu “An Điền là thằng nào trời, sao chưa bao giờ nghe””.

Tình huống này có lẽ nhiều người cũng đã gặp, kể cả rất nhiều nhà báo, nhưng chưa ai đúc kết chân thật như cái cách anh viết. Thông điệp bao trùm ở “Không nổi tiếng cũng đâu có sao!” vì thế, hình như đã là một “liều thuốc” khiến cho không ít con người đỡ đi những mặc cảm, tự ti đeo bám. Bởi điều quan trọng nhất mà tác giả muốn gửi đến người đọc là: Được là chính mình mới thật là vô giá.

Lương Nguyễn An Điền là một nhà báo từng làm việc tại ấn bản tiếng Anh của các báo Thanh Niên, VnExpress từ năm 2007. Năm 2014, anh nhận học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để theo học Thạc sỹ Báo chí tại Columbia Journalism School (New York). Tháng 5.2016, một ngày sau khi tốt nghiệp tại Columbia, anh nhận được giải thưởng của Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại New York vinh danh các nhà báo trẻ vì những thành tựu cho đến nay và vai trò đóng góp trong tương lai. Với bút danh Dien Luong, anh đã có nhiều bài viết đăng trên The New York Times, The Washington Post, The Guardian, The HuffPost, AlJazeera, The Diplomat. Hiện, An Điền đang công tác tại Zing.vn.

Phương Anh (Baovanhoa.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem