“Đường lên Điện Biên” - khúc tráng ca của lịch sử

Thứ tư, ngày 30/04/2014 12:50 PM (GMT+7)
“Với bộ phim này, tôi làm với một tầm cao hơn, nhìn ở lăng kính mang ý nghĩa nhân văn, bởi tôi biết đỉnh cao của chính trị phải xuất phát từ trái tim và chạm vào trái tim khán giả”.
Bình luận 0
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với NTNN về bộ phim “Đường lên Điện Biên” đang được phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV1.

Cảm xúc từ nhân vật

Cái tên Bùi Tuấn Dũng đang trở thành điểm sáng trong bối cảnh phim điện ảnh Việt Nam đang ngày một đi xuống, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh, một thử thách rất lớn đối với các nhà làm phim hiện nay. Với Bùi Tuấn Dũng, bắt đầu từ bộ phim “Đường thư” và tiếp đến là bộ phim “Những người viết huyền thoại” là sự tiến bộ, chắc tay. Và giờ đây, bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” luôn nhận được sự chờ đón của khán giả.

Bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” với độ dài 25 tập sẽ tái hiện phần nào khúc tráng ca của dân tộc 60 năm trước. Phim là câu chuyện từ năm 1954 với những chàng Vệ quốc quân hào hoa rời thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng, thấm đẫm và xuyên suốt bộ phim, được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng quay ở rất nhiều bối cảnh, trải dài nhiều tỉnh thành từ Hà Nội đến Điện Biên, Sơn La, Yên Bái…

Đạo diễn  Bùi Tuấn Dũng (trái) đang chỉ  đạo diễn xuất trong phim.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (trái) đang chỉ đạo diễn xuất trong phim.

Với “Đường lên Điện Biên”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tin rằng, những khán giả là các chiến sĩ, những cựu dân công ở các vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… sẽ rất quan tâm. Chính vì vậy anh cho biết, tất cả những chi tiết đời sống được đưa vào phim được anh chọn lọc rất kỹ lưỡng.

“Tôi dựng lại những bữa cơm rất đặc biệt của các cô gái dân công hỏa tuyến. Họ ăn bằng bát gỗ, bằng tre, bằng gáo dừa, những cây bương phạt nửa tạo thành ống canh. Rồi đời sống của chị em rất thú vị… có những cô dân công hỏa tuyến để dành 5 con cá khô cho sinh nhật mình hoặc dùng để ăn tết, còn không thì là cơm nắm, muối vừng đã là sang trọng. Trong phim có một cô gái đã để dành cá khô cho sinh nhật lần thứ 20 của mình, nhưng cô ấy không kịp tổ chức vì đã hy sinh”- đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nghẹn ngào.

Không phải phim tuyên truyền

Khi được hỏi, anh có nghĩ khán giả trẻ sẽ quan tâm đến bộ phim khi lên sóng? Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tâm sự, hiện nay các khán giả trẻ có vẻ không quan tâm đến lịch sử nhưng thực chất họ quan tâm đến những nhân vật lớn của lịch sử, ví dụ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng Phim truyện Việt Nam đang được phát sóng vào 20 giờ 30 thứ 5, 6 hàng tuần trên VTV1 bắt đầu từ ngày 24.4.

“Ở bộ phim “Đường lên Điện Biên” tôi cố gắng tái dựng nhân vật thời kỳ đó, có cảm giác con người Việt Nam thời kỳ đó rất khác, cách sống, cách ứng xử, nghị lực và ý chí mà tôi nghĩ rằng hiện nay giới trẻ, cần phải học hỏi rất nhiều. Nếu như đạo diễn làm phim đạt được ở một tầm nào đó, để thu hút được khán giả thì tôi tin dù khán giả trẻ hay già cũng đều thích cả thôi”- đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.

Theo đánh giá của giới đạo diễn, “Đường lên Điện Biên” là một bộ phim rất khó làm, ngay cả với các “tiền bối”. Nhưng với Dũng, anh xem xét rất kỹ các cứ liệu lịch sử. Dẫn chứng cụ thể, anh nói: “Trong phần âm thanh, tôi đã rất cẩn thận, khi cất công cử người vào Thanh Hóa, Nghệ An, gặp lại những dân công hỏa tuyến để thu âm lại những câu hò mà họ đã hát trong thời bom đạn đó. Và sau đó đạo diễn đã nhờ sự hỗ trợ của nhạc sĩ Hoàng Lương để tạo nên những bản sắc âm hưởng đặc trưng làn điệu hò của Thanh Hóa, điệu hò xứ Nghệ vào trong bộ phim”.

Nhiều ý kiến cho rằng, thường những bộ phim về Điện Biên hay bị gắn mác là phim tuyên truyền nhiều hơn mang tính nghệ thuật và với bộ phim “Đường lên Điện Biên” cũng không ngoại lệ. Không chút e ngại, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói, anh không nghĩ mình đang làm phim mang tính tuyên truyền mà đề cao tính nghệ thuật.

Chẳng thế mà tại trường quay, những cảnh quay có mìn nổ, tất cả mọi người mặt mũi đen sì, chỉ còn mỗi đôi mắt là không việc gì. Rồi những ngày tháng, ăn dầm ở dề trong rừng, những diễn viên nước ngoài là vất vả nhất, bởi họ không quen với lối sinh hoạt của người dân tộc, có khi hàng tuần không được tắm rửa một cách tử tế…

Để hoàn thành bộ phim “Đường lên Điện Biên”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã có cả một êkíp với những tên tuổi có những kinh nghiệm và nổi tiếng ghi dấu ấn trong hàng chục bộ phim về chiến tranh như: Tác giả kịch bản Từ Nguyên Trực - Khuất Quang Thụy, những cựu binh am hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ; họa sĩ, nhà thiết kế khói lửa Phan Trọng Bích- một trong những người làm khói lửa tốt nhất miền Bắc hiện nay; giám đốc hình ảnh Lý Thái Dũng, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn cùng những diễn viên xuất sắc như Hoàng Hải, Nguyễn Mạnh Trường, Nguyễn Huyền Trang, Quách Xuân Thông, Diễm Hương, Nguyễn Mạnh Hưng…

Huy Hoàng (Huy Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem