Đường "Nhuệ" có thể bị xử bao nhiêu năm tù khi TAND TP Thái Bình mở lại phiên tòa sơ thẩm?
Nguyễn Đức
Chủ nhật, ngày 17/10/2021 12:38 PM (GMT+7)
Ngày mai (18/10), TAND TP Thái Bình mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án xâm phạm trái phép Công ty Lâm Quyết. Ở góc độ pháp lý, với tội danh bị cáo buộc Đường "Nhuệ" có thể bị xử bao nhiêu năm tù?
Sau 2 lần hoãn, Tòa án nhân dân TP.Thái Bình đưa ra thông báo sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm đối với Đường "Nhuệ", trong vụ xâm phạm trái phép Công ty Lâm Quyết (TP.Thái Bình) vào sáng ngày 18/10. Với tội danh bị cáo buộc, Đường "Nhuệ" bị xử bao nhiêu năm tù?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, pháp luật Việt Nam quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Ngoài ra, chỗ ở của người dân được hiểu là bất kỳ nơi nào đang có người cư trú hợp pháp và được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương thừa nhận. Đó có thể là nhà ở lâu dài, nhà tập thể, nhà thuê hoặc nơi thường trú.
Bởi vậy, việc Tiến "trắng" (đàn em của Đường Nhuệ) cùng một số đối tượng khác đã ở lại, ăn ngủ và sinh hoạt tại văn phòng Công ty Lâm Quyết, trong văn phòng có phòng ngủ của vợ chồng ông Lẫm đã vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Tiến "trắng" và đàn em đến ăn ở tại Công ty Lâm Quyết theo chỉ đạo của Đường "Nhuệ". Tuy nhiên, việc này chưa được sự đồng ý của ông Lẫm, Giám đốc Công ty Lâm Quyết.
Theo luật sư Bình, hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là một trong các tội xâm phạm quyền tự do, an ninh cá nhân của con người, là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự 2015.
Do vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ, xử lý nghiêm hành vi này.
Đối với tội danh xâm phạm chỗ ở người khác được quy định cụ thể tại Điều 158 Bộ luật hình sự 2015.
Trong đó, người nào thực hiện hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác…sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
"Như vậy, với tội danh xâm phạm chỗ ở người khác, Tiến "trắng" cùng Đường "Nhuệ" có thể bị xử phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tù", luật sư Bình thông tin.
Đường "Nhuệ" bị bắt khi nào?
Nguyễn Xuân Đường, 49 tuổi (tức Đường "Nhuệ") quê ở Thái Bình bị bắt vào tháng 4/2020 khi đang lẩn trốn tại khu vực Hà Nam. Như Dân Việt đã thông tin, Đường Nhuệ bị khởi tố trong 4 vụ án với 3 tội danh, gồm cố ý gây thương tích; vụ án cưỡng đoạt tài sản và xâm phạm chỗ ở người khác.
Còn Tiến "trắng" đã bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích và đang bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản trong vụ án vợ chồng Đường "Nhuệ" ăn chặn tiền hỏa táng tại tỉnh Thái Bình.
Như vậy theo luật sư Bình, theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự 2015, nếu như bị cáo không bị tuyên án tù chung thân hoặc tử hình mà chỉ bị kết án là các mức án tù có thời hạn thì dù có bị xử lý nhiều tội danh thì tổng hình phạt cũng không quá 30 năm tù.
Đối với Đường "Nhuệ", hiện tại đang phải chấp hành án 6 năm tù, nếu xử lý thêm tội danh xâm phạm chỗ ở người khác nữa thì có thể đối Đường "Nhuệ" có thể bị tổng các hình phạt là dưới 10 năm tù.
Liên quan đến nội dung này, bạn đọc Ngọc Linh (quê Thái Bình hiện sinh sống ở Hà Nội) cho biết, cái tên Đường "Nhuệ" không còn lạ lẫm gì với người dân ở Thái Bình.
Đối tượng này có nhiều đàn em và từng nhiều lần bị tố cáo về hành vi bảo kê, hành hung đe dọa giết người. Chính vì vậy, việc sau đó Đường "Nhuệ" bị bắt cũng không quá nhiều bất ngờ với nhiều người.
"Việc Đường "Nhuệ" cùng đàn em bị bắt và đưa ra xét xử với nhiều tội danh khác nhau là việc tất yếu có thể xảy ra. Người dân ở Thái Bình rất bức xúc, nhất là đối với hoạt động bảo kê hỏa táng. Việc bắt Đường "Nhuệ" sớm và xử lý nghiêm minh sẽ góp phần duy trì trật tự xã hội, an ninh được đảm bảo", anh Linh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.