Đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần: Kiến nghị thanh tra để phát hiện sai phạm

Long Nguyên Thứ ba, ngày 22/07/2014 10:00 AM (GMT+7)
“Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm” - ông Đỗ Đức Duy - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng khẳng định như vậy khi trao đổi về sự cố đường ống nước sông Đà vỡ liên tục tại Hà Nội.
Bình luận 0

Trách nhiệm thuộc Bộ Tài chính, Thành ủy Hà Nội

Đánh giá chung về việc đường ống nước sông Đà liên tục xảy ra sự cố vỡ ống, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân khu vực tây nam TP.Hà Nội, ông Duy cho biết: “Theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đây được xác định là sự cố chất lượng công trình xây dựng, xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì giám định sự cố. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu, triển khai các giải pháp quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định cho các đô thị nói chung và thủ đô nói riêng”.

Nói về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm với các tập thể, cá nhân có liên quan của Tổng Công ty Vinaconex (đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về sự cố này), ông Duy nhấn mạnh: “Hiện nay, Vinaconex là tổng công ty cổ phần, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước là Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính, tổ chức đảng của Tổng Công ty Vinaconex là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TP.Hà Nội. Vì vậy, việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tại Tổng Công ty Vinaconex thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đại hội cổ đông, Tổng Công ty SCIC - Bộ Tài chính và Thành ủy Hà Nội”.

Có sai thì phải xử lý nghiêm

Xung quanh ý kiến về việc Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để thanh tra toàn diện với dự án này, ông Duy thẳng thắn cho biết: Việc liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống không chỉ gây thiệt hại về chi phí khắc phục, sửa chữa, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Vinaconex mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân khu vực phía tây nam thành phố. Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.

Rõ ràng hơn, ông Duy khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

  UBND TP.Hà Nội vừa có công văn thống nhất triển khai dự án nâng công suất Nhà máy Nước Sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm và tuyến ống truyền dẫn cấp nước giai đoạn 2. Theo đó, UBND thành phố thống nhất với Vinaconex,  Viwasupco triển khai dự án nâng công suất Nhà máy Nước Sông Đà giai đoạn 2 theo quy hoạch được phê duyệt và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem