Lúc 6h30 sáng 20/9, tàu đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thử liên động với 5 đoàn tàu, đây là tuyến đường sắt trên cao (ĐSTC) đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động sau 7 năm xây dựng với nhiều lần điều chỉnh tiến độ.
Có cần gần 700 người phục vụ?
Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT - chủ đầu tư) cho biết, dự kiến thời gian chạy thử kéo dài 3-6 tháng, ngoài chạy bình thường có thử nghiệm các tình huống khẩn cấp.
Sau chạy thử, Bộ GTVT nghiệm thu, tiếp nhận để bàn giao cho Hà Nội quản lý và khai thác.
Với số lượng nhân công gần 700 người vận hành tuyến Metro dài khoảng 13km, nhiều người đặt câu hỏi như là phép thử của bài toán kinh doanh, khi tuyến đường này đưa vào vận hành, tiền vé thu được liệu có đủ để trả lương hàng tháng cho nhân viên hay không, số tiền TP Hà Nội phải bù lỗ hàng năm là không hề nhỏ.
“Không đường chắn ngang, không dừng ga đợi tránh tàu, hệ thống thiết kế mới hoàn toàn. Đường ray hoàn toàn trên cao không giao cắt với hạng tầng giao thông khác.
Gần 700 con người vận hành, một con số đáng suy ngẫm”, ông Hoàn, một người dân ở phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) nơi có tuyến đường sắt đi qua nói.
Đa số người dân Hà Nội khi được hỏi đều nói quá nhiều người và cần phải kiểm tra rà soát lại chứ như vậy là bộ máy quá cồng kềnh. Nhiều bộ phận có cùng chức năng ví dụ như đội sửa chữa và đội kiểm tra sửa chữa...
Nhất là chỉ có 13km lại có đến 8 trung tâm điều phối, nên rút lại gọn trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Phương tiện giao thông mới, thay đổi thói quen đi xe máy của người dân
Theo Ban Quản lý Dự án Đường sắt và Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận), tổng nhân sự vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là 681 người, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga...
Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...
Ngoài ra, hơn 600 nhân viên làm việc trực tiếp tại 8 trung tâm gồm điều độ, tàu khách, vận tải hành khách; kiểm tra sửa chữa công trình, thiết bị nhà ga, điện lực, thông tin tín hiệu, đường ray, toa xe.
Bộ phận đông nhất là trung tâm lái tàu với 86 người, trong đó có 46 lái tàu chính trên tuyến và 13 lái tàu dồn, thử tàu tại khu Deport; nhiều người khác là nhân viên kỹ thuật, giám sát tín hiệu, trực ban...
Trung tâm kiểm tra sửa chữa thông tin tín hiệu có 62 người, đa số là công nhân bảo dưỡng và các kỹ sư. Bộ phận kiểm tra, sửa chữa thiết bị nhà ga có 60 người. Trung tâm kiểm tra, sửa chữa tàu gồm 53 người phụ trách thiết bị điện, máy móc trên tàu.
Như vậy, ngoài 681 nhân viên chính thức này, khi đi vào vận hành sẽ phải thuê thêm một số lượng lớn nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo vệ nữa, con số này không biết là bao nhiêu nhưng chắc cũng không thể dưới con số hàng trăm người.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tới nay dự án cơ bản đã hoàn thành và các phần việc còn lại đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đưa metro vào khai thác thương mại cuối năm nay.
Cục Đăng kiểm đang chuyển sang kiểm định thiết bị ở trạng thái hoạt động.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông) cho biết, hiện Hà Nội đã có quy định khung về vé tiêu chuẩn có thể dùng chung cho đường sắt trên cao và xe buýt (tiến tới cả đỗ ô tô và các phương tiện công cộng khác).
Về giá vé, theo ông Trường, đa số người dân chấp nhận được ở mức vé lượt cao hơn xe buýt từ 35 - 37% (khoảng 10.000 đồng/lượt, vé tháng sẽ rẻ hơn) có trợ giá từ ngân sách.
Theo khảo sát của Hà Nội, dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động (như tuyến 01, 02, 19, 21A, 21B, 27...), chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng xe buýt Hà Nội. Sau khi đường sắt trên cao đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò kết nối khách với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Cùng đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (tổ chức các tuyến xe buýt) cho biết, từ 2 năm trước Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
“Khi đường sắt trên cao đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ giảm và điều chỉnh luồng tuyến xe buýt có tỷ lệ song trùng cao với tuyến đường sắt trên cao”, ông Hải nói.
P.V (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.