Thanh Hóa: Đường xuống cấp như "ao", nghìn người ngày ngày bì bõm lội nước giữa thành phố Sầm Sơn

Hữu Dụng Thứ năm, ngày 20/10/2022 08:40 AM (GMT+7)
Hơn 6 năm qua, người dân 2 khu phố Quang Vinh và Thành Thắng của phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá phải lưu thông trên tuyến đường ngày nắng thì nham nhở gạch đá, hố sâu, trời mưa mặt đường lại bị biến thành "ao".
Bình luận 0


Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa.

Mòi mỏi chờ đường

"Nhiều người cứ nghĩ, dân ở thành phố du lịch như chúng tôi là sướng hơn thôn quê, được hưởng nhiều tiện ít nơi phố xá mang lại… nhưng ở đây chúng tôi chỉ ước được một con đường không bị ngập, không còn chằng chịt những "ổ voi, ổ gà" và nhà có số, như vậy là chúng tôi vui lắm rồi" - Đó là những lời tâm sự của người dân ở 2 khu phố Quang Vinh và Thành Thắng của phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá với phóng viên Báo điện tử Dân Việt.

Hơn 6 năm qua, họ phải chung sống với cảnh trời nắng  thì mặt đường nham nhở gạch đá, hố sâu,  trời mưa mặt đường lại bị biến thành "ao" tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi người dân và học sinh của 2 khu phố trên hàng ngày phải lưu thông qua đây.

Giờ tan học, hàng trăm học sinh trường Trung học Cơ sở và Trường Tiểu học Quảng Cư (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) không thể di chuyển về nhà bằng đường chính mà phải đi đường tắt, vì mỗi khi trời mưa đường lại biến thành "sông" và ngập cục bộ.

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 2.

Hơn 300m đường bị ngập sâu trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, bà Viên Thị Dũng – Trưởng khu phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Mỗi khi trời mưa là đoạn đường bị ngập nên người dân không thể lưu thông được nên tôi đã đứng ra mượn đất của một hộ dân chưa xây nhà, rồi đứng ra huy động bà con đóng góp công và xin phường mấy xe đất để đổ tạm một con đường tắt để người dân đi lại, học sinh đến trường. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn mong muốn của người dân nói chung là đầu tư lại con đường chính thống đã xuống cấp nhiều năm nay, để bà con đi lại thuận tiện hơn".

Người dân nơi đây cho biết, đây là con đường độc đạo của 2 khu phố Thành Thắng và Quang Vinh nối với trung tâm phường nhưng đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay.

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 3.

Đường bị ngập và nhiều ổ gà, ổ voi khiến việc lưu thông của người dân nơi đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trời nắng thì đường lởm chởm ổ gà, ổ voi, xe đạp, xe máy phải nép vào lề đường mới di chuyển được, còn xe ô tô 4 chỗ, gầm thấp có nguy cơ "mắc cạn" bất cứ lúc nào. Đoạn đường dài chừng hơn 2 km có khoảng 300m mỗi khi trời mưa bị biến thành một vũng nước lớn.

Ông Vũ Như Cường (ngụ tại khu phố Thành Thắng) không giấu được sự bức xúc trước việc con đường đã xuống cấp nhiều năm nay: "Hiện hơn trăm hộ dân cả khu phố chúng tôi phải chịu chung cảnh đường sá xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phường và thành phố Sầm Sơn nhưng nhưng con đường vẫn chưa được nâng cấp tu bổ lại". 

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 4.

Nhiều gia đình phải lội "sông" mới vào được nhà.

Còn bà Viên Thị Lý cho biết thêm, con đường này hư hỏng, xuống cấp trầm trọng như hiện nay là do thi công các dự án lớn, xe chở vật liệu chạy suốt một thời gian dài. Lẽ ra thi công xong phải hoàn trả lại đường cho người dân nhưng bao nhiêu năm nay không làm. Người lớn còn đỡ, chứ thương nhất là trẻ con đi học. Nhiều cháu trời mưa ngã xe, ướt hết sách vở về nhà ngồi khóc.

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 5.

Con đường đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay, những người dân vẫn phải chờ... ngày được tu sửa.

Bà Viên Thị Dũng, trưởng khu phố Thành Thắng cho biết, toàn bộ khu phố có 403 hộ dân. Riêng con đường xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các gia đình phố Thành Thắng mà còn ảnh hưởng đến khoảng hơn 600 hộ ở 2 khu phố: Quang Vinh và Cường Thịnh.

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 6.

Người dân phải mở lối tắt để lưu thông.

"Đường này thảm nhựa từ năm 2005, trước đây nhà nước làm đường khá đẹp, xuống cấp khi thi công các dự án lớn ở Sầm Sơn. Người dân từng chặn đường không cho xe chở vật liệu vào nhưng chính quyền động viên và hứa sẽ hoàn trả lại đường. Tại nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân phường Quảng Cư, tôi đã có ý kiến về việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp con đường nhưng đến nay vẫn chưa làm", bà Dũng nói.

Cũng theo bà trưởng khu phố Thành Thắng, vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường mới gặp khó khăn vì một số hộ dân chưa đồng tình với phương án đền bù. Tuy nhiên phía chính quyền cần quyết tâm vừa động viên người dân hiến đất nhưng đồng thời cũng phải đền bù thỏa đáng. Làm sao để có con đường mới cho dân đi lại đỡ vất vả.

Hàng trăm hộ dân sống ở thành phố du lịch Sầm Sơn phải lội “sông” vào nhà mỗi khi trời mưa - Ảnh 7.

Thấy việc đi lại trên con đường ngập nước không an toàn nên khu phố đã mượn đất của dân để mở lối tắt đi tạm.

"Sống giữa đất thành phố mà nhiều khi đường xá đi lại không bằng các vùng nông thôn, miền núi", bà Dũng than vãn.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Sầm Sơn cho biết, con đường đi vào khu phố Thành Thắng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Khu dân cư, tái định cư cánh đồng Sông Đông. Dự án này được Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (nay là TP. Sầm Sơn) phê duyệt từ năm 2016. Theo đó, đường rộng 7,5m, vỉa hè 5m. Tuy nhiên đã 6 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, các hộ dân ở đây vẫn phải tiếp tục…chờ.

Đường không tên, nhà không số

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, hiện thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đang là đô thị loại III, thế nhưng con đường độc đạo từ trung tâm phường Quảng Cư vào khu phố Thành Thắng vẫn được người dân gọi là đường Cường Thành.

Trên thực tế, con đường nói trên vẫn chưa được đặt tên, nhà không có số gây nên nhiều bất cập và khó khăn trong đời sống của người dân nơi đây. Nhiều người dân ở đây cho biết, mặc dù họ đã xây dựng nhà ở từ lâu nhưng vẫn chưa được gắn biển số nhà. Mỗi lần có người thân, bạn bè đến thăm hoặc nhận thư báo, giấy tờ, ship hàng hóa… mọi người đều phải chờ đợi, hướng dẫn thật chi tiết may ra mới tìm được nơi cần đến.

Cũng có trường hợp lòng vòng tìm đường, gọi điện thoại, nhưng rốt cuộc vẫn không tìm ra địa chỉ. Vì có giải thích qua, giải thích lại đi nữa cũng chỉ nói tôi ở khu phố Thành Thắng, chứ không biết giải thích nào khác hơn nữa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem