“Duyên nợ” với báo của nhà nông

Thứ hai, ngày 19/08/2013 11:55 AM (GMT+7)
Bố tôi mê đọc báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) từ dạo ông được Nhà nước cho về nghỉ mất sức lao động ở quê nhà. Cũng nhờ những tờ báo được đọc ké của bố, tôi trở thành cộng tác viên thân thiết với báo trong nhiều năm nay.
Bình luận 0
Hào hứng hơn nhờ báo

Sự kiện đáng nhớ là mùa đông năm 2005, nhờ làm theo hướng dẫn trong một bài viết đăng trên trang Khoa học - Khuyến nông của báo NTNN mà bố tôi đã cứu được đàn gà gần trăm con của gia đình và nhiều hộ khác trong xóm. Ông trở thành cán bộ Hội Nông dân, rồi trưởng thôn và tờ báo NTNN cũng được ông nâng niu như một người bạn quý. Hồi đầu, do kinh tế gia đình còn quá khó khăn nên ông thường tranh thủ đạp xe lên UBND xã đọc nhờ báo hoặc đợi mọi người đọc xong rồi xin tờ NTNN mang về. Cứ bài viết nào hay, có ý nghĩa thực tiễn đối với nhà nông là thể nào ông cũng cắt và cất một cách cẩn thận để khi cần sẽ lấy ra chia sẻ cùng bà con.

Đầu năm 2006, bố tôi đã quyết định tự đặt báo NTNN dài hạn bằng số tiền trích ra từ lương thương binh hàng tháng. Mẹ tôi có lần bảo rằng: “Hình như nhờ đọc báo mà ông ấy khỏe hơn, hào hứng hơn và vết thương không còn thường xuyên tái phát như trước...”. Giờ đây, tuy không còn tham gia công tác tại địa phương nữa nhưng bố tôi vẫn thường xuyên đọc báo và ông đánh giá báo NTNN đã không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, ngày càng xứng đáng là “Bạn tốt của tam nông”...

Cộng tác viên Nguyễn Minh Trường (ngồi sau) trong lần thực địa tại vùng lũ xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang để viết bài.
Cộng tác viên Nguyễn Minh Trường (ngồi sau) trong lần thực địa tại vùng lũ xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang để viết bài.

Tôi “bén duyên” và trở thành cộng tác viên thân thiết của báo NTNN nhờ một phần không nhỏ “công lao” từ bố. Công tác trong môi trường đại học, trực tiếp phụ trách mảng các hoạt động phong trào, lại là một người ham đi, thường xuyên được tham gia các chuyến công tác ở vùng cao nên tôi cũng có “chút vốn nho nhỏ” kiến thức về mảng đề tài dân tộc miền núi và nông nghiệp, nông thôn. Biết bố hay đọc báo NTNN, tôi đã viết bài gửi cộng tác với báo như một cách để kể với ông và mọi người về những gì “mắt thấy tai nghe” ở những vùng miền mà tôi từng đặt chân đến.

Bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên trang Dân tộc - Miền núi báo NTNN ngày 24.10.2006 là một ghi chép đầy day dứt về bản Ro xa xăm với những người Nùng bị bệnh phong ở xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Khi biết tôi là tác giả, bố đã gọi điện động viên, cổ vũ tôi rất nhiều.

Thâu đêm đánh vần bài báo

Kể từ đó đến nay, thấm thoắt 8 năm trôi qua, tôi đã có vài trăm bài viết được đăng trên các số báo NTNN ở các chuyên trang như Dân tộc - Miền núi, Hội và nông dân, các chuyên mục “Tìm trong vốn cổ”, “Phía sau cổng làng”. Là một cộng tác viên tự do nhưng trong suy nghĩ của tôi, tòa soạn Báo NTNN từ lâu đã trở thành thân thiết, là nơi tôi có thể yên tâm gửi gắm những suy nghĩ, trăn trở, những “điều trông thấy” thông qua những bài phóng sự, ghi chép, phản ánh của mình. Không biết từ khi nào, thói quen cũng như tác phong của một người làm báo đã “ngấm” vào tôi. Đi đâu, làm gì tôi rất ít khi rời xa cuốn sổ, cây bút, máy ghi âm và máy ảnh. Mỗi khi về quê, bao giờ những câu chuyện, hiện tượng diễn ra trong làng, trong xã cũng được tôi lưu tâm, ghi nhớ để tìm “nguồn” cho các bài viết.

"Tôi đã gặp ở đây một dãy nhà cấp bốn ọp ẹp là trụ sở ủy ban xã nhưng lại có hẳn một tủ lưu giữ hàng trăm số báo NTNN. Tôi gặp những bác trưởng bản sẵn sàng ngồi thâu đêm để đánh vần đọc báo cho bà con nghe”.


Trong các chuyến công tác vùng cao, ngoài nhiệm vụ chính cần phải thực hiện, tôi thường dành thời gian “ôm đồ nghề” lang thang vào các bản làng để quan sát, ghi chép, suy nghĩ tìm đề tài viết bài cho chuyên trang Dân tộc - Miền núi và chuyên mục “Tìm trong vốn cổ”. Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ như in đó là chuyến công tác tới xã Pác Ma, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La những ngày cuối tháng 7.2007 khi cả chính quyền và nhân dân địa phương đang gấp rút di dời để chuẩn bị diện tích cho vùng lòng hồ Thủy điện Mường La.

Tôi đã gặp ở đây một dãy nhà cấp bốn ọp ẹp là trụ sở ủy ban xã nhưng lại có hẳn một tủ lưu giữ hàng trăm số báo NTNN. Tôi đã gặp những bác trưởng bản sẵn sàng ngồi thâu đêm để đánh vần đọc báo cho bà con nghe. Tôi gặp những anh nông dân như Lò Văn Hạ cứ tiếc mãi vì Pác Ma ở xa quá nên không đóng góp được ý kiến nào vào những chùm bài viết về quyền lợi của nông dân được đăng trên báo NTNN. Tôi gặp những người già như bác Điêu Văn Long cứ thắc mắc không biết đến khi nào thì những chương trình tài trợ, tặng quà cho người nghèo do Báo NTNN khởi xướng, thực hiện về đến bản.

Tôi gặp những chàng trai 29 tuổi như Điêu Văn Huệ dù phải làm thuê “tối mắt” ở những bãi vàng trong núi nhưng vẫn tin sẽ có một ngày được gặp mặt trực tiếp một phóng viên nữ xinh đẹp của Báo NTNN và luôn giữ số báo NTNN Tết Đinh Hợi còn mới nguyên bởi “trong ấy có ảnh của cô Anh Hoa trong bộ đồ lính hải quân rất đẹp!”... Hóa ra chẳng riêng gì tôi và những người thân trong gia đình yêu quý NTNN mà ở khắp nơi trên đất nước này, bà con nông dân đã coi NTNN như “người bạn tốt”.

Giờ đây, Báo NTNN sắp kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo đầu tiên, tự nhiên tôi thấy lòng mình xốn xang lạ. “Tam thập nhi lập” - 30 tuổi đủ để một chàng thanh niên lập thân, tự khẳng định mình trước cộng đồng và cũng bằng ngần ấy mùa xuân tin rằng Báo NTNN sẽ tạo được vị thế vững chắc trong nền báo chí nước nhà và trong lòng bạn đọc.
Nguyễn Minh Trường (Nguyễn Minh Trường)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem