Lê Phương (RT)
Thứ ba, ngày 12/07/2022 06:06 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Ý Corriere della Sera hôm 11/7 rằng các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang mâu thuẫn về việc họ nên hỗ trợ Ukraine như thế nào, trong đó một số quốc gia chưa chuẩn bị sẵn sàng cung cấp cho Kiev gói viện trợ 9 tỷ euro (9,1 tỷ USD).
"Tất nhiên chúng tôi nhận được vũ khí và viện trợ quân sự, nhưng vẫn chưa đủ… Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy EU và phần còn lại của thế giới đang cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến này. Đó là điều dễ hiểu, họ đang phải gánh chịu hậu quả từ việc giá dầu và khí đốt tăng cao", Bộ trưởng nói.
Hôm 10/7, Corriere della Sera đưa tin rằng Đức đã tạm ngưng gói viện trợ EU trị giá 9 tỷ euro cho Ukraine. Berlin cũng bị cáo buộc phản đối các đề xuất tài trợ cho Ukraine bằng cách sử dụng nợ chung của châu Âu, một động thái khiến Kiev vô cùng lo lắng. Tờ báo cũng suy đoán rằng đây là lý do thực sự khiến Ukraine đột ngột sa thải đại sứ của mình tại Đức, Andrey Melnik.
Bình luận về sự trì hoãn gói viện trợ của EU, Marchenko nói rằng "một số chính phủ không sẵn sàng hỗ trợ Ukraine số tiền lớn như vậy".
"Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, châu Âu vô cùng thống nhất. Tuy nhiên hiện tại chúng tôi đã thấy các ý kiến khác nhau về cách hỗ trợ Ukraine", Bộ trưởng nói thêm.
Marchenko cũng lưu ý rằng trong khi Ukraine cần 5 tỷ euro (5,05 tỷ USD) mỗi tháng, thì cho đến nay Kiev vẫn nhận được ít hơn nhiều so với mức trên. "Chúng tôi cần 5 tỷ euro mỗi tháng, nhưng vào tháng 4, chúng tôi đã nhận được 1,6 tỷ euro. Vào tháng 5, chúng tôi nhận được 1,5 tỷ euro. Vào tháng 6, 4,4 tỷ euro. Vào tháng 7, chúng tôi dự kiến nhận được hơn 4 tỷ euro, nhưng chúng tôi phụ thuộc vào bộ máy hành chính châu Âu", ông nói và cho biết thêm rằng EU muốn biết chính xác cách Kiev chi tiêu tiền của mình. Marchenko giải thích rằng quỹ được dành riêng cho các chương trình xã hội và nhân đạo.
Bình luận của Bộ trưởng được đưa ra sau khi ông tuyên bố vào giữa tháng 5 rằng Ukraine có thể phải dùng đến các biện pháp "đau đớn" để cứu nền kinh tế đang sụp đổ trong bối cảnh xung đột với Nga. Vào thời điểm đó, ông cảnh báo rằng chính phủ có thể phải tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và quốc hữu hóa một số doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.