Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Lê Văn Quyết vừa ký công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng dẫn đến chứng khoán EIB của ngân hàng này bị đưa và diện cảnh báo từ ngày 8.4.
Theo giải trình của Eximbank, lý do khiến cổ phiếu EIB bị đưa vào diện cảnh báo là do thực hiện theo kết luận thanh tra do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 19.10.2015. Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các khoản lợi nhuận này cùng các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Do đó, Eximbank đã thực hiện điều chỉnh hồi tố đối với số liệu so sánh cho năm kết thúc ngày 31.12.2014.
Lợi nhuận chưa phân phối/(lỗ lũy kế) được ngân hàng Eximbank báo cáo điều chỉnh thể hiện ở bảng sau (bảng 1).
Theo giải thích của ngân hàng, tính theo nguyên tắc cộng dồn, lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31.12.2015 trên bảng cân đối kế toán riêng và hợp nhất lần lượt là 835.211 triệu đồng và 817.469 triệu đồng. Do việc hồi tố số liệu được thực hiện sau khi lập báo cáo tài chính năm 2015 nên Eximbank đã thực hiện điều chỉnh hồi tố đối với số liệu so sánh cho năm kết thúc ngày 31.12.2014 và không điều chỉnh lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2013 trở về trước.
Ngoài ra, khi trình bày chỉ tiêu lợi nhuận năm 2014 trong báo cáo tài chính năm 2015, Eximbank điều chỉnh giảm chi phí khác số tiền 284,8 tỷ đồng do không thể hoàn tất thủ tục mua bán 2 tài sản trong số các tài sản đã bán không đúng quy định theo kết luận thanh tra. Do đó, tuy lợi nhuận sau thuế năm 2014 được điều chỉnh tăng lên 284,8 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của năm 2014 vẫn lỗ là do ảnh hưỡng của việc hồi tố số liệu trên.
Để sớm khắc phục và đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện cảnh báo, Eximbank đang khá kỳ vọng vào kế hoạch kinh doanh của năm 2016. Cụ thể, ngân hàng này đặt lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 576 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với các khoản thu nhập đã hạch toán từ việc bán bất động sản trước đây và đã phân phối (831,8 tỷ đồng), có khả năng thu được trong năm 2016 với số tiền khoảng 298 tỷ đồng
“Như vậy, với lợi nhuận sau thuế 576 tỷ đồng, cộng với khoản có khả năng thu được 298 tỷ đồng thì lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2016 là +57 tỷ [-817,5 tỷ (lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2015) + 576 tỷ (lợi nhuận sau thuế năm 2016) + 298 tỷ (khoản thu từ việc bán bất động sản trước đây)] thì cổ phiếu EIB sẽ được đưa ra khỏi diện cảnh báo”, ông Lê Văn Quyết cho biết.
Trước đó, kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu.
Quyết định này ảnh hưởng đối với báo cáo tài chính năm 2014 thể hiện việc điều chỉnh phần lợi nhuận chưa phân phối đến thời điểm cuối năm 2014 còn -834,56 tỷ đồng; giảm 948,5 tỷ đồng so với ban đầu. Điều này cũng ảnh hưởng đến năm 2015 khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là -817,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được Hội đồng quản trị ngân hàng này phê duyệt và sẽ trình tại Đại hội cổ đông sắp tới, Eximbank đưa ra nhiều chỉ tiêu như sau:
Tổng tài sản: 142.500 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2015).
Huy động vốn: 113.500 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2015).
Dư nợ cấp tín dụng: 105.805 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2015)
Lợi nhuận trước thuế: 720 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế: 576 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.