Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 18% GDP và sử dụng hơn nửa lực lượng lao động của cả nước. Phần lớn sản lượng nông nghiệp là từ sản xuất hộ gia đình có trang trại nhỏ hơn 0,5ha. Đồng thời, Việt Nam được xem là quốc gia dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh bão và lũ là những thiên tai phá hủy lớn nhất, còn có những hiểm họa khác như hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, và cháy rừng.
Cánh đồng lúa bị thiệt hại do xâm nhập mặn ở tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN
Sáng kiến mới là một phần trong Chương trình lồng ghép nông nghiệp vào Kế hoạch thích ứng quốc gia được Chính phủ Đức tài trợ nhằm hỗ trợ 8 quốc gia tăng cường năng lực ứng phó theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông qua chương trình, FAO và UNDP sẽ làm việc cùng với các cơ quan chính phủ của các nước Nepal, Kenya, Philippinese, Thái Lan, Uganda, Uruguay và Việt Nam, lồng ghép các ngành nghề nông nghiệp vào trong các kế hoạch thích ứng quốc gia để bảo vệ sinh kế, tăng cường sản xuất nông nghiệp, và đẩy mạnh an ninh lương thực.
Ông JongHa Bae - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, cho biết: “FAO hoan nghênh cơ hội hợp tác với UNDP và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Đức để cùng Chính phủ Việt Nam lồng ghép các vấn đề về rủi ro và cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu vào trong các quá trình lập kế hoạch hành động và dự trù ngân sách của đất nước vì chúng có liên quan đến ngành nông nghiệp”.
Tại Việt Nam, FAO và UNDP sẽ giúp các cộng đồng canh tác nông nghiệp địa phương xây dựng và thực hiện những chiến lược thích ứng phù hợp. Chương trình hỗ trợ này sẽ tập trung tìm ra các lỗ hổng chính sách và cơ hội lồng ghép những yêu cầu lớn nhất về khả năng thích ứng của các phương án sinh kế dựa trên nông nghiệp vào các quá trình lập kế hoạch và dự trù ngân sách của các ngành. Mục đích là xác định và thiết kế nên những hệ thống có khả năng dự báo nguy cơ tốt hơn, theo dõi những mất mát, thiệt hại không tránh khỏi, bao gồm cả các cơ chế bảo hiểm và chia sẻ nguy cơ. Với một khoản dự phòng mất mát và thiệt hại, các cộng đồng dễ bị thương tổn sẽ có khả năng tiếp cận một số nguồn tài trợ bên ngoài để có thể tái thiết và phục hồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.