FDI vào Việt Nam giảm mạnh vì Covid-19: Cơ hội giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
FDI vào Việt Nam giảm mạnh vì Covid-19: Cơ hội giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
Quang Dân
Thứ tư, ngày 25/03/2020 07:38 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn vốn FDI vào Việt Nam quý I/2020 đã giảm khá mạnh, chỉ đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự sụt giảm này chỉ mang tính ngắn hạn và đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang ngày càng diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài, làm cho thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2020 giảm cả về số lượng cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý I năm 2020, cả nước có 758 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn đăng ký mới tăng do trong Quý I năm 2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Về vốn điều chỉnh, có 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,07 tỷ USD, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 2.523 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 2 tỷ USD, tăng 52,6% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 34,4% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Để so sánh chính xác hơn, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (Dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019), thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 chỉ bằng 64,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cả số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm, tương ứng bằng bằng 95% và 82,8% so với cùng kỳ.
FDI vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn
Trao đổi với Dân Việt về nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020, TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT) nhận định, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới là có thể dự đoán được.
Ông Thành cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, dòng vốn dịch chuyển, dịch vụ, con người bị ách tắc, ngưng trệ. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án mới đã đầu tư cũng sẽ gián đoạn khi công tác khảo sát thị trường, vận chuyển thiết bị máy móc, bị kiểm soát bởi việc phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh từ chính phủ của các nước.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên nhân nữa dẫn đến việc nguồn thu FDI bị ảnh hưởng, là vì các tập đoàn kinh tế lớn đang tập trung vào việc chống dịch, duy trì sản xuất kinh doanh nên chưa đẩy mạnh đầu tư. Thậm chí, tập đoàn Samsung phải đóng cửa một số nhà máy vì bùng phát dịch.
Tuy nhiên, ông Thành nhận định, sự sụt giảm FDI vào Việt Nam chỉ diễn ra ở thời gian ngắn hạn, trong bối cảnh nhà đầu tư nhìn nhận lại thị trường, về dài hạn, Việt Nam vẫn sẽ là điểm thu hút FDI tại khu vực.
"Covid-19 không đánh vào nền tảng, nếu Việt Nam chống dịch tốt, môi trường kinh doanh hiệu quả, mà minh chứng tốt nhất là việc Samsung vẫn hoạt động rất tốt ở Việt Nam tại thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc là điểm cộng để các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là điểm đầu tư an toàn", ông Thành cho hay.
PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, thời điểm dịch bùng phát ở Trung Quốc, một số tập đoàn kinh tế lớn có thể chuyển nhà máy về Việt Nam. Nhưng hiện nay, dịch Covid-19 lan toả trên thế giới dẫn đến các nhà đầu tư hết sức thận trọng xem xét tình hình, đầu tư mới sẽ do dự đưa ra các quyết định. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.
Mặt khác, TS Ngô Trí Long cho biết, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có FTA Việt Nam - EU (EVFTA), cũng đang tạo nên những nền tảng và bệ đỡ quan trọng để dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Ông Long nhận định, sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên, khi các nhà đầu tư EU hướng tới mục tiêu khai thác tài nguyên, nhiên vật liệu và lao động giá rẻ. Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được giảm thuế. Doanh nghiệp EU sang đầu tư ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi không chỉ từ thuế của nước mới mở cửa cho Việt Nam giảm xuống mà chúng ta cũng dành rất nhiều ưu đãi cho FDI.
"Tôi cho rằng, xu hướng từ nay đến cuối năm còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những lợi thế như công tác chống dịch tốt, môi trường kinh doanh trong sạch, nhân công rẻ, chính trị ổn định thì tác động của Covid-19 đối với thu hút FDI của Việt Nam chỉ trong ngắn hạn", ông Long cho hay.
Cơ hội để cơ cấu lại thị trường
Có hướng nhìn thận trọng hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, từ hệ lụy của dịch Covid-19, một lần nữa, nhiều quốc gia trên thế giới phải nhìn nhận lại vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là nhóm ngành phụ trợ, nhóm ngành sản xuất..
Theo bà Lan, đây là dịp để các quốc gia cơ cấu lại chuỗi giá trị, các nước cần phải xem xét lại và có những biện pháp để đa dạng hóa mối quan hệ, tìm kiếm thị trường mới ngoài thị trường Trung Quốc cùng hợp tác, tạo ra nguồn cung mới. Hay nói cách khác, dịch Covid-19 vừa là thử thách, cũng là cơ hội cho Việt Nam trong vấn đề thu hút FDI.
Ví dụ, năm 2019, mặc dù là năm đầu tiên Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nguồn đầu tư FDI có tăng lên nhưng chủ yếu tăng lên từ Trung Quốc hoặc vài nước khác như Đài Loan, Hồng Kông... chứ không tăng lên từ đối tác nằm trong CPTPP.
"Chúng ta có một nghịch lý là hội nhập nhiều, tham gia các FTA quan trọng, kể cả những FTA thế hệ mới như CPTPP nhưng kỳ vọng thu hút đầu tư từ những đối tác liên quan lại chưa đạt được những kết quả như mong đợi", bà Lan nói.
Bên cạnh đó, đầu tư từ các nước vào Việt Nam nhiều, xuất khẩu của năm 2019 tăng mạnh sang thị trường Mỹ, thị trường Trung Quốc chứ không phải là sang các thị trường CPTPP, đặc biệt những nước thành viên khác có quan hệ với Việt Nam như Nhật Bản, Úc.. nguồn tăng không đáng kể.
Trong khi đó, phần xuất khẩu của Việt Nam vẫn là các nước cung cấp đầu vào như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.. những đối tác đầu tư vào Việt Nam vẫn được hưởng lợi nhiều hơn, bản thân xuất khẩu đưa lợi lại cho những quốc gia này nhiều hơn là Việt Nam, vì phần giá trị gia tăng của nước ta tăng rất ít.
Bà Lan nhấn mạnh, đây là lúc Việt Nam phải tự mình phát triển các nghành phụ trợ hoặc là bắt tay với các nước khác trong FTA thế hệ mới, ví dụ như CPTPP hoặc trong khối EU để tăng cường đầu tư của họ vào Việt Nam, tạo thêm giá trị gia tăng để có tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đó.
"Đây là lúc Việt Nam có thể tăng thêm nỗ lực hợp tác với các nước khác. Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020 cần phát huy vai trò đó động viên các nước ASEAN phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ từ đó bổ sung cho các nước trên thế giới, cùng nhau tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn, giảm thiểu một số ngành phải phụ thuộc quá nhiều từ Trung Quốc như hiện tại", bà Chi Lan kỳ vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.