Công ty cổ phần tập đoàn Masan (mã CK: MSN) của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang vừa công bố phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với quy mô đợt chào bán 1.500 tỷ đồng. Mục đích của đợt phát hành trái phiếu này là nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của tổ chức phát hành.
Theo đó, trái phiếu dự kiến được Masan phát hành ngày 26/9 tới đây, là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Mệnh giá là 100.000 đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi trả định kỳ 6 tháng một lần. Lãi suất cho năm đầu tiên dự kiến là 10% và các năm tiếp theo căn cứ vào lãi suất tham chiếu tại 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank cộng thêm biên độ 3,2%/năm.
Trong đợt phát hành 15 triệu trái phiếu MSN của ông Nguyễn Đăng Quang, số lượng đăng ký mua tối thiểu đối với các nhà đầu tư tổ chức là 2 triệu trái phiếu, tương ứng 200 tỷ đồng; con số tối thiểu với nhà đầu tư cá nhân là 100.000 trái phiếu, tương ứng 10 tỷ đồng. Nếu chào bán thành công, Masan sẽ thu được 1.500 tỷ đồng.
Cũng theo thông báo phát hành, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là đơn vị bảo lãnh cho đợt chào bán trái phiếu của tập đoàn Masan.
Được biết, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang là một trong cái tên sáng giá của Việt Nam được xướng tên trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo công bố của Forbes Asia 2019.
Danh sách ứng viên được sàng lọc từ 3.200 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương có doanh thu hơn 1 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Các ứng viên được xếp hạng dựa theo nhóm 12 tiêu chí, bao gồm doanh thu trung bình 5 năm, mức tăng trưởng doanh thu vận hành, lợi nhuận trên vốn và mức tăng trưởng dự kiến trong 1-2 năm tới.
Theo báo cáo, doanh thu của Masan Group trong năm tài chính vừa qua là trên 1,6 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 3,7 tỷ USD. Các đại diện khác từ Việt Nam cũng có mặt trong bảng xếp hạng này là Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, Masan Group đã liên tục “chinh phục” các bảng xếp hạng các công ty niêm yết tốt nhất của Việt Nam và châu Á.
Trước đó vào ngày 15/08, Masan Group cũng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong Top 50 Công ty Niêm yết Tốt nhất Việt Nam năm 2019. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp Masan Group được vinh danh ở bảng xếp hạng này.
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư vào ngày 27/06 cũng bình chọn Masan Group trong Top 50 Công ty Kinh doanh Hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018 và thuộc nhóm 17 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm nay Masan đạt 18.099 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp thu về 5.130 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ do giá vốn tăng mạnh.
Mặt khác, thu nhập tài chính 6 trong kỳ giảm mạnh 90% do trong quý II/2018, Tập đoàn có ghi nhận lợi nhuận một lần số tiền 1.472 tỷ đồng ảnh hưởng từ hoạt động phát hành cổ phiếu quỹ của Công ty liên kết Techcombank với giá trị phát hành cao hơn giá trị sổ sách.
Khấu trừ các chi phí, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lãi ròng 2.191 tỷ đồng, thực hiện xấp xỉ 44% chỉ tiêu cả năm 2019.
Tính đến cuối quý II/2019, nợ phải trả của Masan gần 32.000 tỷ đồng, với 57% là nợ ngắn hạn. Trong tổng số trên 18.300 tỷ nợ ngắn hạn, được tài trợ chủ yếu là tiền vay và trái phiếu ngắn hạn với 12.028 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.