Gà gáy canh ba, người dân Nghệ An đã gọi nhau vào rừng hái lá dong, lá dúng bán Tết

Nguyễn Thủy Thứ ba, ngày 03/01/2023 05:37 AM (GMT+7)
Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên những ngày này, người dân một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An thức dậy từ canh ba, cơm đùm cơm gói rủ nhau vào rừng hái lá dong, lá dúng bán Tết, mang về nguồn thu nhập khá.
Bình luận 0

Rủ nhau vào rừng hái lá dong, lá dúng bán Tết

Đến hẹn lại lên, những ngày cuối năm, vào khoảng mùng mười tháng Chạp là người dân các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như Yên Thành, Quỳ Châu, Quế Phong... lại chuẩn bị dao, rựa, áo mưa, đồ ăn để lên rừng cắt lá dong, lá dúng bán Tết. Bất chấp thời tiết lạnh giá, từ canh ba người dân đã í ới gọi nhau mang đồ nghề đi hái "lộc rừng", mong kiếm được khoản tiền kha khá để mua sắm Tết cho gia đình.

Gà gáy canh ba, người dân rục rịch, í ới gọi nhau hái “lộc rừng” phục vụ thị trường Tết - Ảnh 1.

Khoảng mùng 10 tháng Chạp, người dân các huyện miền núi Nghệ An như Yên Thành, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương... lại rủ nhau vào rừng cắt lá dong, lá dúng về bán Tết. Ảnh: XH

Ở quê tôi lá dong, lá dúng thứ cần thiết không thể thiếu khi đi chợ sắm Tết. Bên cạnh việc sắm sanh, lau dọn nhà cửa... thì công đoạn lau rửa lá dong, lá dúng, chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh Tết dâng lên bàn thờ tổ tiên đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt.

Theo ông Tám, người ở xã Lý Thành, huyện Yên Thành, để cắt được bó lá dong, lá dúng nhập cho thương lái phải mất khá nhiều thời gian, công sức. Khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ, người đi cắt lá dong đã phải dậy sớm, mò mẫm dưới cái rét cắt da, cắt thịt, lặn lội đi hàng chục km từ nhà vào rừng sâu tìm lá. Muốn cắt được lá dong, lá dúng to, lành lặn lại phải càng tiến sâu vào rừng.

Gà gáy canh ba, người dân rục rịch, í ới gọi nhau hái “lộc rừng” phục vụ thị trường Tết - Ảnh 2.

Theo ông Lê Văn Dương, người dân huyện miền núi Tương Dương, lá dong, lá dúng mọc mọc tự nhiên trong rừng sâu, nơi có độ ẩm cao, dọc các khe suối nên người dân phải đi hàng chục km mới cắt được. Ảnh: PV

Người dân men theo cung đường rậm rạp tiến vào sâu trong rừng, đến điểm có lá dong, lá dúng cũng là trời mắt đầu tờ mờ sáng. Sau khi tìm một chỗ trống, họ phát quang cây cối, những chiếc xe máy được dựng thành một nhóm. Theo kinh nghiệm của người dân cắt lá dong, lá dúng lâu năm, chỗ nào xuất hiện khóm lá xanh mướt, ngọn đâm tua tủa lên cao, thường ở đó cây lá dong, lá dúng to, lành, xanh tốt và rất nhiều.

Trong rừng có hai loại lá trông rất giống nhau, đều dùng để gói bánh là lá dong và lá dúng. Lá dong nhỏ thon, dẻo, cuống màu xanh. Còn lá dúng bầu lá to hơn, màu xanh đậm, cuống lá màu vàng, lá giòn hơn.

Gà gáy canh ba, người dân rục rịch, í ới gọi nhau hái “lộc rừng” phục vụ thị trường Tết - Ảnh 3.

Lá dong, lá dúng là sản vật mọc tự nhiên rất nhiều trong các khu rừng tại các huyện miền núi Nghệ An. Ảnh: PV

Nhiều người cẩn thận thì chỉ chọn lá dong để cắt, có người cắt cả lá dong và lá dúng. Chỉ có người đi rừng lâu năm, mới phân biệt được hai loại lá này.

Cắt lá dong, lá dúng đã vất vả, việc đưa lá về đến nhà lại càng vất vả hơn, Những chuyến xe chở đầy lá dong, là dúng, được người dân vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, trơn trượt, còn phải đối mặt với muỗi đốt vắt bám. Những con vắt nhỏ bật lên chân người hút máu no nê rồi rơi xuống, khiến người dân nhiều phen mất sức, hoa mắt chóng mặt.

Gà gáy canh ba, người dân rục rịch, í ới gọi nhau hái “lộc rừng” phục vụ thị trường Tết - Ảnh 4.

Tùy vào thị trường Tết từng năm, mà giá lá dong, lá dúng có nhiều biến động. Được biết thị trường Tết Nguyên đán 2023, thương lái thu mua lá dong với giá từ 300 - 400 đồng/lá. Ảnh: XH

Quá trưa, những bó lá dong, lá dúng được người dân bó chặt lên xe, ăn vội gói cơm nguội để kịp về khi trời tối.

Nếu đi đúng đường, phát hiện đúng chỗ, có người cắt được gần nghìn lá dong, lá dúng một buổi. Còn đi sai đường, gặp vùng thưa thớt lá thì cả ngày chỉ cắt được vài trăm lá.

Gà gáy canh ba, người dân rục rịch, í ới gọi nhau hái “lộc rừng” phục vụ thị trường Tết - Ảnh 5.

Sau khi lá dong, lá dúng cắt về được người dân phân loại theo các kích cỡ to nhỏ khác nhau, sau đó xếp lại thành bó (mỗi bó 20 lá), rồi xuất bán cho thương lái. Ảnh: PV

Khi lá dong, lá dúng đưa về nhà, người dân sẽ phân ra từng loại, lá to tiền to, lá nhỏ tiền nhỏ. Bình quân mỗi bó lá dong, lá dúng khoảng 20 lá, bán cho thương lái với giá từ 300 - 400 đồng/lá. Như vậy mỗi người đi cắt lá có thể thu về 350.000 – 450.000 đồng/ngày.

Nhìn lại hành trình đi cắt lá dong, lá dúng cung cấp cho thị trường Tết, được người dân đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả máu. Cũng mong rằng những chiếc lá dong, lá dúng luôn được giữ gìn giá trị của nó như một nét văn hoá trong ngày Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem