"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung?

Hồng Quân Thứ năm, ngày 27/08/2020 15:03 PM (GMT+7)
Huawei Technologies là công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đơn vị dẫn đầu toàn cầu trong việc nghiên cứu và phát triển 5G. Điều đáng nói, Huawei lại đang là mục tiêu trừng phạt số 1 của Mỹ, nước đang cố gắng thuyết phục các quốc gia khác không sử dụng và cấm các thiết bị của Huawei vì lo ngại gián điệp.
Bình luận 0

Váo tháng 7 mới đây, Vương quốc Anh đã ủng hộ quyết định này của Mỹ và tẩy chay các thiết bị của Huawei. Liệu công ty này sẽ ra sao khi liên tiếp phải nhận những lệnh trừng phạt như vậy?

Tại sao Mỹ lại chọn Huawei là mục tiêu?

Lý do mà các cơ quan chính phủ Mỹ quyết định có những trừng phạt và cấm vận với Huawei vì cơ quan này cho rằng Huawei đang lợi dụng sự phát triển cùng thị phần ngày càng tăng trên thị trường viễn thông để làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Theo đó Huawei bị cáo buộc đã cài đặt các "cửa hậu" để truy cập và đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm về công nghệ, chính trị và quân sự.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

Cơ quan chính phủ Mỹ quyết định có những trừng phạt và cấm vận với Huawei.

Năm 2012 Ủy ban Tình báo Hạ viện đã công bố một bản báo cáo, trong đó ủy ban này đã nhắc đích danh 2 cái tên là Huawei và ZTE là những mối nguy hiểm tiềm ẩn với an ninh Hoa Kỳ. Năm 2019 Ủy ban Truyền thông Liên bang cũng đưa Huawei vào danh sách các công ty đe dọa an ninh Hoa Kỳ. Thậm chí chính quyền Tổng Thống Donal Trump cấm bất kỳ công ty nào đang sử dụng công nghệ Mỹ được phép bán vật liệu bán dẫn cho Huawei khi chưa được chấp thuận vì lo ngại bị ăn cắp bí mật công nghệ.

Mặc kệ những lời giải thích từ phía Huawei rằng họ hoàn toàn hoạt động độc lập và không liên quan với chính quyền Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn luôn cáo buộc hãng này làm gián điệp thông qua công nghệ đang sử dụng tại các nhà mạng.

Thêm một lý do nữa để Mỹ trừng phạt Huawei vì công ty này có những mối quan hệ làm ăn với Iran, đất nước đang bị lệnh cấm vận vì chương trình phát triển hạt nhân. Theo đó, Panda International – một công ty có liên quan đến đện Huawei và chính phủ Trung Quốc đã mua lại phần cứng và phần mềm của các công ty Mỹ để bán lại cho Iran. Hệ quả, Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đang phải đối mặt với các cáo buộc riêng biệt vì gian lận bán hàng cho Iran từ Bộ Tư Pháp Mỹ.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump với những sắc lệnh gây căng thẳng.

Tuy nhiên theo nhiều nhà phân tích thì trên đây chỉ là những lý do nổi của tảng băng chìm chiến tranh công nghệ Mỹ -Trung, mà trong đó Huawei chỉ là một quân cờ. Lý do thực sự khiến Mỹ liên tiếp ra các lệnh trừng phạt một phần vì Mỹ muốn làm chậm đà phát triển và nghiên cứu 5G của Trung Quốc.

Mạng không dây 5G được cho sẽ làm thay đổi thế giới, góp phần giúp các công nghệ IoT hay AI đạt một tầm cao mới. Chính vì vậy nước nào dẫn đầu và làm chủ được công nghệ 5G sẽ có lợi thế rất lớn, kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu sẽ kiểm soát được thế giới. Trong khi đó Huawei với sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc lại đang nổi lên như một công ty dẫn đầu về 5G, thế nên Mỹ không thể làm ngơ và buộc phải có những chính sách kìm hãm sự phát triển và bành trướng của Huawei.

Một lý do không kém phần quan trọng khiến Huawei trở thành nạn nhân trong các lệnh trừng phạt của Mỹ là cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Mỹ đang rất muốn cân bằng lại cán cân thương mại Mỹ - Trung để giúp các doanh nghiệp nước này có cơ hội làm ăn và phát triển trước sức ép từ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.

Huawei được coi là một công cụ mặc cả rất có giá trị khi tập đoàn viễn thông khổng lồ này là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới và là một trong số ít các công ty có thể làm thiết bị 5G. Năm 2018 Huawei đạt doanh thu 105 tỉ USD, hơn cả tập đoàn IBM của Mỹ. Năm 2019 Huawei tiếp tục tăng trưởng đạt doanh thu 122 tỉ USD, vượt qua cả Boeing.

Lệnh cấm Huawei khiến tất cả tổn thương

Các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ đã ngay lập tức ảnh hưởng cực lớn đến tập đoàn Huawei nói riêng và sự phát triển của công nghệ 5G nói chung. Mới đây phát biểu tại một hội thảo, Richard Yu – Giám đốc Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei cho biết công ty này đã phải dừng sản xuất dòng chip Kirin do công ty này phát triển vì các lệnh cấm của Mỹ.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 3.

Huawei đã phải dừng sản xuất dòng chip Kirin do công ty này phát triển vì các lệnh cấm của Mỹ.

Việc các công ty Mỹ muốn làm ăn với Huawei phải được sự cho phép của Chính phủ khiến chuỗi cung ứng của công ty Trung Quốc gần như bị gian đoạn do bất kỳ chip hay linh kiện bán dẫn nào trên thế giới đều cần công cụ thiết kế do công ty Mỹ cung cấp.

Dù đã chuẩn bị tinh thần và cơ sở vật chất cho những lệnh trừng phạt nhưng rõ ràng Huawei vẫn phải đối mặt với một cú sốc quá lớn trong mảng smartphone. Bất chấp việc Huawei xoay sang các lĩnh vực mới như máy tính cá nhân, màn hình thông minh hay dịch vụ đám mây nhưng những mảng này chưa thể bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là điện thoại thông minh.

Ở thị trường ngoài Trung Quốc, hãng đang chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ. Theo Canalys, doanh số bán hàng của hãng trong quý II/2020 vừa qua giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm nữa, những lệnh trừng phạt và cấm vận này khiến công nghệ 5G của thế giới đang bị kìm hãm phát triển. "Huawei không chỉ là một công ty. Họ, theo nhiều cách khác nhau, là người tiên phong trong công nghệ mạng 5G. 

Loại bỏ họ rất khó khăn cho công việc vì sẽ phá vỡ toàn bộ dự án. Nếu ý tưởng là tạo ra một mạng 5G không có người Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng nó sẽ khả thi. Và nếu có thể, liệu điều đó có tốt?", Jorge Chontreras, giáo sư trường đại học Utah (Mỹ) nhận xét về việc Huawei đang bị "cô lập" khỏi việc phát triển mạng 5G.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 4.

Huawei đang bị "cô lập" khỏi việc phát triển mạng 5G.


Việc phải thay đổi công nghệ, tìm kiếm nguồn linh kiện thay thế khiến các kế hoạch triển khai 5G ở các quốc gia khác mà Huawei làm chủ đầu tư bị chậm nhịp. Sự chậm trễ này không chỉ làm thiệt hại lớn về tài chính mà còn khiến khả năng tiếp cận công nghệ của các "quốc gia thứ 3" bị hạn chế.

Huawei – Thách thức và cơ hội

Tuy vậy những thiệt hại kể trên rất khó có thể khiến tập đoàn như Huawei sụp đổ, ít nhất trong ngắn hạn. Việc chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn bị đứt gãy sẽ khiến mảng sản xuất điện thoại thông minh gặp vô vàn khó khăn. Huawei đã thử các chip di động của MediaTek và Qualcomm, chứng tỏ họ đang cố gắng thay đổi để không phải từ bỏ mảng đã dày công gây dựng.

Về ngắn hạn khả năng kinh doanh của mảng smartphone của Huawei bị đình trệ, các mẫu điện thoại mới sẽ khó được tiếp nhận khi không được Google hỗ trợ hệ điều hành Android. "Việc không thể tiếp tục sản xuất Kirin sẽ khiến vị trí của Huawei trên thị trường smartphone không còn chắc chắn, đặc biệt là với smartphone cao cấp. Việc này cũng làm tổn hại đến hình ảnh thương hiệu quốc gia vốn rất quan trọng với Huawei", Will Wong, nhà phân tích của IDC chia sẻ.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 5.

Huawei đang rất nỗ lực để có thể làm vừa lòng các nhà lập pháp Mỹ, theo đó hãng này đã và đang cho công khai và minh bạch các số liệu về tài chính. Theo Jia Mo, nhà phân tích đến từ Canalys, phán quyết mới nhất của chính phủ Mỹ không đồng nghĩa với việc "cắt đứt 100% nguồn cung cấp chip cho Huawei", mục đích chính của chính quyền ông Trump thực hiện chính là giành lại quyền kiểm soát các hoạt động mua bán chip của công ty này.

Đồng thời tìm cách "lách luật", trong đó động thái mới nhất là cùng Xiaomi, Oppo, Vivo hợp lực để thành lập Liên minh Dịch vụ Nhà phát triển Toàn cầu, với mục đích kêu gọi sự tham gia của nhiều nhà phát triển ứng dụng nước ngoài. Các công ty này gần đây còn cho ra mắt Liên minh Truyền tải Ngang hàng để hỗ trợ chia sẻ dữ liệu cục bộ.

Thêm vào đó dù bị áp đặt nhiều lệnh cấm và trừng phạt cùng những cáo buộc gián điệp từ Mỹ nhưng vẫn rất nhiều nước quyết định hợp tác và sử dụng công nghệ 5G của Huawei. Huawei đã giúp xây dựng mạng 5G ở hơn 10 quốc gia và dự kiến sẽ làm điều tương tự vào 20 quốc gia khác vào năm 2020. Các thị trường như Nga, các nước Trung Đông và châu Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia,…) là những khách hàng chính của công ty này. Lý do chính vì các thiết bị của Huawei rẻ và phù hợp hơn so với thiết bị của Nokia và Ericsson.

Thêm vào đó, rất nhiều các quốc gia đã ký kết những hợp đồng lên đến hàng tỉ USD và rất khó để họ phá vỡ hợp đồng. Theo tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom, nếu bỏ tất cả các cơ sở hạ tầng của Huawei sẽ khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành viễn thông và quá trình triển khai 5G sẽ bị chậm lại ít nhất 18 tháng.

"Gã khổng lồ" Huawei sẽ ra sao giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung? - Ảnh 6.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang.


Cùng với những sức ép từ chính phủ Trung Quốc khi đe dọa trừng phạt kinh tế nếu các nước phá hợp đồng với Huawei cũng là một trong những lý do giúp Huawei tự tin hơn trong cuộc chiến này. Chính vì vậy rất ít khả năng Huawei sẽ gặp khó khăn trong việc kinh doanh và triển khai công nghệ 5G, có chăng thì việc này sẽ chỉ chậm hơn so với tiến độ đề ra mà thôi.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang nhất là giữa thời điểm khó khăn vì Covid-19 cho thấy hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tái định hình thế giới công nghệ.

Huawei sẽ gặp vô vàn thách thức và khó khăn trước tình cảnh bị kẹt ở giữa nhưng nếu khéo léo luồn lách, tận dụng sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc, cùng với việc làm hài lòng Mỹ thì Huawei hoàn toàn có thể "độc bá" thị trường viễn thông trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem