Gái xinh người Thái bật mí bí quyết làm món chẳm chéo "thần thánh"

Bích Hội Thứ sáu, ngày 26/10/2018 06:05 AM (GMT+7)
"Làm món chẳm chéo không khó, nhưng không phải ai cũng biết cách làm ngon. Người Thái chúng tôi có bí quyết chế biến riêng, khiến thực khách chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi”, chị Tòng Thị Đôi, bản Mòng, xã Hua La, TP.Sơn La chia sẻ.
Bình luận 0

Từ lâu, chẳm chéo là một loại thức chấm không thế thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân tộc Thái ở Sơn La. Thứ hỗn hợp sền sệt, lẫn đủ màu xanh đỏ cùng vị mằn mặn, cay cay .. đã trở thành một hình ảnh khó quên cho du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Bắc này.

Trong tiếng Thái, “chẳm” nghĩa là thức chấm, còn “chéo” để chỉ hỗn hợp từ nhiều loại gia vị. Chẳm chéo được người Sơn La dùng để chấm với thịt, cá, măng rừng, rau củ hoặc có khi chỉ để ăn với cơm trắng cũng khiến nhiều người xuýt xoa thòm thèm.
Với người Thái đen ở Thuận Châu thì món chẳm chéo còn là hình ảnh đại diện cho thịnh tình của gia chủ. Khách đến nhà, nếu bí người tiếp chuyện, chủ nhà chỉ cần đặt lên mâm cơm 1 đĩa chẳm chéo là có thể bỏ mặc khách ngồi đấy để đi bắt cá, đuổi gà, làm cơm mà không vị khách nào dám trách cứ về việc bỏ khách ngồi một mình...

img

Không chỉ có màu sắc bắt mắt, chẳm chéo của người Thái còn dậy mùi thơm khó cưỡng của lá chanh, mắc khén, tỏi ớt hòa quyện, đủ để đánh thức ngũ giác của những thực khách khó tính nhất.

Bất kì ai sống ở khu vực Tây Bắc đều biết cách làm chẳm chéo. Bởi vì món ăn này chỉ đơn giản là giã nhuyễn các loại gia vị cùng nhau. "Vậy nên làm chẳm chéo không khó, nhưng không phải ai cũng biết cách làm ngon. Người Thái chúng tôi có bí quyết chế biến riêng, khiến thực khách chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi", chị Tòng Thị Đôi, bản Mòng (Xã Hua La, TP. Sơn La) vui vẻ chia sẻ.

Theo chị Đôi, để món chẳm chéo ngon, chuẩn vị thì quan trọng nhất là phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, bao gồm: tỏi, ớt, mắc khén (một loại quả hình tròn, màu xanh, có mùi thơm hơi giống hạt tiêu), muối, rau mùi, lá chanh. Công đoạn chế biến chẳm chéo phải được giã bằng tay mới tạo được độ sánh mịn, tuyệt đối không dùng máy xay sẽ khiến các loại nguyên liệu bị nát.

Đặc biệt, muối, ớt và mắc khén phải được phơi khô và rang chín trước khi cho vào giã. “Nếu dùng ớt tươi sẽ khiến chẳm chéo có mùi hăng. Ngoài ra sẽ tiết rất nhiều nước khi giã, không đảm bảo được độ sánh mịn của món ăn”, chị Đôi giải thích thêm.

img

Chẳm chéo được dùng kèm với hầu hết các món ăn như thịt,cá, rau củ luộc, quả chua... Tùy theo khẩu vị mà người ăn có thể điều chỉnh vị cay, mặn cho phù hợp. 

Dưới ánh lửa bập bùng, chị Đôi thoăn thoắt cho tỏi, ớt, mắc khén vào một cái cối gỗ và giã đều tay. Đến khi cái mùi cay xè của tỏi, ớt và mùi the mát của mắc khén sực nức căn bếp, mới thấy chị cho thêm rau thơm cắt nhỏ vào giã cùng.

Khi được hỏi, sao không cho tất cả gia vị vào giã cùng một lúc, chị cười nói: “Rau thơm phải thêm vào sau cùng thì mới làm nổi bật hương vị của chẳm chéo. Hơn thế nữa, rau vẫn sẽ giữ được màu xanh đẹp mà không bị dập, nát quá.”

Loắng một cái, chẳm chéo đã giã xong, bữa tối cũng đã dọn sẵn lên mâm. Bát chẳm chéo thơm phức được đặt cạnh đĩa rau rừng nóng hổi, chỉ nhìn thôi đã ứa miếng rồi.

“Bữa cơm mà thiếu chẳm chéo thì nhạt mồm nhạt miệng lắm. Với người Thái chúng tôi, khách quý đến nhà nhất định phải được mời món này. Có vậy mới thể hiện được lòng hiếu khách của chủ nhà đấy nhé", chị Đôi tâm sự thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem