Gần 190.000 hộ tham gia bảo hiểm cây lúa

Thứ sáu, ngày 10/05/2013 09:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (9.5), Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Đánh giá thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).
Bình luận 0

Ông Nguyễn Phùng Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho biết: “Đa số các hộ nông dân ở Nam Định đều có diện tích lúa rất nhỏ, từ 3-5 sào nên trong cơn bão số 8 của năm 2012, có nhiều hộ bị thiệt hại tới 90% năng suất mà vẫn không được hưởng BHNN.

Nguyên nhân là theo quy định, thiệt hại của một hộ nông dân phải làm giảm năng suất của cả xã mới được hưởng BHNN. Nếu tính kiểu này, rất nhiều người tham gia BHNN bị thiệt nên nhiều người chưa mặn mà”.

img
Vẫn còn nhiều nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp.

Cũng theo ông Hoan, năm 2013, tỷ lệ phí tham gia bảo hiểm đối với cây lúa đã giảm xuống (từ 5,3% còn 4,7%), trong khi hỗ trợ phí cho hộ cận nghèo cũng tăng lên dẫn tới số người tham gia BHNN ở Nam Định cũng tăng. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là những hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHNN. Cụ thể, BHNN đối với cây lúa năm 2012, ở Nam Định có 12.909 hộ, trong đó có 12.544 hộ nghèo, 349 hộ cận nghèo và chỉ có 16 hộ không thuộc đối tượng chính sách tham gia…

Không chỉ Nam Định, các tỉnh được chọn triển khai thí điểm BHNN cũng ở trong tình trạng tương tự. Tính đến 30.4, có 189.797 hộ tham gia BHNN đối với cây lúa ở 7 tỉnh được lựa chọn thí điểm, nhưng chỉ có 6.522 hộ không thuộc đối tượng chính sách. Ở lĩnh vực vật nuôi cũng xảy ra tình trạng tương tự, khi có 29.163 hộ tham gia BHNN, trong đó chỉ có 1.632 hộ không thuộc đối tượng chính.

Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “BHNN đối với cây lúa cần có số liệu thống kê nhưng hiện thống kê năng suất mới chỉ xuống đến xã, chưa có số liệu thống kê tới từng thôn, từng cánh đồng nên các đơn vị bảo hiểm vẫn phải tính chung năng suất cho cả xã, không thể áp dụng cho từng hộ gia đình. Còn đối với lợn gà lại liên quan tới đầu con và thời gian nuôi, thủy sản thì rất khó để đếm được có bao nhiêu tôm, cá dưới ao”.

Cũng theo ông Hà, sau một thời gian triển khai, Bộ Tài chính và Bộ NNPTNT đã có những quyết định sửa đổi nhiều lĩnh vực cho phù hợp hơn như: Bổ sung đối tượng bảo hiểm vật nuôi (vịt), bỏ đối tượng bảo hiểm là cá basa; mở rộng một số rủi ro thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với đặc thù của địa phương; mở rộng điều kiện tham gia bảo hiểm cho tôm, cá…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem