Gạo Việt kém cạnh tranh do thiếu thương hiệu

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 12/12/2014 08:58 AM (GMT+7)
Nhiều yếu kém của lúa gạo Việt đã được đưa ra mổ xẻ tại Hội thảo “Tương lai cho ngành lúa gạo Việt Nam” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 11.12 tại Cần Thơ.  
Bình luận 0

Tại hội thảo, ông Dương Quốc Xuân - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Trong số 850 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào vùng ĐBSCL với tổng vốn 11 tỷ USD thì lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 6% số dự án và chiếm 2% tỷ trọng vốn. Riêng về lúa gạo, chúng ta đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu nhưng có giá trị lại thấp. Lý do vì gạo chúng ta chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, lúa bán đi chưa được kiểm soát nên chất lượng chưa ổn định”.

img
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.        
Cũng chính vì ít được chú ý đầu tư, nên về cơ bản hiện ngành lúa gạo của chúng ta là do chính người nông dân tự đầu tư, sản xuất. Theo PGS-TS Mai Thành Phụng – Trưởng bộ phận phía Nam (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), trước mắt các địa phương phải tiếp tục đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trong đó cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Cụ thể là sử dụng giống xác nhận, sạ hàng, sử dụng phân thuốc sinh học… Có như vậy mới giảm lúa chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, có thị trường tiêu thụ. Có lợi nhuận, người dân mới hăng hái tham gia sản xuất, từ đó ngành lúa gạo mới phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững”.

 

Nhìn từ góc độ của một doanh nghiệp, ông Vũ Quang Cảnh - Phó phòng Nông sản thực phẩm thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam cho rằng: “Cơ bản là gạo Việt Nam có chất lượng thấp, có khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu có phẩm cấp thấp (25% tấm). Hiện tỷ lệ diện tích sử dụng lúa giống cấp xác nhận của vùng chỉ có 35%; đến 93% lượng lúa do nông dân sản xuất ra bán cho thương lái nên các doanh nghiệp không thể kiểm soát được chất lượng lúa đầu vào”.

Theo ông Dương Quốc Xuân, một số nước hiện nay đang có chính sách đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ. Đây sẽ là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam. Vì vậy, việc cần làm ngay từ bây giờ là có chính sách thu hút đầu tư và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia trước khi quá muộn”. Đối với vấn đề trên, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “Đến năm 2020, dân số nước ta sẽ ở mức 100 triệu người, sản xuất lúa sẽ ngày càng khó khăn hơn vì đất sản xuất bị thu hẹp, áp lực sâu bệnh ngày càng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn. Để phát triển ngành này thì việc xây dựng thương hiệu là cần thiết và doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm việc này. Còn Nhà nước phải có chính sách thích hợp hơn nữa, nếu không, như tình hình hiện nay, đến một lúc nào đó có thể dẫn đến nông dân bỏ ruộng hoặc họ chỉ sẽ hướng đến “an ninh lương thực gia đình”, sẽ khó khăn hơn cho an ninh lương thực quốc gia”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem