Gặp người kiện Chủ tịch tỉnh để đòi công lý cho ba ba

Thứ bảy, ngày 01/09/2012 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi vụ kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhằm "cởi trói" cho ba ba kéo dài, thông tin râm ran trên báo chí, nhiều người ủng hộ anh. Nhưng cũng có người bảo anh là gàn, tốn tiền, hao của vào việc không đâu.
Bình luận 0

Chỉ một thời gian không lâu nữa, con ba ba sẽ được chính thức được “cởi trói”; từ động vật rừng bị kiểm soát, ba ba sẽ được nuôi và buôn bán dễ dàng như con gà, con lợn; tạo điều kiện cho hàng vạn hộ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng nhờ nuôi ba ba...

Để có được điều đó, không thể không nhắc đến “nhân vật chính” trong vụ kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là anh Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty TNHH Tiền Hậu (TP.HCM); người đầu tiên nổ phát súng cho “cuộc chiến” pháp lý về con ba ba.

img
Anh Trần Đình Quyết và ba ba nuôi trong trang trại của mình.

Bỏ nghề kỹ sư xây dựng về nuôi ba ba

Sinh năm 1975, ngày nhỏ còn ở quận Kiến An - Hải Phòng, cậu bé Trần Đình Quyết với đám bạn cùng trang lứa thường ra các ao đầm để sục sạo, tìm cái ăn cho gia đình. Một bận may mắn vớ được ba ba về ăn, cái vị ngọt ngọt, dai dai, ngậy ngậy của nó cứ đeo đuổi, ám ảnh anh mãi đến sau này. Năm 14 tuổi, cả gia đình Quyết chuyển vào Đồng Tháp- vùng đất lầy lội, nhiều ao hồ này lại càng làm cho chàng trai lọ mọ này thích thú. Học thì cứ học, nhưng “sểnh” ra là anh chàng lại ra hồ, ra đầm mò mẫm tìm ba ba. Không những bắt ba ba để ăn, Quyết còn bắt về bỏ vào bể nuôi như cá cảnh.

Nghĩ nuôi chơi thế, mà ba ba lại sống khỏe, đẻ con đàng hoàng, Quyết cứ tưởng đó là sự lạ, nhưng hóa ra, vào thời điểm đó (khoảng những năm 1990), ở Đồng Tháp, nhiều hộ dân nuôi được ba ba sinh sản. Thế là từ đó, Quyết “bập” luôn vào nghề nuôi ba ba. Quyết học cách làm chuồng trại, cách chăm sóc, cách làm cho ba ba sinh nở, thậm chí, học được cả “mẹo” tách ba ba đực và ba ba cái ra để chúng không cắn lẫn nhau...

Được một thời gian, cả gia đình lại chuyển lên huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) sinh sống, nhưng Quyết vẫn không quên mang theo cái mộng thành chủ trại ba ba. Ngay cả khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành xây dựng, có một công việc tương đối ổn định, Quyết cũng không quên con ba ba. Quyết rủ người em gái ruột tên Thu cùng đào ao, lập trại nuôi ba ba và dần dà, anh bỏ hẳn cả công việc kỹ sư xây dựng.

Đưa ba ba đi khắp thế giới

Đã xác định là kế sinh nhai, tất nhiên việc nuôi ba ba không còn là việc đưa ba ba vào tủ kính để ngắm. Quyết và cô em gái nuôi thật và con ba ba cũng không phụ lòng người. Ba ba sinh sôi, lớn lên nhanh chóng, nhưng cái khó muôn đời của nông dân chính là tìm đầu ra cho sản phẩm - không loại trừ anh em Quyết. Ngay tại TP. Hồ Chí Minh lúc đó, ba ba vẫn là đặc sản đắt tiền, đến cả triệu đồng/kg, ít ai dám ăn. Hai anh và em chở nhau bằng xe máy đi khắp các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh mời mọc và đa phần chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Nhưng trời không phụ người. Lần đầu tiên, hai anh em chở theo số ba ba nuôi và đã bán được 3 con cho một nhà hàng gần sân bay Tân Sơn Nhất. Mưa dầm thấm lâu, khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh quen dần với việc tiêu thụ ba ba. Rồi hai anh em Quyết mở rộng mô hình chăn nuôi để bán; thậm chí còn làm đầu mối tiêu thụ ba ba cho các nông dân ở Đồng Tháp, Long An…

Nhưng rồi thị trường nhà hàng cũng không kham nổi tốc độ nuôi trồng của nông dân, nhiều lứa ba ba của chị em Quyết nằm im dưới ao hàng năm trời. Và thế là, Quyết và cô em gái quyết tâm “đánh” vào thị trường siêu thị. Hai anh em tìm đến siêu thị Metro và rất may người quản lý siêu thị này lại rất thích sản phẩm nông nghiệp và muốn có một mặt hàng độc đáo như ba ba trên kệ hàng. Đó là vào năm 2001, anh em Quyết ký được hợp đồng bán ba ba sống cho hệ thống siêu thị lớn này.

Đến năm 2006, khi việc kinh doanh thuận lợi, hai anh em Quyết lập Công ty Tiền Hậu và kéo thêm nhiều người trong gia đình tham gia. Hiện nay, Tiền Hậu có diện tích nuôi ba ba rộng đến 10ha ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp. Ba ba của công ty được bán khắp từ Nam chí Bắc. Ngoài siêu thị Metro, Tiền Hậu còn đưa ba ba vào các siêu thị lớn khác như Big C, Lotte…

Không chỉ tiêu thụ ba ba của gia đình mình, anh Quyết còn bao tiêu cho khoảng 500 hộ nuôi ba ba trơn nằm rải rác ở các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Từ việc bán ba ba sống, công ty bắt đầu lấn sang lĩnh vực chế biến ba ba với các sản phẩm ba ba ướp gừng đóng gói để bán vào siêu thị.

Anh Quyết nói, công ty đang chuẩn bị cho ra đời như ba ba hầm thuốc bắc đóng hộp, thậm chí đang nghiên cứu để làm rượu tiết ba ba. “Ba ba là món ăn bổ dưỡng rất dễ nuôi. Tôi muốn ba ba trở thành món ăn phổ biến, dân dã như thịt lợn, thịt bò chứ không phải là một thứ đặc sản đắt tiền như hiện nay” - anh Quyết tâm sự.

Đầu năm 2011, anh Quyết đón một đoàn khách đặc biệt từ Nhật Bản muốn đến thăm công ty. Đó là những cán bộ thuộc Công ty Thực phẩm Kituku nổi tiếng của Nhật. Sau khi thăm quan mô hình nuôi ba ba, công ty này đã ký hợp đồng mua ba ba của Tiền Hậu và anh đã xuất những lô hàng đầu tiên sang Nhật. Ngoài ra, anh cũng bán được ba ba sang Mỹ thông qua một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm trong nước, trở thành một trong những người đầu tiên đưa ba ba Việt Nam ra thế giới.

Phía sau vụ kiện ba ba ở Quảng Bình

Lô ba ba chuyển ra Hà Nội (hiện anh có hơn 10 đầu mối tiêu thụ ba ba tại đây) vào tháng 9.2011, có lẽ là phi vụ làm ăn gian nan nhất của anh Quyết. Lô hàng 608 con bị đã ách lại ở Quảng Bình, kéo anh vào vòng lao lý. Mất cả lô hàng, mất 250 triệu đồng tiền phạt nhưng điều anh thấy khổ sở nhất phía sau vụ kiện này là khi anh muốn mở chuồng chăm sóc ba ba nhưng Kiểm lâm Quảng Bình không chấp nhận. Nghe luật sư kể lại, ba ba chết quá nửa, bán thanh lý được hơn 20 triệu đồng, ruột anh đau như cắt.

Vụ xử sơ thẩm đã khép lại và cục diện nếu có sự thay đổi phải chờ đến phiên tòa phúc thẩm của tòa án tối cao tại Đà Nẵng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, một khi Bộ NNPTNT đang xem xét dự thảo cuối cùng của Thông tư về nuôi nhốt động vật rừng thông thường, trong đó ba ba đã được đưa ra ngoài danh mục quản lý, đã đánh dấu một bước tiến về chính sách.
Trong việc này, có phần đóng góp từ vụ kiện của anh Quyết và 608 con ba ba của anh ở Quảng Bình. Nếu được, hàng vạn nông dân sẽ biết ơn anh về điều đó.

Khi vụ kiện kéo dài, thông tin râm ran trên báo chí, nhiều người ủng hộ anh. Nhưng cũng có người bảo anh là gàn, tốn tiền, hao của vào việc không đâu. Cơn cớ của vụ kiện cũng chỉ vì anh không có cái giấy xác nhận của kiểm lâm. Có người hỏi, sao anh không lên báo cho kiểm lâm, rồi kiểm lâm xuống kiểm tra, xác nhận cho lô hàng, cầm giấy để đi đường là xong. Sao lại bày ra cái chuyện chống đối rồi mua chuyện vào người...

Tuy nhiên, cách tính toán chi li của anh Quyết có lẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm. Anh lấy ví dụ, để xin giấy xác nhận của kiểm lâm cho một lô ba ba sẽ hết khoảng 250.000 đồng, nhân với hàng nghìn, hàng vạn lô hàng của nông dân được vận chuyển đi một năm, số tiền lãng phí sẽ lớn đến mức khó có thể tượng tượng được. Điều quan trọng hơn cả là, từ năm 2008 con ba ba đã được Bộ NNPTNT cho phép sản xuất, kinh doanh thương mại, thì việc gì cần phải xin giấy của kiểm lâm!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem