Ngày 16.8, ông Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty TNHH Tiền Hậu (TP. Hồ Chí Minh), người khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong vụ vận chuyển ba ba cho biết, đã nộp đơn kháng cáo lên TAND Tối cao và tuyên bố sẽ đi đến cùng sự việc.
Nhiều văn bản quy định ba ba là đối tượng nuôi
Trong đơn, ông Quyết cho rằng, bản án sơ thẩm số 03/2012/HC-ST ngày 20.7.2012 của TAND tỉnh bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Tiền Hậu và giữ nguyên hiệu lực quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là chưa khách quan, không đúng quy định pháp luật, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Tiền Hậu.
|
Ông Trần Đình Quyết tại trại nuôi ba ba của công ty. |
Ông Quyết đưa ra nhiều cơ sở để bác bỏ nội dung bản án này. Thứ nhất, ông Quyết cho rằng, bản án của tòa Quảng Bình xác định ba ba trơn là động vật rừng được điều chỉnh theo Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 2.11.2009 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), rồi từ đó cho rằng, việc ông vận chuyển lô ba ba không có giấy xác nhận của kiểm lâm đã vi phạm nghị định là không có cơ sở.
Ông Quyết bảo lưu quan điểm cho rằng, ba ba trơn đã được nuôi tại Việt Nam trên 25 năm và được nuôi rộng rãi khắp cả nước, bởi đây cũng là loài thủy sản nuôi có hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ngoài ra, ông Quyết dẫn ra các văn bản của các cơ quan nhà nước trong suốt thời gian qua chứng minh ba ba thuộc danh mục thủy sản được khuyến khích nuôi, thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành thủy sản.
Chẳng hạn Quyết định 337/QĐ-BKH ngày 10.4.2007 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư nêu rõ, ba ba thuộc nhóm mã ngành 03222 là loài thủy sản nước ngọt. Quyết định số 231/QĐ- BTS ngày 4.3.2005 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về "phê duyệt danh sách các đối tượng nuôi trồng thuỷ sản áp dụng cho các mô hình khuyến ngư", trong đó ba ba là đối tượng nuôi thuỷ sản.
Đặc biệt, ông Quyết đưa ra Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 23.6.2006 về phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2006-2010 của UBND tỉnh Quảng Bình coi ba ba là một đối tượng thủy sản để phát triển…
Tiền lệ xấu
Trong đơn kháng cáo, ông Quyết còn nêu ra một số điểm bất hợp lý về mặt thủ tục trong quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, như: Quyết định xử phạt phải ghi tên của cá nhân, tổ chức vi phạm (ở đây là chủ lô hàng). Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng, ông là giám đốc, tức người đại diện cho Công ty Tiền Hậu chứ không phải chủ lô hàng.
Ông Quyết còn cho rằng, Kiểm lâm Quảng Bình còn có các sai sót khi xử lý lô ba ba là tang vật vi phạm. Theo đó, ba ba là loại hàng hóa dễ hư hỏng, theo quy định, phải nhanh chóng được bán, đấu giá; nhưng Kiểm lâm Quảng Bình lại để ba ba trong thời gian dài không chăm sóc, dẫn đến bị chết, hao hụt.
“Hiện nay, rất nhiều địa phương, cơ quan chức năng cùng quản lý, giám sát việc vận chuyển ba ba nhưng không ai xử phạt và quản lý như ở Quảng Bình”.
Ông Trần Đình Quyết
Trao đổi với phóng viên NTNN cùng ngày, ông Quyết nói: "Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và bản án của TAND tỉnh Quảng Bình làm ảnh hưởng đến cả vật chất, tinh thần và danh dự của tôi. Hiện nay, rất nhiều địa phương, cơ quan chức năng cùng quản lý, giám sát việc vận chuyển ba ba nhưng không ai xử phạt và quản lý như ở Quảng Bình.
Việc tòa Quảng Bình xử doanh nghiệp thua tạo nên một tiền lệ xấu không chỉ về mặt pháp luật mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, buôn bán ba ba của hàng vạn nông dân".
Ông Quyết cho biết, sau khi ông bị xử thua, rất nhiều nông dân nuôi ba ba ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Long An đã chia sẻ và động viên ông tiếp tục kháng cáo. Nhiều cán bộ địa phương cho biết sẽ kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tiếp tục làm rõ vấn đề này.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.