Gấp rút đào tạo giáo viên dạy nghề

Chủ nhật, ngày 29/05/2011 10:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thiếu giáo viên, chưa “chuẩn hoá” được chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn... là trăn trở của nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Bình luận 0

“Ăn đong” giáo viên

Thực hiện Đề án 1956 (về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020), nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh miền núi, tập trung xây dựng hệ thống trung tâm dạy nghề cấp huyện. Chẳng hạn như tại Hà Giang, các huyện xa xôi như Xín Mần, Hoàng Su Phì… đã được phê duyệt xây dựng trung tâm dạy nghề.

img
Các trung tâm dạy nghề cấp huyện đang rất thiếu giáo viên cơ hữu.

Ông Lê Quang Bình - Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH Hà Giang cho hay: “Bình thường giáo viên dạy nghề đã rất thiếu, trong khi đó mỗi trung tâm dạy nghề mở ra cần ít nhất 3-5 giáo viên cơ hữu và nhân lực cho các bộ phận khác. Vì vậy, nếu không có quy hoạch, đào tạo bài bản thì hầu như phải “ăn đong” giáo viên bằng cách thỉnh giảng”.

Tương tự, các trung tâm dạy nghề cấp huyện ở Lai Châu, Cao Bằng… cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Bà Hoàng Thị Nhấm - Phòng Đào tạo, Trung tâm Dạy nghề miền Tây Cao Bằng cho hay, việc tuyển giáo viên dạy nghề ở khu vực này khó hơn cả việc vận động bà con đi học, bởi: “Học sinh tại chỗ không có điều kiện học sư phạm nghề, còn giáo viên nơi khác thì không chịu đi vùng sâu, vùng xa để dạy”. Vì vậy, hiện Trung tâm này vẫn chưa thể tổ chức lớp.

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, các trung tâm dạy nghề trong cả nước còn thiếu khoảng 2.900 giáo viên, chưa tính các trung tâm đang xây dựng. Tại hội nghị giao ban thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tổ chức mới đây, tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu giáo viên cũng là một trong những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện đề án được Ban chỉ đạo đề án chỉ ra bên cạnh việc thiếu giáo trình, học liệu dạy nghề cho LĐ nông thôn.

Cần sự linh hoạt

Lường trước khó khăn đó, trong Đề án 1956, công tác phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề rất được chú trọng với các hoạt động: Khảo sát, đánh giá đội ngũ giáo viên dạy nghề; huy động nghệ nhân, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư… tham gia giảng dạy.

Theo Tổng cục Dạy nghề, tới thời điểm này mới có 156 giáo viên trung tâm dạy nghề, người dạy nghề thuộc 14 tỉnh và Tổng Công ty Thuốc lá được đào tạo thí điểm; tổ chức 7 khóa cho hơn 120 giảng viên đang trực tiếp giảng dạy tại 48 đơn vị, cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề...

Ông Trần Văn Nịch - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) cho hay, đầu năm 2011, Vụ đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho hàng ngàn nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật… để bổ sung vào đội ngũ giáo viên dạy nghề. Thế nhưng, giáo viên dạy nghề, nhất là giáo viên cơ hữu, vẫn rất thiếu khiến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở nhiều tỉnh miền núi gặp khó khăn. Vì thế, việc đào tạo giáo viên dạy nghề rất cần sự linh hoạt của các địa phương.

Nói về sự linh hoạt thì có lẽ Hà Giang là tỉnh đầu tiên cử tuyển một lúc hơn 200 học sinh đi học tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định để chủ động tạo nguồn giáo viên dạy nghề. Dự kiến cuối tháng 6.2011 này, số học sinh nói trên sẽ ra trường và bổ sung cho lực lượng giáo viên đang rất yếu và thiếu ở Hà Giang.

Ông Lê Quang Bình cho hay: “Để có được số giáo viên này, phòng dạy nghề phải tham mưu chọn và cử tuyển học sinh đi học (học 5 nghề cơ bản), các em được hỗ trợ 500.000 đồng tiền ăn/tháng, được cam kết bố trí việc làm sau đào tạo…”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, dù đã rất linh hoạt, nhưng việc hậu “tạo nguồn” này cũng gặp không ít khó khăn, như biên chế nhân lực ở các địa phương bị khống chế; khó có cơ chế ràng buộc giáo viên ở lại làm việc lâu dài… Hơn nữa, không phải tỉnh nào cũng có nguồn lực “bao” trọn gói việc đào tạo giáo viên dạy nghề, nên cách làm này hiện vẫn chưa thể nhân rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem