García Márquez - Người Colombia nổi danh nhất

Thứ bảy, ngày 19/04/2014 08:04 AM (GMT+7)
Giới hâm mộ văn chương đã nói chính xác về ông: “Với các tác phẩm mình, ông mang sự cuốn hút Mỹ Latin và những điều tương phản tro sống tới hàng triệu bạn đọc. Đó là người Colombia nổi danh nhất”.
Bình luận 0
Người của “hiện thực huyền ảo”

Năm 1967, bầu trời văn học châu Mỹ Latin chói sáng một vì sao với sự xuất hiện của cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” (tên tiếng Tây Ban Nha : Cien años de soledad ) của Gabriel José García Márquez. Cuốn sách gây sửng sốt và cảm xúc tân kỳ cho độc giả vì nó được viết bằng một thi pháp mới mẻ mà sau đó các nhà phê bình gọi là hiện thực huyền ảo. Thực ra ông không phải là người đầu tiên hay duy nhất đẻ ra phương pháp sáng tác này.

Nhưng ông là người có tác phẩm thành công vang dội nhất làm sáng danh hiện thực huyền ảo. Đó cũng chỉ là một cách “chỉ mặt đặt tên” của các nhà lý thuyết chứ người đọc thì không cần biết nhà văn viết bằng phương pháp gì, miễn là nó hay, nó lôi cuốn người ta đến mức thay đổi tình cảm, tư duy và cả cách sống của bản thân mình lúc nào không hay. “Trăm năm cô đơn” là một cuốn sách như vậy. Nó hoàn toàn xứng đáng đưa tác giả lên ngai vàng Nobel văn chương 7 năm sau đó (1982).

Nhà văn Gabriel Garcia Marquez.
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez.

Hai mươi năm sau, độc giả Việt Nam mới được đọc nó qua bản dịch tuyệt vời của cố dịch giả Trung Đức, nhưng “chậm còn hơn không bao giờ”, chính Márquez là người đầu tiên cho người yêu văn học ở một đất nước vừa thoát ra từ đau thương của chiến tranh tàn khốc, một thế hệ độc giả trước nay chỉ biết tôn sùng chủ nghĩa tả chân (hiện thực) kiểu Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan biết một thứ văn học của sự tưởng tượng vô bờ bến. Theo tôi, Vũ Trọng Phụng với “Số đỏ” cũng đã ít nhiều gần với hiện thực huyền ảo của “Trăm năm cô đơn”. Điều đó giải thích một phần vì sao nhà văn họ Vũ và “Số đỏ” còn được đọc và hâm mộ cho đến ngày nay.

Nhưng Marquez không chỉ có “Trăm năm cô đơn”. Sau đó là “Tình yêu thời thổ tả”, “Đại tá chờ thư”, “Cái chết được báo trước”... và cuối cùng: “Những cô gái điếm buồn của tôi”. Đã có 17 cuốn sách của ông được dịch qua tiếng Việt.

Marquez không chỉ là nhà văn lớn mà còn là một nhà báo năng nổ, xuất sắc và một nhà hoạt động chính trị cánh tả. Tất nhiên, “nhà chính trị” hay “chính khách” Marquez thường được biết tới như một người cổ vũ salon hay tài trợ tài chính nhiều hơn là hoạt động thực tiễn. Dù thế, ông vẫn bị lưu đày, bị nhà cầm quyền đất nước mình là Colombia cấm cửa (từ 1981) và từ đó ông luôn cô đơn giữa nhân loại.

Cuốn bạn đọc bằng “cuồng phong câu chữ”

Không thể nào kể lại dù một cách tóm tắt cuốn “Trăm năm cô đơn”, ngay cả muốn nói một ấn tượng sâu sắc nhất về nó cũng khó. Marquez cuốn người ta theo như một trận cuồng phong với những câu chữ tân kỳ kiểu: “Anh chẳng cần nhìn cũng biết rằng cô đã đến, cô chống tay lên mặt bàn, rất gần và rất dịu dàng khiến anh như cảm nhận được tiếng lao xao trong xương cốt của cô” (bản dịch Trung Đức), vâng chỉ mới thấy Marquez cảm nhận được “tiếng lao xao trong xương cốt” và còn rất nhiều lần khác nhau kiểu như vậy, ông đã chinh phục chúng ta. “Tình yêu thời thổ tả” nói về tình yêu đương nhiên. Marquez đã nhìn xoáy vào điều bí ẩn muôn thuở mà người ta gọi là “tình yêu” theo cách của ông, phát hiện những điều chỉ mình ông thấy.

Ngày 17.4.2014, người phát ngôn cho gia đình Marquez thông báo trên mạng xã hội Twitter: "Gabriel Garcia Marquez đã qua đời". Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói thế giới đã "mất đi một trong những nhà văn có tầm nhìn vĩ đại nhất, và một trong những nhà văn mà tôi yêu thích nhất...".

Còn “Cái chết được báo trước” là một cảnh báo chính trị với loài người.

Con người đang mấp mé bên nhiều vực thẳm, môi trường, chiến tranh, bom nhiệt hạch, nạn đói, nạn diệt chủng, nạn độc tài… ai cũng nhìn thấy, cũng biết cũng ngửi được mùi cái chết nhưng ai cũng im lặng và đó là một thảm họa không chỉ thuộc về đạo đức! Giới hâm mộ văn chương đã nói chính xác về ông: “Với các tác phẩm của mình, ông mang sự cuốn hút Mỹ Latin và những điều tương phản trong cuộc sống tới hàng triệu bạn đọc. Đó là người Colombia nổi danh nhất”.

Marquez đã vĩnh biệt chúng ta. Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia, đất nước đã từng xua đuổi ông cũng lập tức ngỏ lời trênTwitter: "Trăm năm cô đơn” và đau buồn vì cái chết của người Colombia vĩ đại nhất." Chúng ta nợ Garcia Marquez 17 cuốn sách được dịch và bán trong nước, không ai từng đọc mà quên được “Trăm năm cô đơn” dù không thể kể lại về nó.

Con người đã tạo ra được nỗi cô đơn mênh mông với khả năng và sức mạnh vô bờ bến của ngôn từ đã bước sang một thế giới khác. Nơi đó không phải thiên đường, cũng chẳng là địa ngục nhưng chắc chắn là một khoảng trống, không phải trăm năm mà ngàn năm, vĩnh viễn, linh hồn một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20 lang thang trong cô đơn.
Nguyễn Quang Thân (Nguyễn Quang Thân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem