Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phần lớn các hộ trồng đào, quất cảnh, phật thủ đều mất trắng vì cây đang trong giai đoạn chăm bón, chờ bán vào dịp tết...
"Thủ phủ" trồng phật thủ thiệt hại tiền tỷ
Từ đê sông Hồng nhìn xuống cánh bãi các xã Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà…, chúng tôi thấy khắp nơi chỉ có một màu xám của bùn đất bám trên cây cối đang héo rũ, chết dần.
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Oanh (30 tuổi, thôn Chùa Ngụ, xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội) khi đang trở lại thăm vườn phật thủ của gia đình tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Sau khi nước lũ sông Hồng rút đi, giờ đây cả một vùng rộng lớn trồng phật thủ của gia đình chị và các hộ xung quanh trở nên tan hoang, nhuốm màu chết chóc.
Bà Đinh Thị Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết, phật thủ là loài cây chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông. Do vậy nhiều người dân Đắc Sởđã thuê thêm những diện tích ven sông Đáy, sông Hồng ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng phật thủ.
"Toàn thành phố có hơn 50.000ha diện tích vụ mùa 2024 bị ảnh hưởng bởi bão số 3, trong đó có khoảng 30.000ha lúa và 3.000ha rau màu. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã ban hành 6 văn bản nhằm nhanh chóng triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất. Hiện, nhiều vùng sản xuất rau đã bắt đầu xuống giống vụ đông".
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
2 năm trước, vợ chồng Oanh thuê lại 1,5ha đất ven sông Hồng của một hộ gia đình với giá hơn 3 triệu đồng/sào để trồng phật thủ. Cây đang chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên để bán vào dịp rằm tháng 8 và Tết Nguyên đán thì bất ngờ "tai họa" trên trời đổ xuống, nước lũ đã nhấn chìm tất cả.
Nhặt từng quả phật thủ rụng trong vườn, Oanh không khỏi xót xa, nói: "Vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai. Cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3, đến năm thứ 5 thì hết lứa. Gia đình tôi vay ngân hàng 300 triệu đồng, cộng với tiền túi, tổng đầu tư cho vườn là gần 1 tỷ đồng, nhưng giờ mất tất cả rồi".
Anh Vương Trí Hưng (thôn Trung Kỳ, xã Đắc Sở) còn rơi vào cảnh thê thảm hơn khi trong 2 năm qua anh bỏ ra 750 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng 600 triệu để trồng gần 1ha phật thủ ở xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Con đường dẫn vào vườn của anh Hưng vẫn sình lầy, ngập ngụa trong bùn cao tới 50cm, khiến anh chưa thể kéo máy móc lên được. Thiệt hại cũng gần 1 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở - Đinh Thị Trang cho hay, tính đến ngày 17/9, 245 hộ trồng phật thủ của xã bị thiệt hại do lũ, trên 300ha xóa sổ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng.
Cũng như nông dân xã Đắc Sở, hàng trăm hộ trồng đào, quất ở các phường: Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ) đang mướt mồ hôi khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ước tính thiệt hại về cây trồng trên địa bàn quận khoảng 161,1ha, tương đương 132,18 tỷ đồng, trong đó có khoảng 35,5ha quất, 105ha đào và hơn 20ha hoa màu...
Gắn bó với nghề trồng đào vài chục năm, anh Đỗ Ngọc Bảo, chủ vườn đào tại Nhật Tân không giấu được vẻ mệt mỏi khi nhìn vào khu vườn đào rộng hàng trăm m2 đang héo rũ.
"Chúng tôi đã cố gắng di dời cây lên những khu vực cao hơn, nhưng nước lũ dâng lên nhanh quá. Chỉ trong vài tiếng, cả vườn chìm nghỉm. Hàng năm, thời gian này các nhà vườn đã bắt đầu chuẩn bị cho vụ đào Tết để đưa ra thị trường những cây đào, cây quất đẹp nhất. Giờ thì chẳng còn gì để bán" - anh Bảo buồn rầu nói.
Sẵn sàng khôi phục sau lũ, gieo trồng sớm cây vụ đông
Trao đổi với PV Báo NTNN, điều mong mỏi nhất lúc này của các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua là được các ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn, đồng thời cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tái sản xuất.
Bà Đinh Thị Trang cũng mong muốn thành phố, huyện quan tâm, có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân về vốn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để nhanh chóng sản xuất trở lại.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, địa phương có hơn 1.000ha lúa đã bị ngập, gãy, đổ, trong đó có 145ha bị ngập sâu. Gần 300ha rau màu bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng năng suất khoảng 450ha.
Ngoài ra còn có khoảng 14ha nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng, tốc mái. Hơn 41ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và gần 600 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ - Cấn Văn Hồng cho biết, ngay sau khi bão số 3 đi qua và mưa lũ giảm, huyện đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng tập trung khơi thông dòng chảy để cây lúa, hoa màu tiếp tục phát triển.
"Đối với những diện tích bị gãy, đổ, huyện khuyến cáo bà con thu hoạch sớm; thực hiện thu hoạch lúa đến đâu thì làm đất để chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông đến đó" - ông Hồng nói thêm.
Nhận định thiên tai gây ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, UBND huyện Phúc Thọ đã rà soát, bổ sung kế hoạch tăng thêm diện tích sản xuất vụ đông 2024. Theo đó, huyện phấn đấu tăng thêm khoảng 200ha rau màu ngắn ngày.
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, huyện xác định vụ đông là vụ chính, có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân và duy trì tăng trưởng cho huyện trong năm 2024. Do vậy, UBND huyện đề nghị các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung dồn sức cho vụ đông 2024. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là tổ chức chiến dịch nạo vét kênh mương thuỷ lợi để phục hồi sản xuất.
Chiều 18/9, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã trực tiếp đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại huyện Mê Linh, một trong những địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất Thủ đô. Ông Đại cho biết, theo kế hoạch, vụ đông năm nay Hà Nội dự kiến gieo trồng 29.000ha. Song, để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở NNPTNT Hà Nội đã đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông lên 36.000ha. Trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, địa phương đang chỉ đạo khẩn trương phục hồi sản xuất, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống rau ngắn ngày để kịp thời cung ứng cho thị trường. Huyện cũng huy động các lực lượng hỗ trợ người dân chuẩn bị đất và gieo trồng vụ mới.
Tại cánh đồng thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, mưa lũ đã khiến phần lớn diện tích rau màu bị ngập úng, chỉ còn lại bùn đất. Đến nay, nước đã rút trên phần lớn diện tích canh tác và người dân đang tích cực chuẩn bị cho vụ trồng mới.
Thôn Đông Cao là vựa rau lớn nhất của huyện Mê Linh, cung cấp hàng trăm tấn rau mỗi ngày cho thị trường Hà Nội, vì vậy việc khôi phục sản xuất tại đây được huyện Mê Linh đặc biệt quan tâm. Dự kiến, chỉ trong 20 - 25 ngày nữa, sản lượng rau sẽ được phục hồi đáng kể.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ước tính tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt thiệt hại khoảng 1.956 tỷ đồng; chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỷ đồng, thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỷ đồng. Chưa kể mưa bão đã gây ra 32 sự cố sạt lở liên quan đến đê điều, ảnh hưởng đến đê điều, bờ bãi sông; gây ra 151 sự cố công trình thủy lợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.