Một nông dân Việt Nam xuất sắc bị mất 30 tỷ đồng sau bão Yagi: Ở tuổi 73 vẫn quyết khởi nghiệp lần 2
Tâm sự của một nông dân xuất sắc ở Quảng Ninh bị mất 30 tỷ đồng sau bão Yagi: Tôi sẽ khởi nghiệp lần hai
Thu Lê
Thứ ba, ngày 24/09/2024 11:30 AM (GMT+7)
Đang ăn nên làm ra, thuộc hàng "có số, có má" ở vùng đất mỏ Quảng Ninh với chuỗi liên kết sản xuất rau sạch theo quy trình Nhật Bản, thế rồi cơn bão Yagi quét qua đã "thổi bay" 39ha rau của ông. Bên cạnh đó, nhà máy xử lý rác cũng bị hư hại nặng nề, thiệt hại 30 tỷ đồng, ông vẫn quả quyết sẽ đứng dậy...
Đó là chia sẻ của doanh nhân Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Việt Long), người từng được vinh danh là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Ông Lê Quang Thắng và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long (Việt Long) đang sở hữu khu vực sản xuất rau an toàn rộng 39ha với chuỗi liên kết cùng gần 600 hộ nông dân; và một Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt 100%, với công suất hơn 500 tấn/ngày. Mọi thứ đang đà hoạt động sản xuất bình thường.
Nhưng ngày 7/9, sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, toàn bộ cơ sở trồng rau an toàn của Công ty Việt Long tại thị xã Quảng yên đã bị phá huỷ.
Nhà máy xử lý rác Khe Giang tại TP Uông Bí bị thiệt hại nặng, khiến cho việc đốt rác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại lên đến gần 30 tỷ đồng. Lo lắng hơn, những sản phẩm, dịch vụ mà Việt Long đang thực hiện đều là để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là sau bão. Đó là rau sạch và xử lý chất thải sinh hoạt.
Toàn bộ nhà điều hành của Trung tâm sơ chế - sản xuất giống rau an toàn của Công ty Việt Long bị phá hỏng nặng nề sau bão số 3. Ảnh: Thu Lê.
Ông Lê Quang Thắng, doanh nhân từng được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cho biết: "Công ty mới đầu tư xây dựng 4 hệ thống nhà lưới để phục vụ sản xuất thì 3 nhà lưới đã hỏng hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại 630 triệu đồng. Hệ thống tưới tự động trong nhà lưới và hệ thống tưới ngoài đồng trị giá hơn 20 triệu đồng đều bị hư hỏng và không thể khắc phục".
Toàn bộ diện tích rau trồng gần 39ha của Công ty đã bị ngập úng, không thể thu hoạch. "Sẽ phải cần rất nhiều thời gian và công sức để tái sản xuất", ông Thắng thở dài và chỉ vào hệ thống nhà lưới đã bị gió bão thổi bay toàn hết lưới bạt.
Nhìn xung quanh, là một khung cảnh đổ nát. Gạch tường rào nằm chỏng chơ như có ai vừa cầm búa tạ đập vỡ vậy.
Toàn bộ nhà điều hành, nhà chuyên gia, kho chứa chế phẩm sinh học bị đánh bay mái, toàn bộ cửa sổ phải tháo dỡ xuống để mang đi sửa hoặc thay mới. Khu nhà khang trang ngày nào giờ trống huơ trống hoác. Nhà ướt từ tầng 2 xuống đến tầng 1.
Trung tâm sơ chế - sản xuất giống rau an toàn của Công ty Việt Long là công trình được gắn biển chào mừng 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thu Lê.
"Ngặt nỗi, chúng tôi đang trồng rau theo quy trình của Nhật Bản. Trong đó, ngoài giống, nước, và phân bón, thì khâu làm đất trước khi canh tác cực kỳ quan trọng. Hiện chúng tôi phải làm đất bằng phương pháp khò, để làm chết tất cả các mầm bệnh vi sinh vật có hại trong đất. Sau đó mới tiến hành dưỡng đất trước khi bắt đầu canh tác. Sau bão, thời tiết mưa gió nhiều nên chưa thể thực hiện được ngay", ông Thắng chia sẻ.
Khu nhà lưới trồng rau an toàn theo quy trình Nhật đã bị hư hỏng nặng. Ảnh: Thu Lê
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 Lê Quang Thắng trao quà hỗ trợ cho người lao đông của Công ty bị thiệt hại do bão số 3. Ảnh: Thu Lê.
Để khôi phục lại hoạt động nông nghiệp, nhanh chóng đảm bảo nguồn cung rau an toàn cho người dân trong tỉnh, Việt Long đang khẩn trương làm việc với hàng trăm hộ dân liên kết trồng rau để thống kê thiệt hại và hỗ trợ các hộ tái sản xuất ngay.
Bản thân công ty cũng đang huy động các nguồn vốn bên ngoài để nhanh chóng sửa chữa hạ tầng, phương tiện sản xuất, sớm bắt tay canh tác vụ rau mới.
Hàng ngày, Nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang của Việt Long tại thành phố Uông Bí tiếp nhận trung bình khoảng 200 tấn rác/ngày để xử lý.
Chỉ dịp Tết nguyên đán, khối lượng rác mới tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên trong mấy ngày sau bão, khối tượng rác tăng gần tiệm cận với dịp tết, chủ yếu là cây cối bị gãy, đồ nội thất bị hỏng, cùng rất nhiều rác thải xây dựng, và rác thải sinh hoạt.
Dạo một vòng quanh nhà máy, để quan sát các lò đốt thì gần như 7/7 lò đều có gặp sự cố. Trong đó, các lò đốt thì lò đốt số 2,3,4,6,7 đều bị hư hại thiết bị phục vụ, mái che lò số 6 và 7 bị bão cuốn bay. Riêng lò số 1 bị sập vòm lò không thể sản xuất.
Ngoài ra, cơn bão cũng gây thiệt hại cho các hạng mục: trạm cân, hệ thống cấp nước, hệ thống đường giao thông, hệ thống đường điện dùng chung, Camera giám sát.
Ông Lê Quang Thắng lo lắng khi nhà máy xử lý rác bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng đến việc xử lý rác sau bão. Ảnh: Thu Lê.
"Chưa kể, mấy ngày sau bão, bị mất điện, chúng tôi không thể đốt lò. Nhưng rác thì vẫn phải tiếp nhận để không ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục hậu quả bão số 3 của toàn tỉnh. Trong thời điểm chờ điện, anh em công nhân của nhà máy thành thợ xây dựng, thợ cơ khí hết để tự khắc phục những điểm hỏng hóc. Cùng với đó là ưu tiên công tác vệ sinh, khử trùng để đảm bảo an toàn khu vực xử lý rác của nhà máy", ông Thắng vừa đi vừa kể cho phóng viên những việc công ty đang thực hiện.
Đang có mặt tại cổng vào của nhà máy để kiểm đếm xe chở rác ra vào, anh Long - cán bộ thuộc Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP Uông Bí cho biết: "May là các địa phương vẫn vận chuyển được rác lên đây để xử lý. Sau bão, số lượng xe ra vào tăng lên nhiều lắm".
Các lò đốt rác đang phải cố gắng hoạt động trong tình trạng chưa thể sửa chữa các chỗ bị hư hại. Ảnh: Thu Lê.
Trước bão số 3, Nhà máy xử lý rác Khe Giang là nơi có cảnh quan sạch, đẹp. Ảnh: Thu Lê.
Trước khi bị bão số 3 ghé thăm, Nhà máy xử lý rác Khe Giang là nơi có cảnh quan sạch, đẹp. Cây xanh bao quanh khu nhà máy. Nơi đây còn có vườn trồng rau, ao nuôi cá và những cánh rừng bạch đàn. Các lò đốt hoạt động liên tục.
Dây chuyền đốt rác tại tại đây là do Công ty tự nghiên cứu và chế tạo trên cơ sở sử dụng công nghệ nhiệt phân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp QCVN 30:2012/BTNMT. Đây là niềm tự hào của Việt Long nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ đó, Công ty cũng đã được tỉnh Quảng Ninh giao mở rộng nhà máy xử lý rác thải Khe Giang thành Khu xử lý chất thải tổng hợp với nhiều công nghệ riêng biệt.
"Tuy giờ nhà máy bị thiệt hại hơn 28 tỷ đồng, nhưng khắc phục được. Chúng tôi không thể để nhà máy bị gián đoạn hoạt động lâu, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường chung của TP Hạ Long, TP Uông Bí, TX Quảng Yên,…", ông Thắng quả quyết, dù ánh mắt đã có sự mỏi mệt sau bao ngày chỉ đạo giải quyết sự cố.
Tiếp tục khởi nghiệp lần hai ở tuổi 73
Trong câu chuyện của doanh nhân - nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Quang Thắng chia sẻ với phóng viên Dân Việt, không chỉ có việc Công ty đang thiệt hại ra sao, khắc phục thế nào, mà còn là cả câu chuyện sau bão sẽ làm gì mới. Dù đã ở tuổi 73, nhưng sự đam mê công việc và tinh thần làm việc của ông vẫn rất nhiều năng lượng. "Sau bão, tôi mất nhiều. Nhưng mất thì lại làm lại, lại khởi nghiệp lần nữa", ông nói.
Nếu vậy thì đây là lần khởi nghiệp thứ 2 của ông ở tuổi 73. Lần thứ nhất là khi ông đã ngoài 50 tuổi, sau khi rời khỏi khối cơ quan hành chính, buông xuống trách nhiệm của một cán bộ công chức nhà nước.
Từ cuối năm 2018, Công ty Việt Long đã cùng đối tác Nhật Bản là Công ty Greentex và Công ty Chodai thực hiện Dự án nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học G-Tex trong bảo vệ cây trồng nông nghiệp.
Còn nói về làm lại, thì đây cũng không phải lần đầu. Lần đầu là sau đại dịch Covid-19, và lần thứ hai là sau cơn bão số 3 - bão Yagi này. "Tôi, Việt Long và cùng rất nhiều người nông dân, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tại Quảng Ninh dù có bị sốc, có bị thiệt hại. Có người còn mất trắng. Nhưng tôi tin, chúng tôi và Quảng Ninh mình sẽ đứng dậy, vươn mình mạnh mẽ thôi. Cơn bão như một phép thử mới để phát hiện ra điểm yếu mà khắc phục, thay đổi", ông Thắng trải lòng.
Hiện, Việt Long đang hợp tác với đối tác Nhật để thực hiện dự án Nhà máy đốt rác phát điện, nhưng tiến độ đang khá chậm.
"Sau bão, điện lưới mất, các nguồn phát điện khác thực sự rất cần thiết. Vậy nên, chúng tôi tính toán sẽ tự mình đẩy nhanh dự án, cùng mời các đối tác khác thực hiện cùng. Hiện đã có 3 đơn vị khác đang muốn hợp tác cùng chúng tôi rồi. Trong đó có PV Power", ông Thắng kể.
Tuy nhiên, theo tính toán của vị Nông dân xuất sắc Lê Quang Thắng thì dự án đốt rác phát điện của nhà máy cũng chỉ là 1 dự án nhỏ của công ty. Nhà máy mới đang xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường, sắp tới là rác thải y tế.
Nhưng còn rác thải của nhiều ngành công nghiệp lớn như ô tô, xây dựng thì chưa. Trong khi đó, các khu công nghiệp của Quảng Ninh đang liên tục được đầu tư mới, được mở rộng.
"Chiến lược của Việt Long về đường dài là phải xây dựng một khu xử lý chất thải tổng hợp cho tỉnh Quảng Ninh gồm có cả đốt chất thải y tế, đốt chất thải công nghiệp và công nghiệp thông thường, chất thải sinh hoạt", ông Thắng nói.
Việt Long sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, phát huy mối liên kết với các hộ dân để sản xuất rau an toàn tới các địa phương khác như xã Vũ Oai, xã Hòa Bình của TP Hạ Long. Ảnh: ĐVCC
Còn trong mảng nông nghiệp, bên cạnh cải tiến kỹ thuật canh tác, hệ thống nhà lưới, thì công ty tiếp tục mở rộng vùng trồng, vùng sản xuất.
Tới đây, Việt Long sẽ phát triển mảng nông nghiệp tương đối lớn 2 xã là Vũ Oai, Hòa Bình, cũng là những khó khăn nhất của thành phố Hạ Long về nông nghiệp. Hướng đi phát triển nông nghiệp phù hợp cho 2 địa phương này, theo ông Long đó là phải kết hợp cùng du lịch sinh thái, thì mới đảm bảo sinh kế cho người nông dân.
Việc nuôi con gì, trồng cây gì thì cần tính toán kỹ hơn, nhưng chắc chắn là phải xây dựng dựng được thành mô hình điểm, vùng canh tác tập trung, để làm mẫu cho bà con.
Sau đó thực hiện liên kết, với sự tham gia hỗ trợ về vốn của ngân hàng cho bà con. Việt Long sẽ đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn về kỹ thuật và quy trình, đảm bảo đầu ra cho nông sản của người dân.
"Có như vậy, làm nông nghiệp mới bền vững được, mới đi được đường dài cùng nhau". Bằng kinh nghiệm gần 20 năm làm nông nghiệp của mình, ông Thắng quả quyết vậy.
Còn hiện tại, song song với sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh, Việt Long cũng đang tự cân đối các nguồn tài chính để khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, và thực hiện các dự án mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.