Chúng tôi đến thăm gia đình chị HNghẹt (41 tuổi, dân tộc Mạ) cùng chồng - anh KKhải (43 tuổi, dân tộc Mạ) là thành viên nhóm nông dân “Quyết tâm vượt khó” tại bon Păng So, xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông đúng lúc chị đang chăm sóc con heo nái của mình. Chị lấy bàn chải chà chà chải lông cho con heo và chia sẻ: “Con heo này thích được làm như thế này lắm. Mới đầu khi đưa nó về nó được 4 gang tay, giờ thì được 5,5 gang rồi”.
Vợ chồng chị HNghẹt chăm sóc con heo của mình.
Cử đại diện nuôi heo náiAnh KKhải kể thêm: “Mới đợt đầu chuyển về nó bị ho. Vợ chồng tôi lo lắm, gọi điện cho thú y xã không liên lạc được, mưa gió tôi cũng chạy xe lên nhà anh thú y để đón anh ấy xuống. Mấy hôm nó ho, vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt được, thương nó lắm”.
Đây là lần đầu tiên anh chị nuôi heo lai, mà heo nái hẳn hoi nên tình cảm anh chị dành cho nó rất nhiều. “Trách nhiệm lớn lắm, vì con heo này không chỉ là con heo của nhà mình, mà còn là con heo của cả nhóm” - chị HNghẹt chia sẻ.
Khi được hỏi sao lại là con heo của cả nhóm, anh chị chia sẻ: Nhóm của anh chị có 4 hộ được lựa chọn để nuôi 4 con heo nái. Sau khi con heo nái đẻ, sẽ chuyển lại cho các thành viên trong nhóm với giá bằng 50% giá thị trường; những người nghèo ngoài nhóm sẽ được giảm 20% so với giá thị trường. Hộ nào nghèo quá không có tiền mua giống mà làm được chuồng, thực sự muốn nuôi heo con thì sẽ được mua chịu không lấy lãi đến khi bán heo thịt rồi mới hoàn lại tiền heo giống. Trước khi nhận heo, các anh chị được tập huấn về thuật chăn nuôi heo. Sau này, khi bán heo con, anh chị sẽ tập huấn, hướng dẫn lại cho các hộ mua heo về nuôi.
Anh KBôn (27 tuổi, dân tộc Mạ) - Trưởng nhóm “Quyết tâm vượt khó” chia sẻ thêm: Sở dĩ có hoạt động này vì người dân ở đây muốn phát triển chăn nuôi nhưng không biết mua giống ở đâu. Lâu nay, mọi người thường mua của người bán rong trên đường nên con giống không đảm bảo. Mua xong thì không biết cách chăm sóc nên nuôi mãi không thấy lớn. Giờ có con giống tại chỗ, có người hướng dẫn kỹ thuật chắc chắn bà con sẽ phát triển chăn nuôi hơn trước.
Giúp người dân tự chọn “cần câu”Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Công Văn - phụ trách Trạm Thú y huyện Đăk Glong cho biết: Huyện Đăk Glong là huyện nghèo nhất tỉnh Đăk Nông. Chăn nuôi ở đây rất manh mún, kém phát triển do nuôi theo tập quán cũ, nguồn giống không rõ ràng, người dân chưa tiếp cận được với các biện pháp cần thiết để chăm sóc tốt cho gia súc, gia cầm; nhất là khâu vệ sinh chăn nuôi, và phòng chống dịch bệnh… Do đó, để phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện cần có nguồn giống tại chỗ; hỗ trợ người dân tiếp cận với kiến thức kỹ thuật mới.
Vật nuôi phù hợp, được người dân trong huyện lựa chọn nhiều nhất là chăn nuôi heo vì cần ít vốn, ít phụ thuộc không gian (đất đai) và quay vòng vốn nhanh hơn chăn nuôi trâu bò, ít rủi ro hơn chăn nuôi gia cầm. Một lý do khác là chăn nuôi heo không đòi hỏi quá cao về kỹ năng và không cần nhiều lao động.
Để phát triển chăn nuôi heo, Trạm Thú y huyện Đăk Glong cùng với Dự án Oxfam đã hỗ trợ 12 con heo nái hậu bị cho 3 nhóm nông dân tại 2 xã Đăk Rmăng, Đăk Som. Các nhóm chọn ra 12 người cử đi học kỹ thuật chăn nuôi heo, cách làm chuồng trại... Các thành viên được tham gia lớp đào tạo “giảng viên nguồn” do Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) đào tạo. Với mục tiêu, mỗi nông dân nòng cốt là mỗi “tập huấn viên địa phương” hướng dẫn lại cho người dân muốn phát triển chăn nuôi tại địa phương bằng ngôn ngữ của mình. Các nông dân nòng cốt được trang bị đầy đủ kiến thức từ kỹ năng truyền đạt đến kỹ thuật chăn nuôi.
"Từ ngày nhận heo đến giờ, được hơn 2 tháng, heo phát triển rất tốt, tăng từ 30 - 40kg so với ngày bắt về. Chúng tôi chăm sóc rất kỹ lưỡng, ngày nào cũng tắm, cũng ngắm nghía heo”.
Anh Lang Mạnh Hùng - Trưởng nhóm ND Bình Phú, thôn 4, xã Đăk Rmăng
|
Một điểm khác biệt trong hoạt động này là mọi việc do người dân tự quyết, từ việc tổ chức tập huấn như thế nào (ở đâu, thời gian, nội dung, phương pháp tập huấn), đến việc mua heo nái hậu bị, khi nào cần hỗ trợ... Chẳng hạn, để mua con giống, Trạm Thú y huyện tổ chức một chuyến tham quan đến các trang trại giống lớn ở Lâm Đồng và Đăk Nông. Sau đó, các nông dân nòng cốt họp bàn lại lựa chọn đơn vị cung cấp con giống và phản hồi lại cho Trạm Thú y. Vì vậy, người dân được chủ động và tham gia tích cực.
Đánh giá cách tạo giống chăn nuôi tại chỗ này, anh Nguyễn Hiền - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Glong cho biết: Hoạt động hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo bằng việc “phát triển dịch vụ cung cấp con giống tại chỗ” là một hoạt động của Hợp phần “Tạo quyền năng cho nhóm nông dân và phụ nữ” trong khuôn khổ Dự án “Phát triển sinh kế và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đăk Nông” do Tổ chức Oxfam tài trợ. Hoạt động này vừa phát triển chăn nuôi bền vững; giúp người dân đa dạng hóa nguồn thu; vừa củng cố năng lực, sự tự tin cho các thành viên trong nhóm nông dân (dân tộc Mạ, HMông; Thái) và nâng cao tinh thần đoàn kết, tương hỗ giữa họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.