Hôm nay (31.10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015 – 2016 đều hụt thu
Phát biểu góp ý về tăng trưởng GDP trong những năm qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ, cho biết tăng trưởng GDP trong những năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng các quý tăng giảm đột ngột không theo quy luật thông thường. Thường thì quý 4 năm trước tăng rất cao nhưng đến quý I năm tới lại giảm đột ngột.
“Nếu lý giải do quý I là tết nên sản xuất giảm làm giảm GDP là không thuyết phục bởi nó được bù đắp bởi tiêu dùng, du lịch nên nếu có cũng không thể giảm quá sâu”, đại biểu Hàm phân tích.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ (Ảnh: Quốc hội)
Theo đại biểu Hàm, thường có quy trình ngân sách các năm nên không thể để đầu năm giảm quá nhanh. “Quý 1 có thể giảm chi đầu tư và các khoản chi khác trong chi tiêu ngân sách, đồng thời sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột để GPD quý 1 rơi tự do như những năm gần đây”.
Cụ thể, quý IV.2015 tăng trưởng đạt 7,1% nhưng quý I.2016 rơi thẳng xuống 5,48%, giảm hơn 22%. “Đến quý II và quý III, GDP nhích lên một chút và đạt 6,8% trong quý IV.2016 nhưng lại đột ngột giảm xuống 5.1% trong quý I.2017 và lại tăng trưởng thần kỳ trong quý III.2017 là 7,46%. Dự báo, quý IV.2017 GDP tăng trưởng 7,31% còn quý I.2018 có giảm đột ngột hay không chưa rõ”, đại biểu Hàm dẫn chứng.
“Với số liệu trên, cử tri cho rằng tăng trưởng có những điểm nghẽn rất bất hợp lý trái với quy luật thông thường nên đề nghị với Chính phủ làm rõ và khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục diễn ra trong năm 2018”, đại biểu Hàm cho biết.
Góp ý về dự toán ngân sách, đại biểu Hàm cho rằng trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, đặc biệt là tiền vay và phân bổ đầu tư dàn trải, ưu tiên cho mục tiêu phát triển cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí vốn chậm 85 nghìn tỷ dành cho các công trình quan trọng quốc gia đã 3 năm, đến 2018 chưa bố trí đủ nguồn vốn.
“Kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua tính khả thi của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc Nam nhưng không bố trí vốn trong kế hoạch năm 2018 cũng không để dành nguồn vốn trong năm 2018 chờ quyết định của Quốc hội rồi phân bổ sau nên không có nguồn tiền để triển khai những dự án này trong năm 2018”, đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích. |
Hai chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau 3 năm bố trí 37.650 tỷ đồng, đạt 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt mục tiêu. Vốn đầu tư của 21 chương trình mục tiêu gắn với tất cả các lĩnh vực trung hạn hiện chỉ đạt 53% như Thủ tướng phê duyệt.
“Với tốc độ bố trí vốn như hiện nay, việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo. Nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí vốn. Ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015 – 2016 đều hụt thu, khó khăn cho bố trí các công trình, dự án quan trọng nhưng hỗ trợ chi đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của luật NSNN (quy định không quá 30% nhưng dự toán 2018 bố trí 46,29%). Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc có giải pháp khắc phục”, đại biểu Hàm đề nghị.
Trả lãi mỗi năm bằng nửa số tiền bán vốn trong 5 năm
Theo đại biểu Hàm, hiện bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo khó đạt mục tiêu trung hạn, kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Nợ công năm 2020 dự báo lên 4,2 triệu tỷ đồng, trả nợ vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước.
“Bình quân mỗi năm trả lãi hơn 100 nghìn tỷ, sấp xỉ ½ số tiền bán vốn trong 5 năm”, đại biểu Hàm tính toán.
Theo đại biểu Hàm, hiện khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách nhiều năm không có nguồn trả nợ, vay đảo nợ, quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được, nguồn trả nợ cũng từ nguồn vay mới lên đến 232.000 tỷ đồng. Nhiều năm nay tăng thu, tiết kiệm chưa ưu tiên cho tích luỹ trả nợ.
“Tinh giản biên chế không đạt mục tiêu nên giảm chi bộ máy không hiệu quả. Năm 2015 – 2016, khối hành chính giảm được 0,83%, quá xa so với mục tiêu 10% đến 2021. Giao biên chế chậm, năm 2018 vẫn lập và phân bổ dự toán chi theo biên chế 2017. Thực hiện tự chủ các đơn vị sự ghiệp triển khai chậm, hiệu quả thấp”, đại biểu Hàm phân tích
Đại biểu Hàm cho biết thêm, hiện thanh tra, kiểm toán vẫn còn phát hiện nhiều khoản chi sai, phải xuất toán, thu hồi. ODA đi vay nhưng chưa bố trí đủ dự toán, chưa sử dụng đầu tư nhưng vẫn phải trả lãi. Công trình kéo dài, chậm đưa vào sử dụng.
Kế hoạch trung hạn bố trí 300.000 tỷ đồng ODA mới đáp ứng 70 -80% cam kết đã ký. Nếu tính cả các hợp đồng mới ký thêm thì mới đáp ứng được 63-65%. Việc ký thêm hợp đồng vay mới vẫn đang diễn ra và chưa đánh giá tác động lên nợ công một cách thỏa đáng.
Năm 2015 – 2016 Chính phủ đã xin bổ sung quyết toán ODA, kỳ này xin bổ sung quyết toán ODA hơn 14.000 tỷ đồng. Tình trạng này kéo dài nhiều năm và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện chưa minh bạch và báo cáo rõ với Quốc hội số tiền tích lũy tạm ứng trả nợ thay cho các dự án cho vay lại, các dự án Chính phủ bảo lãnh chậm trả và không trả được nợ. Các dự án BT chậm trả vào ngân sách.
“Đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, giảm biên chế, đẩy nhanh cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp, cân nhắc khoán chi ko thường xuyên cho các đơn vị đã tự chủ được, ưu tiên tích lũy trả nợ, kiểm soát chặt chẽ ODA”, đại biểu Hàm đề nghị.
Đại biểu Hàm cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc cắt giảm 13 nghìn tỷ trái phiếu chưa phân bổ. “Với dự toán vay ODA và phát hành trái phiếu 2018 cộng số dư năm 2017 không giải ngân hết chuyển sang năm sau, nếu không sẽ khó giữ được bội chi ngân sách năm 2018”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.