Phương Linh- Nguyễn Tùng
Chủ nhật, ngày 04/09/2022 07:34 AM (GMT+7)
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Đông Nam, làng Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) được biết đến là điểm cung cấp gốm sứ chất lượng, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời.
Clip làng gốm cổ bên bờ sông Hồng. Thực hiện: Phương Linh- Nguyễn Tùng.
Làng cổ bên bờ tả ngạn sông Hồng
Làng Bát Tràng là một ngôi làng cổ nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Đông Nam. Nổi tiếng với nghề truyền thống làm gốm là vậy nhưng đến nay, chưa có ghi chép nào ghi rõ cụ thể thời điểm làng Bát Tràng xuất hiện.
Theo người dân truyền miệng, làng Bát Tràng xuất hiện khoảng thế kỷ 14 - 15.
Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát trong Bát Tràng có nghĩa là "bát ăn", chữ Tràng là "cái sân lớn". Vì vậy, tên gọi của làng có thể hiểu là mảnh đất chuyên sản xuất bát, chén. Từ khi làng được khai sinh, người dân nơi đây đã nổi tiếng với đôi bàn tay tài hoa cùng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gốm sứ.
Làng nghề làm gốm Bát Tràng được hình thành từ nhiều thế kỷ trước và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh. Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Là một ngôi làng có bề dày lịch sử sâu rộng, sản phẩm gốm sứ thủ công Bát Tràng cũng nhiều lần được nhắc đến trong những cuốn thư tịch cổ.
Như trong "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi có viết, các sản phẩm của làng Bát Tràng từng được lựa chọn làm đồ cống nạp cho Trung Hoa suốt một thời gian dài. Không những vậy, những con đường, sân điện, sân lăng ở cố đô Huế cũng là do lát gạch vuông Bát Tràng mà thành.
Ngày nay, khi những cung đường, ngõ xóm trước kia đã dần đổi thay theo năm tháng, làng cổ Bát Tràng vẫn giữ trong mình những nét mộc mạc, giản dị đặc biệt.
Đó là những giàn phơi gốm được bày trước cửa nhà, đôi bức tường phủ đầy rêu phong hay hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đầy hoài niệm.
Bỏ lại những xô bồ nơi phố phường vội vã, vẻ yên bình, an yên của làng cổ Bát Tràng khiến khoảng không gian nơi đây như thoáng chậm lại, lắng đọng cùng thời gian.
Dạo bước trên con đường làng quanh co, điều khiến du khách không khỏi bất ngờ là hình ảnh của những ngôi nhà cổ kính, đơn sơ vương đầy bụi trắng men sứ.
Bà Chức Dung (68 tuổi), người dân làng Bát Tràng chia sẻ: "Người dân làng xem trọng văn hoá cội nguồn nên dù việc buôn bán gốm sứ thu lại rất nhiều lộc lãi nhưng cũng chẳng mấy nhà bỏ tiền ra xây nhà lầu sang trọng".
Nhiều người cho rằng, chính sự thanh cao, khiêm nhường của những nghệ nhân Bát Tràng đã khiến sản phẩm gốm sứ họ làm ra càng trở nên tinh tế và độc đáo hơn.
Những địa điểm du lịch như Lò Bầu cổ, Bảo tàng gốm Bát Tràng hay nhà cổ Vạn Vân đều mang những bản sắc riêng, làm siêu lòng bất cứ ai từng một lần ghé qua. Ảnh. Phương Linh - Nguyễn Tùng
Đặc biệt, làng Bát Tràng còn có một khu chợ vô cùng nổi tiếng, không bán thịt cá thông thường, chỉ bán những sản phẩm liên quan tới gốm. Những món đồ gốm từ nhỏ xinh cho đến tinh xảo được trưng bày trên các gian hàng nằm san sát nhau.
Hàng chục cửa hiệu lớn nhỏ trong khuôn viên khu chợ đã biến nơi đây trở thành khu triển lãm nghệ thuật rực rỡ, một điểm nhấn thơ mộng nơi làng cổ trăm tuổi.
Có lẽ, chút nắng mơ màng, dịu nhẹ, thiếu đi khói bụi thành phố nơi làng cổ Bắc bộ mới thật sự là điều khiến người ta nhớ mãi không quên.
Gốm sứ Bát Tràng - Tinh túy đất Kinh kỳ
Nhắc đến Bát Tràng, người ta thường nghĩ ngay đến thương hiệu gốm sứ chất lượng nhất nhì đất Kinh kỳ. Các sản phẩm thủ công nơi đây là sự giao thoa giữa thủ pháp kỹ nghệ tinh xảo cùng sự sáng tạo của nghệ nhân, tạo ra nét đặc trưng rất riêng, phản ánh bản sắc, văn hoá tinh thần của người dân nơi đây.
Làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng. Từ những món đồ trang trí như bình hoa, tranh gốm, tượng gốm tới những vật dụng thờ cúng như bát hương, lọ lộc bình đều được các nghệ nhân chế tác tinh xảo, tỉ mỉ.
Những sản phẩm gốm do những người thợ lành nghề tại Bát Tràng tạo ra. Ảnh. Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Không như những loại men thông thường khác, loại men các nghệ nhân Bát Tràng sử dụng sẽ được chế từ vỏ trấu. Bà Nguyễn Thị Lan (48 tuổi), nghệ nhân làm gốm sứ hơn 30 năm cho biết, cách điều chế loại men này là công thức gia truyền của nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.
Cơ bản sẽ là lấy vỏ trấu đã đốt trộn cùng vôi bột, bùn đất với một tỷ lệ nhất định rồi đem đi nghiền mịn. Với cốt đất đặc trưng lấy từ cát, phù sa của dòng sông Hồng, kết hợp cùng quá trình nung trong nhiệt độ cao từ 1250 - 1300 độ C đã tạo nên màu men sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ.
Có thể nói, những kinh nghiệm "cha truyền con nối" qua nhiều thế hệ đã tạo nên sự tinh xảo đến từng đường nét của sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Chính vì vậy, bên cạnh việc phân bố khắp các tỉnh thành trên cả nước, gốm sứ Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu, cung cấp ra khắp thế giới. Ảnh. Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Theo chủ tiệm gốm sứ Điển Huyền, hầu như những sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được làm thủ công chứ không phải kiểu sản xuất theo dây chuyền máy móc như hàng Trung Quốc.
"Độ bền của gốm sứ Bát Tràng cũng vượt trội hơn hàng Trung Quốc nên được xuất khẩu đi nhiều nước như Đài Loan, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đan Mạch", bà chia sẻ.
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.