Ghép tạng xuyên Việt và nỗi ám ảnh... tắc đường

Chủ nhật, ngày 08/05/2016 07:31 AM (GMT+7)
Dự kiến tạng của người chết não từ BV Chợ Rẫy (TP.HCM) phải ra sân bay lúc 4h nhưng tắc đường nên 5h mới đến nơi, trong khi ở ngoài Hà Nội các bác sĩ đã bắt đầu phóng thích gan của người nhận gan.
Bình luận 0

img

Phút mặc niệm người hiến tạng của các bác sĩ

Nỗi sợ mang tên tắc đường

PGS Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, người hiến tạng là một thanh niên 20 tuổi chết não do tai nạn giao thông. Thời gian chết não là 2 ngày, thời gian lấy và vận chuyển tạng từ TP.HCM ra HN bị chậm thêm 1 tiếng, nên chất lượng tạng không được tốt lắm.

Nhớ lại hành trình chuyến ghép tạng xuyên Việt lần này, PGS Quyết cho biết, dù đã có kinh nghiệm hơn lần đầu, tháng 9 năm ngoái, nhưng chuyến đi gặp khá nhiều trục trặc, đặc biệt là nỗi ám ảnh tắc đường.

Bắt đầu từ 14h21 phút ngày 25.4.2016, bác sĩ Dư Ngọc Thu, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông báo có bệnh nhân chết não, hiến tạng, là nam, 20 tuổi và nhóm máu O. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ nhận 2 thận và 2 giác mạc, điều phối gan và tim. 

img

Chuyển tạng ra sân bay về Hà Nội

Ngay sau đó, Trung tâm điều phối tạng Quốc gia đã báo cáo với Giáo sư Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm. 15h xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực điều phối tạng Quốc gia. 

Từ 15h 27 phút đến 23h ngày 25.4 các bác sĩ tìm những người phù hợp để nhận tạng tim và gan trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia và đặt vé máy bay chuyến sớm nhất ngày hôm sau. Đồng thời cũng phải chuẩn bị văn bản hoả tốc gửi Cảng vụ hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng vụ hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an Hà Nội và Công An TP.HCM để hỗ trợ việc vận chuyển tạng đúng quy định của pháp luật.

Đến 23h ngày 25.4 đã sẵn sàng có hai bệnh nhân nhận tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Đoàn của trung tâm điều phối và các bác sĩ BV Việt Đức vào đến TP.HCM là 14h chiều ngày 26/4, bắt đầu lấy tạng của người chết não để mang về Hà Nội. Dự kiến ra lúc 4h nhưng không ra nổi vì đường từ BV Chợ Rẫy ra sân bay tắc, 5h mới ra đến sân bay và ra đến Hà Nội là 20h tối. Trong khi lên máy bay thì ở ngoài Hà Nội các bác sĩ đã bắt đầu phóng thích gan của người nhận gan.

PGS Quyết cho biết bác sĩ chỉ phóng thích gan đề phòng khi gan được hiến còn không ghép được, sẽ đóng lại. Rất may gan được hiến dù bị hoại tử rất nhiều nhưng vẫn trong cho phép của thế giới, có thể sử dụng được nên ca ghép gan thành công ngoài mong đợi.

Trục trặc từ ngày thứ 2 sau ghép gan

Sau khi ghép xong, gan hoạt động ngày đầu có dịch mật nhưng ngày thứ 2 thì bệnh nhân bị các phản ứng men gan cao, rối loạn đông máu, gan ghép không hoạt động, không tiết mật. 

Lúc đó, GS Nguyễn Quốc Kính - Trưởng Đơn vị gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức đã phải triệu tập các kíp gây mê hồi sức lại, bàn phương án điều trị, quyết tâm đưa gan ghép hoạt động trở lại bình thường.

Bệnh nhân nhận gan 64 tuổi, bị ung thư gan, từng là cán bộ của ngành công an. Bệnh nhân bị ung thư gan đã nút mạch, có hai khối ung thư rất lớn, xơ hoàn toàn. 

Còn bệnh nhân ghép tim cũng là một cán bộ về hưu từng công tác trong ngành công an ở Thái Nguyên. PGS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh nhân nhận tim bị suy tim nặng, đã bị nhồi máu cơ tim đặt sten nhưng sten vẫn bục. Bệnh viện Bạch Mai chuyển lên Bệnh viện Việt Đức với tình trạng chờ tử vong, sự sống tính từng ngày.

PGS Ước cho biết trước khi ghép, bệnh nhân còn có phù phổi, suy thận. 

Dù phù hợp thông số với người cho nhưng bệnh nhân bị suy thận nên các bác sĩ đã phải hội chẩn rất nhiều. Ca mổ theo như thường quy nhưng cuối ca mổ do bệnh nhân nhận yếu, tim đập lại không tốt, kết thúc ca mổ khó khăn như để hở xương ức không khoá được. Diễn biến hậu phẫu khó khăn, cực kỳ nặng nề trong 24h đầu. Các bác sĩ phải dùng các phương tiện hiện đại, nhất là bóng đối xung, đặt xơ lọc máu thay thận.

img

Bệnh nhân ghép tạng đã khoẻ mạnh hơn.

Sau 24h mọi thứ ổn định trở lại, tốt dần lên. Đến ngày thứ 6 ngừng máy siêu lọc máu và bóng đối xung. Đến nay bệnh nhân tỉnh táo. Trước khi ghép hai phổi mờ do phù phổi nhưng sau ghép 4 – 5 ngày phim chụp Xquang phổi đã đỡ hơn tình trạng phù.

Hiện nay bệnh nhân đã có thể ăn uống, nói chuyện được. Đây là điều mà các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức mong đợi. Và đến nay họ đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Đây là ca ghép thực sự mang ý nghĩa với các bác sĩ bởi vì bệnh nhân bị chết não quá lâu và sử dụng các biện pháp hồi sức cấp cứu. Có lúc bệnh nhân bị tụt huyết áp sâu nên dẫn đến suy chức năng thận, gan và tim cũng không còn được tốt

Phương Thuý (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem