Tuy nhiên, khó khăn trong việc tìm tế bào gốc phù hợp cộng với chi phí khá cao khiến cho phương pháp điều trị này vẫn không thể nhân rộng.
Đưa sự sống trở lại
Ngày 18.7, BV Nhi T.Ư đã tiến hành ghép tuỷ xương bằng tế bào gốc cho bệnh nhân Phạm Ngọc Hùng, 14 tuổi, ở xã Phương Liên (Bảo Thắng, Lào Cai). Sau 3 tuần tiến hành điều trị, bệnh nhi Phạm Ngọc Hùng đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhi có thể đi lại, ăn uống, nói chuyện bình thường. Dự kiến, sau khoảng một tuần nữa cháu, Hùng sẽ được xuất viện.
|
Bệnh nhân Phạm Ngọc Hùng sau ca phẫu thuật ghép tủy xương. |
BS Dương Bá Trực - Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sau 6 năm kể từ ca phẫu thuật đầu tiên, đến nay, BV Nhi T.Ư đã tiến hành ghép tuỷ cho 6 bệnh nhi và mang lại “nguồn sáng” hy vọng cho hàng triệu bệnh nhi mắc bệnh ung thư khác. Tuy nhiên, vì còn nhiều khó khăn mà số ca phẫu thuật vẫn còn rất hạn chế.
Ông Trực cho biết thêm, kỹ thuật ghép tủy xương bằng tế bào gốc là một kỹ thuật phẫu thuật hiện đại, phức tạp, tuy nhiên hiệu quả thành công tới 85%. Phương pháp này có thể điều trị các bệnh: Máu trắng, bệnh nhi bị rối loạn huyết sắc tố, suy tủy, ung thư bạch cầu, ung thư dạng u, ung thư nguyên bào thần kinh...
PGS-TS Nguyễn Văn Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Khác với kỹ thuật ghép tạng, sau ghép bệnh nhân phải dùng thuốc chống thải ghép suốt đời, ghép tủy xương và tế bào gốc, gia đình chỉ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 18 tháng. Sau thời gian đó, bệnh nhân được theo dõi trong vòng 2 năm và có thể sinh hoạt, phát triển bình thường”.
Đợi chết vì thiếu tiền
Theo ông Trực, hiệu quả mà phương pháp này mang lại thì đã rõ, tuy nhiên để nhân rộng thì vẫn là một vấn đề rất nan giải. Hiện nay với mỗi ca ghép tuỷ xương bằng tế bào gốc, các gia đình có thể phải chi trả từ 500-700 triệu đồng. Trong khi đó, hầu hết các bệnh nhi mắc các căn bệnh này lại đều rơi vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, chưa cần nói đến việc tìm kiếm nguồn tế bào gốc phù hợp thì khoản kinh phí trên cũng khiến cho nhiều gia đình phải bó tay, nhìn con chết dần chết mòn.
Thay vì để mắc bệnh rồi mới điều trị thì chúng ta nên có một chính sách dự phòng bệnh. Nếu thành công, chi phí cho hoạt động dự phòng chỉ bằng 1/10 so với chi phí điều trị khỏi bệnh hoàn toàn cho một bệnh nhân mắc bệnh cần ghép tế bào gốc.
Ông Dương Bá Trực
Hiện nay, việc chọn tế bào gốc phù hợp để tiến hành ghép tuỷ cũng rất khó khăn. Tỷ lệ tế bào gốc phù hợp được xác định giữa anh em ruột với nhau là 25%, trong khi đó, họ hàng xa tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần (cứ 2.000 người may ra mới có 1 người có tế bào gốc phù hợp).
Theo một nghiên cứu mới đây của BV Nhi T.Ư tại Kim Bôi, Hoà Bình, chỉ tính tại huyện Lương Sơn đã có hơn 500 trẻ mắc bệnh suy tuỷ, tan máu bẩm sinh chưa được can thiệp bởi bất cứ một liệu pháp y khoa nào. Một số cháu vì không có điều kiện điều trị bệnh nên đã chết khi còn ở độ tuổi rất trẻ, mới 18-20 tuổi.
Bằng một ước tính khoa học, ông Trực đã chỉ ra, hiện nay ở Việt Nam đang có khoảng 15-20 nghìn người mắc các bệnh tan máu bẩm sinh và chỉ khoảng 1/10 trong số đó được tiếp cận với các phương pháp điều trị. Số còn lại chậm phát hiện, hoặc phát hiện mà thiếu tiền nên chỉ chờ chết.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.