Ghi chép: Ốc đảo Thiềng Liềng “thay da, đổi thịt”

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 27/07/2019 06:00 AM (GMT+7)
Từ một “vùng đất chết” bởi bom đạn, chất hóa học, mất 40 năm sau Rừng Sác/Cần Giờ (TP.HCM) mới “đổi đời”- một cái giá xứng đáng với mồ hôi, nước mắt của những con người như cây bần, cây đước.
Bình luận 0

Từ trung tâm Sài thành, chúng tôi cứ hướng về mặt biển của Cần Giờ mà đi. Nơi ấy, tôi có một ông bạn già làm nông - người được dân địa phương xem như đầu tiên khai phá ốc đảo hoang sơ Thiềng Liềng để giờ đang thành nơi đáng sống.

Như cây bần, cây đước…

Từ thị trấn Cần Thạnh, mất hơn 1 giờ với 2 chuyến đò, chúng tôi mới tới được ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An). Hòn đảo nhỏ này với khoảng 200 hộ dân bị cô lập, 4 mặt là Biển Đông. Trước đây, người dân từng chỉ biết bám vào ruộng muối để sống thì giờ trên ấp đảo đã thấy xuất hiện những ao cua, ao tôm “da beo”...

Ông bạn già Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi) kể, năm 1973, trong một lần đi cào lưới trên sông Lòng Tàu, cha con ông Năm Đổi phát hiện ốc đảo này. Năm 1974, với đôi tay cùng cuốc, rựa cha con ông Năm Đổi bắt đầu thực hiện khát vọng khai phá đảo hoang với 50ha.

“Lúc bấy giờ trên ốc đảo này ngoài gia đình tui không có một ai. Đi đâu cũng thấy dấu chân thú hoang” - ông Năm Đổi nói. Dần dà, dân miền Tây kéo tới “định cư” trên ốc đảo rồi làm nghề đánh bắt cá, làm muối như cha, con ông Năm.

img

 Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp đảo Thiềng Liềng, ông Năm Đổi (ngoài cùng bên phải) đã trở thành đầu tầu phát động nông dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi nhằm tăng thu nhập. (ảnh: Trần Đáng)

Cùng với việc thành phố triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, kéo điện vượt biển về thắp sáng ấp đảo Thiềng Liềng, ông Năm Đổi chuyển sang nuôi cua, nuôi tôm để thu lợi nhiều hơn. Hiện, ông đang nuôi khoảng 2ha tôm thẻ bán công nghiệp, hàng năm thu lợi tiền tỷ. Theo ông Năm, nhiều hộ làm muối trên ốc đảo cũng đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Con tôm, cua biển đang thay thế dần hạt muối với giá trị cao hơn gấp nhiều lần.

"Trước đây, cuộc sống của người dân rất cơ cực vì không điện, không nước sạch, việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng dường như là một điều xa xỉ. Do địa hình cách trở, đường sá bị chia cắt nên việc đến trường của con em càng khó khăn hơn. Phần lớn học sinh ở đây bỏ học từ rất sớm…” - ông Năm kể.

Vậy mà bây giờ, ốc đảo đã thay đổi quá lớn. Con đường đất vừa là đê bao sản xuất đã được lót bêtông, thông thoáng, ban đêm ốc đảo bừng sáng dưới ánh điện. Cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt với những vật nuôi, cây trồng hiệu quả…

Rời ấp đảo Thiềng Liềng, chúng tôi quay vào đất liền. Cạnh Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, dưới tán rừng đước, ông Ba Mãnh (Huỳnh Văn Mãnh) đang nuôi 13 ao ốc hương -một vật nuôi đang cho giá trị kinh tế rất cao.

6 năm trước, sau khi Nhà máy bột cá phá sản trên đất Cần Giờ, anh công nhân cơ khí Ba Mãnh đã nhảy sang... nuôi ốc hương. Dọn sạch cây đước trên mảnh đất 120m2, ông cho đào ao, rồi lót đáy bằng cát, trang bị thêm hệ thống sục ôxy cho ao, quyết tâm khởi nghiệp với con ốc hương. Lúc bấy giờ ở huyện Cần Giờ, ông là một trong những người đầu tiên tập tành nuôi ốc hương. Những thất bại ban đầu không làm mất đi sự kiên nhẫn của ông Ba Mãnh. Vụ ốc hương thành công đầu tiên đem về cho ông lợi nhuận 100 triệu đồng.

“Càng làm càng mê. Ốc hương khá khó nuôi, đầu tư tốn kém nhưng cũng cho lợi nhuận rất lớn. Tôi không phải cố cựu, nhưng những năm tháng sống ở Rừng Sác nhiều thử thách khắc nghiệt này, tôi thấy con người Cần Giờ rất bền bỉ. Họ như cây đước, cây bần cắm sâu bộ rễ chắc khỏe vào lòng đất mặn để chắt chiu từng giọt khoáng chất nuôi sống bản thân và tìm kiếm hy vọng đổi đời” - ông nói.

img

Ông Ba Mãnh kiểm tra sự tăng trưởng của ốc hương. Ảnh: Trần Đáng

Một cán bộ UBND huyện Cần Giờ cho tôi biết, từ tháng 4/2017 tới nay, huyện đảo "dậy sóng" bởi cơn sốt đất nền do thông tin thành phố xây dựng cầu Bình Khánh nối trung tâm Sài thành với huyện đảo. Tại nhiều khu vực, mặt tiền đường Rừng Sác, giá đất từ 3,2 triệu đồng/m2, nhảy vọt lên 17 triệu đồng/m2 hay 25,4 triệu đồng/m2.

Tuyến đường Duyên Hải (xã Cần Thạnh), trước đây hai bên đường là cánh đồng muối, với hàng phi lao xanh mát, giờ đây những cánh đồng muối đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, những cây phi lao bên đường được treo đầy tờ rơi rao bán đất nền.

Chưa thể hài lòng

Tôi còn nhớ, vừa qua, tại hội nghị đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội huyện Duyên Hải/Cần Giờ 40 năm sáp nhập TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xúc động chia sẻ, sự phát triển của Cần Giờ chính là “sự đổi đời”. Điều này, thể hiện qua việc chấm dứt đói nghèo, có đường, điện, nước sạch, trường học, y tế, du lịch. “Sự đổi đời đó chính là thành tựu của 40 năm qua” - ông Nhân nhấn mạnh. 

Ông Dũng cũng cho rằng, nếu Cần Giờ được đầu tư, phát triển thành khu đô thị du lịch biển, điều này sẽ kéo theo sự phát triển Cần Giờ mạnh mẽ hơn, người dân Cần Giờ sẽ có nhiều cơ hội hơn để đổi đời.

Từ vùng đất hoang hóa, đầy chất độc, giờ Rừng Sác trở thành khu bảo tồn cấp quốc gia, được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Từ một huyện với dân số 30.000 dân trong tình trạng thiếu đói triền miên, học vấn thấp trở thành huyện có dân số 70.000 người, không còn đói nghèo, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản xuất tăng trung bình 10%, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, du lịch có khởi sắc rõ nét…

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng thổ lộ, để có thành quả này, hàng chục năm qua chính quyền và người dân Rừng Sác đổ biết bao mồ hôi, công sức. Ông Dũng khái quát, năm 2010 Cần Giờ thực hiện Chương trình nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa được đầu tư, khai thác có hiệu quả; thu nhập dân cư thấp.

Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm, còn chênh lệch nhiều so với mức trung bình của thành phố. Hộ nghèo của huyện còn chiếm tỷ lệ lớn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 là 43,6%; lao động qua đào tạo còn thấp (năm 2010 là 20,6%), chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn…

Để người dân huyện Cần Giờ thoát nghèo bền vững, chính quyền Cần Giờ đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. “Trước đây, huyện tập trung sản xuất nông, lâm, thủy sản thì nay làm thêm dịch vụ, chế biến thủy sản, nông nghiệp kết hợp du lịch. Phát triển ngành sản xuất tổ yến, phát triển du lịch xã đảo Thạnh An. Có như vậy, thu nhập của người dân mới bền vững được” - ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, mặc dù đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cần Giờ đã được cải thiện rõ rệt, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để rút ngắn khoảng cách thu nhập với người dân nội thành.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, Cần Giờ cần phát huy những thế mạnh để phát triển tốt hơn trong thời gian tới. “Cần Giờ cần đẩy mạnh khai thác thế mạnh của du lịch. Đồng thời, nghiên cứu thật sớm, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét dự án, phê duyệt để Cần Giờ có một khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế” -ông Nhân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem