Giá cà phê ngày 19/9: Đà tăng 'nóng' của giá cà phê vẫn chưa dừng
Giá cà phê ngày 19/9: Đà tăng 'nóng' của giá cà phê vẫn chưa dừng
Nguyễn Phương
Thứ ba, ngày 19/09/2023 11:54 AM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 19/9: Giá cà phê hai sàn vẫn tiếp nối đà tăng. Tồn kho ICE được bổ sung trên cả hai thị trường nhưng với khối lượng không đáng kể, không làm giảm bớt mói lo thiếu hụt cà phê trong ngắn lẫn trung hạn. Trong nước, giá cà phê tăng 'nóng' tiếp 300 - 400 đồng/kg...
Giá cà phê hôm nay 19/9: Tiếp đà tăng cao nhất 400 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng phiên thứ tư. Kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 10 USD, lên 2.566 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2024 tăng thêm 39 USD, lên 2.443 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 12 tăng thêm 0,45 cent, lên 159,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng thêm 0,80 cent, lên 160,55 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng hôm nay tăng 'nóng' tiếp 300 – 400 đồng, lên dao động trong khung 67.600 - 68.500 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 67.600 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 68.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 68.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 68.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát sau khi tăng 300 đồng/kg.
Giá cà phê hai sàn nối tiếp đà hồi phục khi DXY giảm nhẹ đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi gia tăng sức mua.
Kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất USD tại phiên họp điều hành vào giữa tuần này và báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ suy thoái cũng góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng, cho dù đã có ý kiến nhận định các thị trường cà phê kỳ hạn đang vào chu kỳ giảm do áp lực bán hàng vụ mới từ Brazil.
Theo đó, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu vừa hoàn tất thu hoạch vụ mùa mới năm nay và từ Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới đang trước thềm vụ thu hoạch mới.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (Copom) Brazil bắt đầu phiên họp 2 ngày (19 và 20/9) để xem xét khả năng cắt giảm lãi suất của đồng Reais bớt 0,5% từ mức hiện hành 13,75%/năm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vào cuối tuần này cũng sẽ quyết định công bố lãi suất mới, tiếp sau Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tuần trước vừa tăng lãi suất đồng Euro thêm 0,25% lên mức cao mọi thời đại là 4%/năm.
Dữ liệu báo cáo của ICE – London ngày hôm qua 18/9, tồn kho Robusta đã tăng thêm 50 tấn, tức tăng 0,13% so với ngày trước đó, lên ở mức 38.680 tấn (khoảng 644.667 bao, bao 60 kg) ghi nhận mức tăng liên tiếp kể từ đầu tháng 9, chủ yếu do cà phê có xuất xứ từ Brazil được đưa về sàn tham gia bán đấu giá. Kỳ vọng đà tăng sẽ được duy trì khi Brazil vừa thu hoạch xong vụ Conilon Robusta, được đánh giá là được mùa.
Tin đồn Indonesia tạm ngừng giao hàng để ưu tiên cho ngành công nghiệp trong nước, trong khi Việt Nam cạn kiệt hàng trong nước cũng khiến giá cả tại thị trường nội địa tăng lên mức cao “chưa từng có” đã góp phần hỗ trợ giá kỳ hạn London hồi phục mạnh.
Giải pháp khắc phục tình trạng cây cà phê ra hoa sớm
Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng cây cà phê ra hoa sớm như sau:
1. Duy trì hệ cây che bóng, hoặc trồng bổ sung cây che bóng, cây trồng xen (bơ, sầu riêng) trong vườn cà phê
Trồng cây che bóng có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cà phê, giảm ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước của cây và của mặt đất nên ít chịu tác của hiện tượng sốc nhiệt khi gặp hạn hán tức thời. Ngoài ra, do tác dụng tích cực của hệ thống cây che bóng trong việc điều chỉnh tỷ lệ C/N (tỷ lệ giữa hợp chất Carbon và Nitơ) ở mức thích hợp nên hiện tượng phân hóa mầm hoa sớm trong những giai đoạn hạn tức thời của mùa mưa thường ít xảy ra.
Giải pháp trồng cây che bóng tuy đơn giản, song có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra rõ ràng hơn.
Trong mùa mưa, nếu có những đợt hạn ngắn, cà phê vẫn sinh trưởng bình thường do cường độ chiếu sáng tăng không đáng kể để cây cà phê có thể tăng tỷ lệ C/N; mặc khác cây che bóng có tác dụng tốt trong việc duy trì, kéo dài độ ẩm đất ở mức khá thích hợp nên không gây tình trạng sốc hạn để phân hóa mầm hoa sớm.
Tuy nhiên, nếu mật độ cây che bóng cao hơn 100 cây/ha thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê do cây cà phê không nhận được ánh sáng đầy đủ để đảm bảo các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra thuận lợi cho việc phân hóa mầm hoa khi mùa khô hạn xảy ra sau khi thu hoạch.
2. Bón phân cân đối, hợp lý
Bón phân hợp lý, cân đối giúp cây sinh trưởng khỏe góp phần trong việc điều chỉnh tỷ lệ C/N ở mức phù hợp trong mùa mưa nên có thể ít chịu ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn, vì vậy hạn chế được hiện tượng ra hoa sớm.
Đối với vườn cà phê có cây che bóng với mật độ hợp lý, cùng với chế độ bón phân cân đối, hợp lý thì ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn trong mùa mưa sẽ không làm cho cà phê phân hóa mầm hoa sớm. Khi có thời gian khô hạn kéo dài phù hợp thì cây cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đồng loạt hơn và hoa sẽ nở tập trung khi được cung cấp nước đầy đủ.
3. Tạo hình, tỉa cành đúng kỹ thuật
Tạo hình, tỉa cành hợp lý, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm giúp cây có bộ tán cân đối, hệ thống cành dự trữ khỏe mạnh sẽ giúp cây ít bị ảnh hưởng bởi các đợt hạn ngắn trong mùa mưa, vì vậy hạn chế được tình trạng ra hoa sớm. Khi có điều kiện thuận lợi (khô hạn dài từ 1 - 2 tháng) thì cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đầy đủ, tập trung, khi tưới nước sẽ giúp hoa nở đồng loạt, có khi lên đến 80 - 90%.
4. Tưới nước đúng thời điểm
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa thường xuất hiện các đợt hạn ngắn nên có một tỷ lệ nhất định số đoạn cành già cỗi, cành mang nhiều quả có tỷ lệ C/N cao nên có thể xảy ra quá trình phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa.
Trên vườn cà phê vẫn còn một tỷ lệ cành, đoạn cành còn đang sung sức, chưa có biểu hiện phân hóa mầm hoa do thời gian khô hạn chưa đủ dài. Nếu tưới vào giai đoạn này thì tỷ lệ nở hoa sẽ rất ít, rải rác và do đất đủ ẩm kéo dài nên dẫn đến việc kéo dài thời gian phân hóa mầm hoa hoặc sẽ không phân hóa mầm hoa được do sinh trưởng dinh dưỡng chiếm ưu thế.
Trong trường hợp này, chúng ta đừng nôn nóng mà lợi dụng đặc tính sinh lý của cây cà phê là khi phân hóa mầm hoa thành chồi hoa, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn thì chồi hoa bước vào thời kỳ ngủ nghỉ; trong khi đó số cành, đoạn cành còn lại tiếp tục phân hóa mầm hoa.
Đợi đến khi hoa cà phê đạt được độ lớn nhất định (dài hoa từ 1 - 1,5 cm), có màu trắng ngà hoặc trắng sữa, lá héo vào ban ngày (độ ẩm đất khoảng 27%) thì tưới nước cho cà phê là đúng thời điểm; tỷ lệ hoa nở sẽ rất cao khoảng 80 - 90%, tập trung do vậy thuận lợi cho việc thu hoạch và chăm sóc sau này.
5. Tình huống cần tưới đuổi
Không phải trường hợp nào cũng phải tưới đuổi cho cà phê sau khi nở hoa mà lượng mưa chưa đảm bảo (< 20 mm). Các trường hợp nở hoa vào cuối và gần cuối mùa mưa với tỷ lệ hoa nở không cao, khoảng từ 1% đến 10% (do ảnh hưởng của hiện tượng sốc nhiệt tức thời, các đoạn cành cà phê già cỗi, tỷ lệ C/N cao phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa và gặp mưa thì nở hoa).
Theo các kết quả nghiên cứu của WASI, trường hợp nở hoa sớm với tỷ lệ nở hoa không đáng kể (< 10%) thì không cần tưới đuổi. Nếu sau khi nở hoa, lượng nước cung cấp không đủ, quả sẽ bị rụng và tỷ lệ quả rụng này sẽ được bù đắp thông qua quá trình tự điều chỉnh sinh lý rụng quả của cây.
Thông thường, tỷ lệ rụng quả sinh lý của cây cà phê lên đến 40 - 50%. Nếu số quả trên chùm, trên cây càng nhiều thì tỷ lệ rụng quả sinh lý càng cao, số quả ít hơn sẽ có tỷ lệ rụng sinh lý ít hơn.
Các đợt hoa cà phê nở sớm vào giữa mùa mưa, thậm chí cuối mùa mưa có tỷ lệ thấp, không cần phải quan tâm. Nếu tưới đuổi thì phải tưới nhiều lần, do vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa của cây cà phê sau này do sinh trưởng dinh dưỡng chiếm ưu thế.
Việc tưới đuổi cần quan tâm khi đợt nở hoa sớm rơi vào cuối mùa mưa và sau thu hoạch với tỷ lệ hoa nở trên 10%. Lưu ý cần tưới với lượng nước vừa phải và chỉ tưới 1 lần để đảm bảo quá trình phân hóa mầm hoa tiếp tục diễn ra thuận lợi trong mùa khô hạn.
Việc tưới đuổi nhiều lần càng dễ gây nên hiện tượng hoa nở rải rác, ảnh hưởng đến thu hoạch và năng suất. Ngoài ra việc tưới đuổi nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến việc phân hóa mầm hoa của cây cà phê ở những năm sau và hiện tượng ra hoa sớm, nhiều đợt lại tiếp tục xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.