Gia cảnh người ám sát ông Abe bi đát cùng cực, cha và anh đều tự tử
Gia cảnh người ám sát ông Abe bi đát cùng cực, cha và anh đều tự tử
Chủ nhật, ngày 17/07/2022 14:46 PM (GMT+7)
Tetsuya Yamagami, nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, có cuộc đời bất hạnh khi phải chứng kiến giấc mơ đại học tan vỡ và gia đình ngày một lụi bại.
Bất hạnh đã đến sớm với Yamagami, người được sinh ra trong một gia đình khá giả tại tỉnh Mie, có bố mẹ làm chủ công ty xây dựng địa phương. Khi Yamagami mới 4 tuổi vào năm 1984, bố bất ngờ tự sát, anh trai lớn hơn một tuổi bị mù mắt phải do ung thư, theo lời bác trai của nghi phạm.
Những chuyện không may liên tiếp đeo bám Yamagami. Chính những điều ấy đã góp phần thôi thúc người này, theo một logic bất hợp lý nào đó, đi đến quyết định sai lầm là ám sát ông Abe.
Ba anh em đói ăn vì các khoản quyên góp
Theo lời người bác, gia đình nghi phạm gặp khó khăn từ sau khi người mẹ gia nhập Giáo hội Thống nhất. Người bác kể mẹ Yamagami gia nhập tổ chức trên vào năm 1991, khi Yamagami còn học tiểu học. Trong khi đó, Giáo hội Thống nhất khẳng định người phụ nữ trở thành tín đồ vào khoảng năm 1998.
Nhưng một thực tế không thay đổi là việc người mẹ đã quyên góp lượng lớn tiền cho Giáo hội Thống nhất. Theo người bác, bà đóng góp 20 triệu yen tại thời điểm gia nhập và thêm 30 triệu yên chỉ ít lâu sau đó. Ba năm sau, bà quyên góp thêm 10 triệu yen.
Con số 60 triệu yen (khoảng 433.000 USD) nói trên tới từ tiền thanh toán bảo hiểm được chi trả sau cái chết của bố Yamagami. Người mẹ cuối cùng phá sản vào năm 2002 sau khi đã quyên góp khoảng 100 triệu yen. Công ty xây dựng của gia đình giải thể 7 năm sau đó, theo Asahi.
Trong giai đoạn này, bác của nghi phạm phải hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho ba anh em Yamagami sau khi nghe các cháu kể trong nhà không còn gì ăn. Nhưng người mẹ vẫn tiếp tục đóng góp các khoản nhỏ hơn dù gia đình đã khánh kiệt.
Mẹ Yamagami cũng từng nhiều lần xin tiền anh rể. Từng có một lần, người bác phải “hất nước chè để đuổi bà về”.
Cảnh khó khăn tài chính khiến Yamagami đã phải từ bỏ cánh cửa đại học sau khi theo học ngôi trường cấp 3 danh giá. Trong kỷ yếu tốt nghiệp phổ thông, nam sinh viết “chẳng biết” muốn làm gì trong tương lai.
“Thằng bé rất thông minh giống bố”, người bác trai nói về Yamagami vào ngày 15/7, theo Japan Times. “Nó cũng rất chăm chỉ. Tôi chỉ có ký ức tốt đẹp về thằng bé”.
Cái chết của anh trai là giọt nước tràn ly
Cùng năm mẹ phá sản, Yamagami nhập ngũ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Tới tháng 1/2005, Yamagami kể đã cố tự sát để anh trai cùng em gái được nhận tiền bảo hiểm và thoát khỏi cái nghèo. Khi ấy, mẹ Yamagami đang ở Hàn Quốc để tham gia hoạt động của Giáo hội Thống nhất.
Khoảng tháng 8/2005, Yamagami xuất ngũ và không còn giữ liên lạc với người bác trai.
Khoảng năm 2015, anh trai của Yamagami tự sát sau trận chiến đấu lâu năm với bệnh ung thư. Trước đó, người anh đã không thể chi trả chi phí điều trị.
Cái chết của anh trai khiến Yamagami trở nên buồn bực, theo lời người bác. Yamagami có ý nghĩ “đời mình rối ren” vì Giáo hội Thống nhất.
Ngày 15/7, Japan Times dẫn các nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết Yamagami đã lên kế hoạch tấn công trong khoảng 20 năm qua vì “muốn giáng đòn vào tổ chức tôn giáo ấy”.
Yamagami khai đã dự định sát hại một quan chức cấp cao của Giáo hội Thống nhất. Sau khi mẹ phá sản, anh ta đã cầm dao tới một cơ sở của tổ chức này. Năm 2019, nghi phạm từng lên kế hoạch chế bom để tấn công lãnh đạo giáo hội khi người này thăm Nhật Bản.
Theo Asahi, Yamagami được cho là đã chuyển mục tiêu sang ông Abe vào tháng 9/2021, sau khi nhìn thấy thông điệp video mà vị cựu thủ tướng gửi cho một tổ chức có liên quan tới Giáo hội Thống nhất.
“Do đại dịch Covid-19, lãnh đạo Giáo hội Thống nhất không tới thăm Nhật Bản và tôi không thể đi tới Hàn Quốc”, Yamagami nói, theo Japan Times.
Sau vụ ám sát, mẹ Yamagami đã ở nhà anh rể, người bác nghi phạm nói. “Em dâu tôi rất mệt mỏi và tôi chưa nói chuyện với cô ấy về vụ việc”, người bác nói. Người mẹ đang hợp tác với cơ quan điều tra nhưng không rõ liệu bà có còn giữ liên hệ với giáo hội hay không, người bác nói.
Dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra, một số tờ báo đã cho biết trong quá trình tra hỏi, mẹ nghi phạm xin lỗi vì hành động của con trai. Tuy nhiên, bà không chỉ trích Giáo hội Thống nhất.
Cảnh sát sẽ tìm hiểu cả cuộc đời nghi phạm
Trong một vụ án hình sự ở Nhật Bản, sau khi ra lệnh tạm giam, công tố viên có thể thẩm vấn Yamagami trong tối đa 20 ngày, New York Times dẫn lời Charles D. Weisselberg, giáo sư nghiên cứu luật Nhật Bản tại Trường Luật, Đại học California, Berkeley.
Cộng thêm số ngày tạm giam ban đầu, nhà chức trách có thể giữ và tra hỏi Yamagami tổng cộng 23 ngày trước khi ra quyết định khởi tố. Trong quá trình thẩm vấn, Yamagami không có quyền có luật sư hiện diện.
Satoru Shinomiya, luật sư bào chữa kiêm giáo sư luật thuộc Đại học Kokugakuin tại Tokyo, tin rằng công tố viên sẽ sử dụng tối đa số ngày pháp luật cho phép. Nguyên nhân là cảnh sát muốn tránh xảy ra sai sót có thể khiến họ bị chỉ trích vì ông Abe là nạn nhân nổi tiếng.
Cảnh sát tỉnh Nara, nơi xảy ra vụ ám sát, cũng tuyên bố sẽ điều tra xem liệu khẩu súng được chế theo lời khai của nghi phạm có thể gây chết người hay không.
Theo luật sư Shinomiya, kể cả với vụ án mà nghi can đã thú tội, công tố viên sẽ vẫn tiếp tục điều tra để nắm bắt được không chỉ toàn cảnh hành vi phạm tội mà còn là cả cuộc đời nghi phạm.
Ông Shinomiya còn nhận định công tố viên sẽ không đề nghị mức án tử hình đối với Yamagami. Tòa án Nhật Bản thường tránh tuyên án tử đối với bị cáo trong những vụ án chỉ có một nạn nhân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.