Vadym Skibitskyi, người phát ngôn kiêm Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 16/7 được một nhà báo hỏi rằng, liệu Ukraine có thể sử dụng các hệ thống HIMARS và M270 do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine để tấn công các mục tiêu thuộc lãnh thổ Crimea hay không.
Ông Skibitskyi trả lời: "Ngày nay, bán đảo Crimea đã trở thành một trung tâm trung chuyển tất cả các thiết bị và vũ khí từ Liên bang Nga đến các khu vực phía nam của đất nước chúng ta.
Thứ hai, bạn đã thấy Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga hiện đang được sử dụng tích cực như thế nào để thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ của chúng tôi. Các hệ thống phóng tên lửa hành trình Calibre, khinh hạm, tàu tên lửa cỡ nhỏ, tàu ngầm thường xuyên trực chiến, chờ lệnh, sau đó chúng tiến hành các cuộc tấn công bất kể thời gian nào trong ngày...
Do đó, đây cũng là một trong những mục tiêu cần phải đánh để đảm bảo an toàn cho người dân, các cơ sở của chúng tôi và Ukraine nói chung".
Tuyên bố của ông Skibitskyi được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 15/7 xác nhận rằng Ukraine đã quyết định không sử dụng pháo phản lực phóng loạt HIMARS để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga.
“Chúng tôi đã cam kết rằng, chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí chính xác cao để chống lại các mục tiêu trong lãnh thổ Liên bang Nga. Chúng tôi đã xác nhận điều đó ở khắp mọi nơi, thậm chí cá nhân tôi đã làm như vậy trong một bức thư gửi cho đồng nghiệp của tôi - người đứng đầu Lầu Năm Góc - rằng chúng tôi sẽ chỉ sử dụng vũ khí Mỹ để ngăn chặn kẻ thù và giành lại những vùng đất bị chiếm đóng tạm thời (từ quân đội Nga) trên lãnh thổ của Ukraine", ông Reznikov nói.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp. Mỗi hệ thống được biên chế kíp vận hành ba người, mang được 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80 km. Mỹ cam kết chuyển giao 12 tổ hợp HIMARS cho Ukraine khi Nga tăng cường tấn công Donbass.
Kể từ khi nhận được các tổ hợp HIMARS, Ukraine tuyên bố, họ đã sử dụng hiệu quả hệ thống vũ khí này để phá hủy khoảng 30 kho quân sự Nga, làm giảm đáng kể khả năng tấn công của đối phương.
"Trong những tuần qua, hơn 30 cơ sở hậu cần quân sự của đối phương đã bị phá hủy, khiến tiềm lực tấn công của lực lượng Nga bị tiêu hao đáng kể", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzianyk hôm 15/7 tuyên bố khi nhấn mạnh vai trò của pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine để đối phó với quân đội Nga.
Một lãnh đạo quân đội hàng đầu của Ukraine hôm 14/7 cho biết, kể từ khi HIMARS được Ukraine đưa vào trực chiến, các lực lượng Nga đã không giành thêm "một mét đất nào" trong tuần trước. Nguyên nhân là các cuộc tập kích bằng pháo phản lực của Ukraine đã làm đứt gãy tuyến tiếp tế của Nga, buộc Moscow phải di chuyển các kho đạn ra xa tiền tuyến hơn để tránh bị tấn công.
Nga đã giành được ưu thế trong cuộc chiến ở miền Đông và Nam Ukraine nhờ có lực lượng pháo binh vượt trội hơn Ukraine. Vì thế, Mỹ và các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cố gắng giúp Ukraine cân bằng lực lượng bằng cách tăng cường cung cấp pháo tầm xa cho nước này, bao gồm pháo phản lực HIMARS và hệ thống phóng rocket đa nòng MLRS M270.
Ngày 15/7 mới đây, ông Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố nước này vừa nhận được lô vũ khí hạng nặng MLRS M270 do Mỹ sản xuất đầu tiên.
"Kiev đã nhận được lô hàng M270 đầu tiên. Hệ thống này sẽ hoạt động tốt cùng với các bệ phóng pháo cơ động cao (HIMARS) М142 do Mỹ cung cấp", ông Reznikov viết trên mạng xã hội Twitter.
MLRS M270 do Mỹ sản xuất, cũng có tầm bắn khoảng 80km, tương tự như pháo HIMARS.
MLRS M270 và HIMARS M142 là hai phiên bản của hệ thống pháo phản lực do Mỹ sản xuất, có thể bắn cùng loại rocket và được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.