Gia Cát Lượng chết vì những loại bệnh nào?

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 11/07/2019 18:34 PM (GMT+7)
Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà phát minh lỗi lạc của Thục Hán thời Tam Quốc. Hình tượng của Khổng Minh được dân gian ca tụng qua những câu chuyện dân gian và càng trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư Trung Hoa.
Bình luận 0

Cái chết của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc diễn nghĩa

Cái chết của Gia Cát Lượng được viết lại đầy bi tráng và sâu sắc trong “Tam Quốc diễn nghĩa” và hàng loạt tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, kịch nghệ chuyển thể sau này. Tam Quốc diễn nghĩa hồi thứ 103 có nhiều đoạn viết miêu tả tuần tự những ngày cuối cùng của cuộc đời Khổng Minh sau khi kế vây bắt và dùng hỏa công đốt chết cha con Tư Mã Ý ở Thượng Phương cốc bất thành vì… ý Trời bỗng nhiên đổ một cơn mưa bất chợt.

img

Gia Cát Lượng qua đời ở tuổi 54, khi chiến dịch Bắc Phạt còn đang dang dở.

Đầu tiên “Khổng Minh nghe tin ấy, thở dài một tiếng, ngất đi ngã gục xuống đất… nửa giờ mới tỉnh”, rồi “Khổng Minh than rằng: - Ta nghe trong mình bàng hoàng, bệnh cũ lại phát, dễ thường không thọ được nữa. Đêm hôm ấy, Khổng Minh gượng bệnh ra trướng, ngẩng xem thiên văn. Xem xong, Khổng Minh vào trướng bảo Khương Duy rằng: - Ta nguy đến nơi mất rồi… Ta thấy trong ba ngôi sao Tam thai, ngôi khách tinh sáng lắm mà ngôi chủ tính thì u ám, các sao tướng phụ bóng tôi lờ mờ. Xem tượng trời như thế đủ biết mệnh ta”.

Tiếp đến là La Quán Trung tả chuyện Khổng Minh dùng phép dâng sao giải hạn nhằm cưỡng lại mệnh trời “Lạy khấn xong, Khổng Minh vào trướng nằm nghỉ. Hôm sau lại gượng dậy coi việc, thổ ra huyết mãi không thôi. Ban ngày thì bàn định việc quân cơ, ban đêm thì giày sao cương, giẫm sao cẩu, làm phép nhương sao” tưởng chừng sắp giải nguy thành an, kéo lại được thêm chút tuổi thọ thì sự cố xuất hiện.

“Khổng Minh ở trong trướng cầu nhương đã được sáu đêm thấy ngọn đèn bản mệnh tỏa sáng, trong bụng mừng thầm… Bỗng dưng nghe ngoài trại có tiếng hò reo, vừa toan cho người ra hỏi, thì đã thấy Ngụy Diên xồng xộc vào thẳng trong trướng, kêu rằng: - Quân Ngụy kéo đến nơi rồi! Diên bước mạnh quá, làm tắt mất ngọn chủ đăng. Khổng Minh quẳng gươm xuống đất than rằng: - Sống chết có số, không làm sao mà nhương trừ được!”.

img

Khổng Minh ăn ít, làm nhiều, ngủ không đủ giấc, sức khỏe và tinh thần suy nhược.

Sau đó tác gia họ La tả tiếp: “Khương Duy thấy Ngụy Diên làm tắt mất ngọn chủ đăng, bừng bừng nổi giận, rút gươm toan chém, Khổng Minh ngăn lại bảo rằng: - Đó là số ta đến ngày hết, không phải lỗi tại Văn Trường. Khổng Minh lại thổ ra vài bát huyết, nằm phục trên giường”.

Và “Khổng Minh gượng bệnh, sai tả hữu vực lên chiếc xe nhỏ ra trại, đi xem các dinh, gió thu thổi mặt, lạnh buốt đến xương, mới thở dài than rằng: - Từ đây ta không còn được ra trận đánh giặc nữa. Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi! Khổng Minh than thở một hồi, rồi trở về trướng, bệnh lại nặng thêm… Đêm hôm ấy Khổng Minh sai người vực ra sân, ngẩng xem sao bắc đẩu, trỏ một ngôi sao bảo các tướng rằng: - Ngôi này là tướng tinh của ta đấy! Mọi người nhìn lên xem, thấy ngôi sao ấy sáng lờ mờ, lung lay sắp rụng. Khổng Minh cầm thanh kiếm trở lên, mồm niệm chú mấy câu, rồi trở vào trong trướng. Vừa vào đến nơi thì ngất đi, không biết gì nữa”.

Cứ như thế, Khổng Minh ngất đi rồi tỉnh lại vài lần và sau những lời dặn dò cuối cùng với thượng thư Lý Phúc thì qua đời. “Khổng Minh không đáp nữa. Các tướng đến gần xem, thì đã mất rồi. Bấy giờ là ngày hai mươi ba tháng tám, mùa thu, năm Kiến Hưng thứ mười hai (công lịch: Hai trăm ba mươi sáu); thọ năm mươi tư tuổi”.

img

Hình ảnh Khổng Minh thường ngồi trên một cỗ xe đẩy khi xuất trận cũng cho thấy phần nào tình trạng sức khỏe của ông.

Khổng Minh chết vì bệnh gì?

Pho sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ viết về cái chết của Khổng Minh như thế này: “Tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng sinh bệnh nặng. Vua Thục Hán là Lưu Thiện phái Thượng thư Lý Phúc, ngày đêm phóng đến tiền tuyến gò Ngũ Trượng thăm hỏi bệnh tình của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nằm trên giường bệnh dặn dò Lý Phúc: trước mắt sự nghiệp bắc phạt chưa thành công, hy vọng đại thần triều đình vẫn một lòng như cũ, tận tâm phò tá Lưu Thiện, kế tục hoàn thành sự nghiệp phục hưng nhà Hán mà mình chưa hoàn thành được. Lại yêu cầu Lý Phúc chuyển lời cho nhà vua rằng: sau khi ông ta mất không cần đưa về Thành Đô chôn cất, cứ an táng ở núi Định Quân tại tiền tuyến là được, để tượng trưng chí hướng "da ngựa bọc thây chết ở sa trường"… Cuối tháng 8 năm Kiến Hưng thứ 12 (tức năm 234), Gia Cát Lượng bệnh mất ngay trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6, thọ 54 tuổi”.

Như vậy có thể thấy, những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Gia Cát Võ Hầu được viết rất chi tiết, trong cả tiểu thuyết lẫn chính sử. Nhưng nguyên nhân thực sự khiến Khổng Minh qua đời, ở tuổi 54, khi sự nghiệp Bắc Phạt đang còn dang dở, lại không được nhắc đến hay ghi chép một cách rõ ràng. Khổng Minh chết vì bệnh nặng, nhưng cụ thể là bệnh gì?

Tam Quốc diễn nghĩa có một đoán viết rất đắt như thế này, nhân chuyện Khổng Minh sai sứ giả đến gửi tặng Tư Mã Ý “khăn áo đàn bà”, chủ đích là khích tướng đại địch phía Tào Ngụy. Tư Mã Ý khi hỏi han chuyện Khổng Minh ăn ngủ như thế nào, công việc nhiều ít ra sao thì sứ giả có đáp rằng: “Thừa tướng tôi thức khuya dậy sớm; hình phạt từ hai chục roi trở lên, cũng phải coi xét đến mà mỗi ngày chỉ ăn được vài thưng mà thôi”. Ý sau đó bảo với các tướng rằng: “Khổng Minh ăn ít làm nhiều, sống lâu làm sao được”.

img

Gia Cát Lượng, những năm cuối đời mang trong mình đủ thứ bệnh: viêm loét dạ dày, thiếu máu, rối loạn thần kinh.

Sau đó La Quán Trung lại mượn lời của chủ bộ Dương Ngung để nói về tình trạng cơ thể của Lượng như sau: “Tôi thấy thừa tướng hàng ngày cứ phải coi xét sổ sách, thiết nghĩ không nên. Ôi! Việc trị nước phải có thể thống, trên dưới không xâm phạm tới nhau… Nếu việc nào cũng phải xuất thân làm lấy, thì sức lực mỏi mệt, tinh thần kém sút, mà không nên được việc gì… Nay thừa tướng thân xét đến cả việc nhỏ nhặt, mồ hôi toát ra cả ngày, chẳng nhọc nhằn lắm ru? Lời Tư Mã Ý nói, xin thừa tướng xét cho mới được”.

Đây là những chi tiết rất quan trọng, bởi không phải là do La Quán Trung hư cấu, mà ông dựa trên tình trạng sức khỏe có thật của Khổng Minh trong chính sử những năm đó. Khổng Minh trước hết bị suy nhược cơ thể trầm trọng bởi “làm nhiều ăn ít”, “ngủ không đủ giấc” dẫn đến trí lực mỏi mệt, tinh thần kém sút. Rất nhiều văn bản chính sử cũng ghi chép chuyện Khổng Minh thường xuyên nôn ra máu, đó chính là triệu chứng số 1 của viêm loét dạ dày giai đoạn cuối.

Khổng Minh làm nhiều việc, từ nhỏ tới lớn nhưng lại không duy trì một chế độ vận động khoa học để đảm bảo cho sức khỏe của mình. Khi ra trận, từ khi Nam chinh thu phục Mạch Hoạch đến những lần Bắc Phạt, thì ông cũng thường ngồi trên một cỗ xe có 2 lính đẩy. Thêm việc không chú ý đến việc dùng thuốc hay ăn uống đúng cách, càng làm nặng thêm căn bệnh về đường tiêu hóa của Thừa tướng nhà Thục Hán.

img

Thân mang trọng bệnh nhưng không điều trị mà một lòng Bắc Phạt, tận trung báo quốc, Khổng Minh sao cưỡng được mệnh Trời.

Nhưng Khổng Minh không chỉ bị bệnh liên quan đến tiêu hóa dẫn tới viêm loét dạ dày trầm trọng mà ông còn “giữ trong mình” nhiều loại bệnh khác. Việc Khổng Minh thường xuyên ngất đi tỉnh lại là bằng chứng cho thấy ông còn bị bệnh thiếu máu, liên tục hạ đường huyết. Gia Cát Lượng về cơ bản là một người rất nhạy cảm, luôn lo lắng và chất chứa u sầu. Mỗi sai lầm dù nhỏ trong công việc, vì thế, đều để lại cho ông gánh nặng, thậm chí là sự đả kích về mặt tinh thần rất lớn.

Những cái chết liên tiếp của các tướng tài trong chiến dịch Bắc Phạt, đặc biệt là lão tướng Triệu Vân cũng là đòn giáng mạnh vào tinh thần của Khổng Minh. Lần đầu tiên hình ảnh Khổng Minh thổ huyết rồi ngất chính là khi ông nghe được tin báo về việc Tử Long qua đời. Tức là ngoài các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, huyết áp, thần kinh não bộ của Khổng Minh còn chịu những tổn hại hết sức nặng nề, gây ra các bệnh lý như kiểm soát đột quỵ (thể hiện qua việc thường xuyên bị ngất), rối loạn vận động, bệnh mạch máu não…

Một người mang trong mình biết bao thứ bệnh, không chịu điều trị nghỉ dưỡng, mà lại lao tâm khổ tứ dẫn đại quân đi đánh trận hết năm này qua tháng khác như Gia Cát Lượng, thì làm sao cưỡng được lại mệnh trời?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem