Giá điện: Công khai nhưng không minh bạch

Thanh Phong Thứ tư, ngày 18/12/2019 19:01 PM (GMT+7)
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định hiện nay, giá điện dù cao hay thấp cũng bị “chê” do tình trạng điều chỉnh giá “công khai nhưng không minh bạch”.
Bình luận 0

Chiều 18/12, Bộ Công Thương tổ chức buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tại buổi họp báo, vấn đề được nhiều đại biểu tham dự quan tâm liên quan đến biểu giá cũng như khả năng tăng giá điện trong thời gian tới.

Phát biểu tại họp báo, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, dự kiến vào năm 2020, do tình trạng thiếu nguồn cung, ngành điện sẽ phải huy động nhiều nhà máy điện than tới 3,4 tỷ kWh chạy dầu.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hệ thống trong nước vẫn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, từng thời điểm trong năm có thể sẽ nhiều biến động ảnh hưởng đến giá điện không chỉ đơn thuần dựa vào chi phí sản xuất.

img

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại họp báo chiều 18/12.

“Ví dụ như có mưa nhiều hơn thì sẽ huy động nhà máy thủy điện nhiều hơn, giảm sản lượng các nhà máy điện dầu. Tuy nhiên, nhìn nhận với bối cảnh chung hiện nay, nếu huy động nhiều sản lượng dầu thì tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì 1 kWh dầu sẽ đắt hơn rất nhiều so với than và thủy điện. 

Tuy nhiên, việc có điều chỉnh giá điện hay không? Không chỉ căn cứ vào việc giá thành sản xuất điện có lên hay không mà còn rất nhiều yếu tố khác. Điều này đã được nêu rõ trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, trình tự, thủ tục điều chỉnh giá điện như thế nào?”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Theo đại diện ngành Công Thương, hiện tại, tại từng điều kiện cụ thể, nếu có vấn đề phát sinh cần điều chỉnh giá điện phải theo trình tự, EVN đề xuất, các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Theo quy định khi giá điện tăng lên 5%, Tập đoàn có thể đề xuất lên Bộ Công Thương điều chỉnh, đến 10% phải đề xuất lên Thủ tướng. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải chỉ mỗi việc giá thành sản xuất tăng lên.” Ông Vượng thông tin thêm.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc điều chỉnh giá điện không xây dựng lộ trình cố định sẽ dẫn đến tình trạng “công khai nhưng không minh bạch”, giá thấp hay cao cũng bị “chê”.

Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho hay, hiện tại, cơ cấu giá điện đã thay đổi do có nhiều loại điện khác nhau và chi phí đầu vào cho từng loại, khu vực điện năng cũng thay đổi. Ví dụ, như khi giá than, hoặc các loại năng lượng tái tạo thay đổi cũng làm giá điện thay đổi. 

“Hiện nay, giá điện tại Việt Nam dù thấp hay cao cũng bị chê do “công khai nhưng không minh bạch”. Trong vấn đề công khai, có nội dung rất lớn về mặt cơ chế là phải định hình rõ chu kỳ tăng giá điện. 

Theo tôi việc xác định chu kỳ tăng giá điện là hoàn toàn có thể xác định được, không phải cứ lúc nào thích là tăng, “bí” là tăng. Ví dụ như đối với thủy điện có mùa khô, mùa mưa, đó là cơ sở rất cơ bản để tính chu kỳ. Nếu điều chỉnh giá bất thường có thể gây ra các vấn đề tâm lý cho các ngành sản xuất.” ông Thiên nói. 

Bên cạnh đó, PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng nhận định, trong một số trường hợp bất khả kháng, việc điều chỉnh giá điện bất thường cũng có thể diễn ra. Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thẩm quyền cũng cần quy định rõ ràng những trường hợp hợp được xem xét để thay đổi.

“Sau khi đã xác định được chu kỳ, cần luật hóa được cơ chế điều chỉnh giá điện. Nếu trong trường hợp phải điều chỉnh bất thường cũng cần nêu rõ xem những điều kiện thế nào sẽ được xem xét? Với việc xác định rõ ràng, minh bạch như vậy, dư luận xã hội sẽ rất yên tâm.” PGS. TS. Trần Đình Thiên.

img

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới báo chí, truyền thông.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, thông tin thêm tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện,...

Trong đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017. Tổng chi phí khâu phân phối, bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành điện thương phẩm là 288,99 đ/kWh.

Theo đó, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem