"Nóng" giá điện và loạt dự án điện chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đăng đàn

Thanh Phong Thứ ba, ngày 05/11/2019 09:00 AM (GMT+7)
Đăng đàn Quốc hội kỳ này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cần phải cho cử tri, người dân rõ về những bất cập của ngành điện như việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, mở rộng mức độ cạnh tranh trong thị trường điện bán buôn và hàng loạt dự án điện chậm tiến độ dẫn đến nguy cơ thiếu điện, đe doạ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, chiều thứ 4, ngày 6/11, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xung quanh các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Câu chuyện giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và điều hành giá điện theo cơ chế thị trường cũng như hàng loạt dự án điện chậm tiến độ luôn là vấn đề được cử tri quan tâm. Đỉnh điểm là lần điều chỉnh giá điện ngày 20/3/2019 vừa qua đã khiến người dân bức xúc và ngành điện buộc phải giải trình. Tuy nhiên, lần đăng đàn trước Quốc hội này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần phải cho cử tri, người dân biết rõ hơn về những bất cập liên quan đến ngành điện. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù công tác quy hoạch điện thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên còn tồn tại những vấn đề bất cập như bất cập trong việc sản xuất thiết bị, huy động vốn, đầu tư dàn trải… 

Trong đó, nổi bật lên vấn đề về các dự án nguồn điện, đặc biệt các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo nguồn cung. Trước viễn cảnh dự báo thiếu điện trầm trọng từ năm 2020, đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

img

Từ ngày mai 06/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa) sẽ trả lời trước Quốc hội về công tác quản lý, điều tiết điện lực; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong giai đoạn vừa qua, có nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch điện như: không xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về cấm vận, thiếu vốn, mặt bằng, đặc biệt là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.

“Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án NLTT). Sau 3 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như: các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận. 

Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong Quy hoạch, nhiều dự án đang thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2. Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án điện có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW (đạt gần 72%).” Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, việc chậm tiến độ hoặc không triển khai được các dự án điện theo quy hoạch đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, việc đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm dẫn đến các yếu tố bất lợi trong quản lý triển khai các dự án kể cả phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, kéo theo việc chậm tiến độ. 

“Theo đánh giá, trong giai đoạn sắp tới, hầu như chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư nguồn điện khác, đặc biệt là các nguồn điện BOT hầu hết đều chậm.” Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến việc quy hoạch điện không đạt mục tiêu là do việc huy động vốn cho các dự án khó khăn. Theo tính toán của ngành công thương, trong Quy hoạch VII điều chỉnh, mức vốn đầu tư bình quân hàng năm của ngành điện gần 7,6 tỷ USD/năm. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá điện của Việt Nam mới chỉ đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn, các doanh nghiệp nhà nước khác như TKV, PVN cũng khó khăn về tài chính thì việc huy động vốn cho các dự án điện của các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn. 

img

Nhiều dự án điện không còn thuộc diện được Chính phủ bảo lãnh nên gặp khó khăn về vốn.

Tương tự, đối với các dự án nguồn điện do khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, ...).

Ngoài ra, Bộ Công Thương thông tin thêm, hoạt động sản xuất thiết bị điện trong nước chưa đáp ứng nhu cầu cho các dự án. Hầu hết thiết bị nhà máy điện đều phải nhập ngoại khiến chi phí đầu tư tăng cao, thời gian kéo dài, gây khó khăn cho công tác xây dựng các dự án điện...

“Mặc dù trong thời gian vừa qua, ngành chế tạo thiết bị điện trong nước đã có những tiến bộ nhất định như sản xuất được máy biến áp 220, 500kV, tuy nhiên năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế tạo thiết bị điện trong nước còn hạn chế.” Bộ Công Thương thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem