Giá điện tăng, người dân Thủ đô tìm cách "thắt lưng buộc bụng"

Hải Anh Chủ nhật, ngày 19/11/2023 10:43 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân tại Hà Nội bày tỏ lo lắng sau khi nhận thông tin điện tăng giá. Họ cho biết gia đình đã phải cắt giảm việc dùng điện, giảm chi phí sinh hoạt để phòng trường hợp những mặt hàng khác sẽ tăng giá theo.
Bình luận 0

Mới đây, theo quyết định quy định về giá điện được Bộ Công Thương ban hành, giá bán lẻ điện bình quân được tăng lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Như vậy, giá bán điện mới được áp dụng từ ngày 9/11 đã tăng thêm 4,5% so với giá bán lẻ hiện hành là 1.920,3 đồng.

Quyết định của Bộ Công Thương đã quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân tại Hà Nội bày tỏ lo lắng, ái ngại sau khi nhận thông tin điện tăng giá. Họ cho biết gia đình đã phải cắt giảm việc dùng điện, đồng thời lo lắng những mặt hàng khác sẽ tăng giá theo.

Trong đó, đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện được áp dụng cho 6 bậc. Bao gồm, bậc 1 từ 0 - 50 kWh là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 từ 51 - 100 kWh là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh. Bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có giá là 3.151 đồng/kWh.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN cho biết, mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; bậc 2 tăng thêm là 7.900 đồng; bậc 3 tăng thêm là 17.200 đồng; bậc 4 tăng thêm tối đa là 28.900 đồng.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 2.

Thông tin giá điện tăng nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, ái ngại. Để tiết kiệm chi phí từ sinh viên đến các gia đình đã dùng nhiều biện pháp khác nhau.

Người dân Thủ đô giảm chi phí sinh hoạt sau khi giá điện tăng

Thông tin giá điện tăng nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo lắng, ái ngại. Để tiết kiệm chi phí, từ sinh viên đến các gia đình đã dùng nhiều biện pháp khác nhau.

Sinh viên Lê Thùy Trang cùng nhóm bạn 4 người lựa chọn thuê trọ trong 1 khu tập thể cũ (tại ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội) với giá 5,5 triệu đồng 1 tháng.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 3.

Nhóm bạn sinh viên sống trong căn phòng trọ nhỏ ở khu tập thể cũ tại quận Ba Đình.

Trong căn trọ sử dụng nhiều thiết bị điện như bếp từ, tủ lạnh, điều hòa, nóng lạnh, quạt trần, đèn sưởi,.. khiến giá điện tháng nào cũng trên 1 triệu đồng, luôn phải trả theo khung bậc 6 do trên 400 số.

Khi biết giá điện tăng 4,5%, các bạn không khỏi lo lắng bởi tháng sau hóa đơn tiền điện phải chi trả nhiều hơn.

Bạn Lê Thùy Trang cho rằng, với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh hiện nay, chưa biết tiền điện sẽ “đội” thêm bao nhiêu.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 4.

Bạn Lê Thùy Trang cho rằng, với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh hiện nay, chưa biết cụ thể tiền điện sẽ “đội” thêm bao nhiêu.

“Trước chúng tôi ở trọ riêng lẻ, giá điện cao lắm, 4000 - 5000 đồng/số, thế nhưng khi chuyển về đây, dù giá điện bình dân nhưng do phòng có nhiều thiết bị nên giá điện lúc nào cũng cao.

Phòng 5 người thì ai cũng có máy tính, điện thoại di động riêng nên ngày nào cũng cần sạc pin cho thiết bị, ngoài ra còn sử dụng nóng lạnh, đèn học, đèn sưởi... Những thiết bị này cũng đã cũ, nên việc tiêu hao điện năng nhiều hơn bình thường. Điện tăng giá thì buộc chúng mình phải co kéo, hạn chế sạc pin, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết và cũng mong chủ trọ sẽ không tăng giá thuê nhà”.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 5.

Nhiều thiết bị điện trong nhà đã cũ khiến việc sử dụng điện nhiều hơn.

Anh Đèo Trí Nguyên (quận Ba Đình, Hà Nội) người thuê phòng trọ chia sẻ: “Sang mùa đông sẽ bớt điều hòa nhưng phải sử dụng các thiết bị như nóng lạnh, sưởi nhiều hơn, thế nên tiền điện tôi nghĩ vẫn sẽ tăng".

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng nhận 6 triệu đồng tiền lương hưu, nhà có hai bà cháu ở nhưng tiền điện mỗi tháng đều hết hơn 1 triệu đồng. Cao điểm nhất là hơn 2 triệu đồng do đỉnh điểm nắng nóng phải bật điều hòa thường xuyên.

Để giám chi phí, sáng nào bác Nguyệt cũng dậy sớm đọc báo xem có tin tức gì mới trong ngày. Nhờ việc đọc báo, bác hạn chế được việc sử dụng tivi, điện thoại với tần suất cao. Đây cũng là cách giúp bác cắt giảm các thiết bị điện khi không cần thiết.

Ngoài ra, thay vì ở nhà cả ngày, cứ vào chiều tối bác sẽ đến nhà văn hóa khu dân phố để tham gia múa hát, tạo thêm niềm vui tuổi già.

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 6.

Sáng nào bác Nguyệt cũng dậy sớm đọc báo xem có tin tức gì mới trong ngày. Nhờ việc đọc báo, bác hạn chế được việc sử dụng tivi, điện thoại với tần suất cao. Đây cũng là cách giúp bác cắt giảm các thiết bị điện khi không cần thiết.

Lo lắng hàng hóa tăng giá theo sau khi tăng giá điện

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội lo lắng tiền điện tăng sẽ đẩy sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên. Giữa thời buổi khó khăn như hiện nay thì đây là mối lo lớn với không ít người.

Chị Mai Anh (nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Nhìn từ việc tăng giá xăng tăng gần đây thì sẽ hiểu tác động thế nào. Vì cũng như xăng, điện là mặt hàng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bất kỳ hộ gia đình nào.

Không những thế, nó còn tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác. Chính vì vậy, việc tăng hoặc giảm giá điện có thể sẽ kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu đắt đỏ thêm".

Người dân Thủ đô tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt, lo ngại hàng hóa tăng giá sau khi giá điện tăng - Ảnh 7.

Bên cạnh việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội lo lắng tiền điện tăng sẽ đẩy sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.

Anh Hoàng Quyết Vỹ (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, như năm ngoái, giá xăng liên tiếp tăng và đắt kỷ lục, ngay lập tức, giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá cho đến bát phở, bát bún... cũng tăng theo và thiết lập nên một mặt bằng giá mới.

Đáng nói là khi giá xăng hạ "nhiệt" thì các loại hàng hóa trên vẫn không giảm hoặc giảm nhỏ giọt và chắc chắn không bao giờ quay lại mức giá cũ.

"Như đã biết, tình hình kinh tế hiện tại của người dân gặp nhiều khó khăn, bây giờ đến điện tăng giá, tôi thực sự lo lắng không biết các mặt hàng thiết yếu có lại ào ạt tăng giá theo như hiệu ứng đã từng xảy ra với giá xăng dầu hay không. Cuối cùng vẫn là người tiêu dùng chịu thiệt nhiều nhất”, anh Vỹ giãi bày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem