Gia đình ba đời làm bánh “Lang Liêu” dâng Vua Hùng và kỷ lục VN

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 09:55 AM (GMT+7)
Dân Việt - Bánh dầy tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất mà khi xưa Hoàng tử Lang Liêu dâng lên Vua Hùng. Nghề làm bánh "Lang Liêu" đã được gia đình chị Hằng lưu truyền tới ba đời nay.
Bình luận 0

Ba đời giữ nghề

Gia đình chị Bùi Thị Thu Hằng, anh Nguyễn Văn Ninh, ở khu 6, xã Hùng Lô (TP. Việt Trì, Phú Thọ), đã có hơn 30 năm làm nghề gói bánh chưng, bánh dầy, hơn 10 năm làm bánh dâng Quốc giỗ, lập kỷ lục với chiếc bánh chưng to, nặng nhất.

Hôm tôi đến nhà chị Hằng còn tuần nữa mới đến Giỗ Tổ, nhưng từ ngoài sân vào bếp hàng vạn lá dong đã được rửa sạch, dựng cho rào nước. “Năm nay gia đình vinh dự được chọn gói 18 bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng dâng Giỗ Tổ” – chị Hằng bắt đầu câu chuyện bằng một tin vui như vậy.

img
Gia đình anh Ninh, chị Hằng mỗi ngày làm tới 4 – 5 tạ gạo

Chị Hằng cho biết, gia đình chị đã làm nghề gói bánh chưng, bánh dầy ba đời nay, nếu tính đời con chị thì đã là đời thứ 4 và đây là nghề nuôi sống cả gia đình. Hồi bé, khi vừa biết cầm vững con dao, buổi đi học, buổi chị ở nhà tước cuống lá dong cho bố mẹ gói bánh.

“Bánh chưng xanh của Lang Liêu gắn với lịch sử Việt Nam trong việc chọn người trị vì đất nước. Và từ bao đời nay bánh chưng xanh gắn liền với Tết Cổ truyền.

Hàng năm, ngoài việc rước kiệu từ Hùng Lô về khu di tích lịch sử Đền Hùng, năm nay xã đã vinh dự được làm 18 chiếc bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng dâng lên Giỗ Tổ. Đây là sự vinh dự và tự hào của Hùng Lô nói chung và gia đình anh Ninh, chị Hằng nói riêng” – ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch UBND xã Hùng Lô.

Ngày đó kinh tế còn khó khăn, nên gia đình chỉ gói những cái bánh nhỏ giá vài trăm đồng bán cho người dân và du khách thập phương đi lễ Đền Hùng. Chị Hằng kể, mang tiếng nhà làm bánh, nhưng ngồi tước cuống lá dong, ngửi mùi bánh chín thơm ngậy làm từ nếp cái hoa vàng, đậu xanh và thịt ba chỉ, mà bụng phải chịu đói vì ăn sẽ hết lãi.

Nghề làm bánh vất vả, nhưng thu nhập thấp, nên có lần chị đã khuyên bố mẹ bỏ nghề. “Bố tôi bảo, bánh chưng, bánh dầy là sản vật linh thiêng mà xưa Hoàng tử Lang Liêu dâng Vua Hùng. Mình làm là để giữ nghề truyền thống, hơn nữa nó là cái duyên, cái phúc của gia đình, đâu chỉ là tiền bạc” – chị Hằng kể lại.

Theo tục lệ, người ta thường truyền cho con trai, nhưng chị Hằng đến nay vẫn không hiểu vì sao chị lại được bố mẹ truyền nghề. Và nay khi đi lấy chồng, chị vẫn mang theo và giữ cái nghề truyền thống của cha ông hơn 30 năm nay. Chị Hằng bảo, bánh chưng, bánh dầy là hai loại bánh phổ biến của người dân, dường như Tết gia đình nào cũng có ít nhất một cặp để dâng lên tổ tiên.

Tuy nhiên, để bánh ngon, dẻo, mềm, không bị ôi thiu thì không phải ai cũng làm được. Theo chị Hằng, để bánh ngon phải chọn được nếp ngon. Ngon nhất là nếp cái hoa vàng Điện Biên, Bắc Ninh, hạt gạo phải đều không bị vỡ, rồi ngâm với nước ấm hòa thêm ít muối để tăng thêm độ dẻo, ngọt mặn của bánh. Đỗ xanh ngon nhất là vùng Trung du, thịt lợn phải là lợn nuôi bộ không ăn tăng trọng và lá dong phải lấy ở Na Hang (Tuyên Quang).

Ái chà, cũng cầu kỳ, phức tạp ra trò đấy chứ, nhưng thế vẫn chưa đủ, kỹ thuật ướp thịt nhân, hành củ và nấu bánh tưởng đơn gian, nhưng cũng phải có quy trình. “Bánh được xếp lần lượt vào nồi, đun vừa lửa, cứ khoảng 1 giờ thì thay nước một lần, tùy theo bánh to, nhỏ, nhưng để bánh dẻo, thơm, ngon phải đun ít nhất 7 giờ” – chị Hằng chia sẻ.

Kỷ lục bánh chưng “khổng lồ” nặng gần 6 tấn

img
Khâu rửa lá bánh chưng

Anh Ninh kể, anh rất thích ăn bánh chưng, nhưng gói lại rất vụng. Trước đây khi học gói bánh chưng, anh làm hỏng cả đống lá mà bánh vẫn méo xệch. “Hiện 1 giờ tôi có thể gói được cả trăm cái bánh” – anh Ninh thoăn thoắt gói bánh tự hào khoe.

Hơn chục năm nay, năm nào gia đình anh cũng được Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng đặt gói bánh cho lễ hội chính. Từ lúc làm bánh với quy mô nhỏ, bán lẻ vài chục cái mỗi ngày, đến nay gia đình anh Ninh, chị Hằng mỗi hàng làm tới 4 – 5 tạ gạo, ngày cao điểm lên tới cả tấn gạo, bánh chủ yếu bán cho các nhà hàng và du kích đi lễ Đền Hùng.

Năm ngoái báo chí rộ tin “bánh chưng chín nhừ nhờ cho pin vào nấu” khiến gia đình anh ít nhiều chịu ảnh hưởng. Anh Ninh khẳng định, hơn 30 năm làm nghề và hiện gia đình anh vẫn sống được với nghề là nhờ bí quyết, uy tín và chất lượng.

Việc đun bánh nhừ là nhờ bí quyết pha chế nước và lửa, chứ không có chuyện cho pin vào nồi bánh đun. “Làm nghề gì cũng cần có cái tâm, làm bánh để dâng lễ, ăn thì cái tâm lại càng được đặt lên trên hơn bao giờ hết. Ở hiền gặp lành, gieo gió ắt gặp bão anh ạ!” – anh Ninh tự nhủ.

Quốc giỗ năm 2010, gia đình anh Ninh, chị Hằng vinh dự được Tập đoàn Mai Linh tin tưởng đặt làm một chiếc bánh chưng khổng lồ nặng gần 6 tấn. Để làm được chiếc bánh này, gia đình chị Hằng phải chuẩn bị hơn 4 tấn gạo nếp Điện Biên, 8 tạ đỗ xanh, 8 tạ thịt lợn ngon, hơn 100.000 lá dong đặt ở Chiêm Hóa và hàng chục cây giang làm lạt buộc.

Tuy nhiên, do không có dụng cụ, cũng như nếu làm 1 cái bánh 6 tấn sẽ không có nồi nấu và nấu rất khó chín, hơn nữa việc vận chuyển lên Đền Hùng cũng rất khó. Nên Tập đoàn Mai Linh và gia đình chị Hằng đã bàn làm 18.000 chiếc bánh chưng nhỏ, nhưng khi ghép lại sẽ được một chiếc bánh lớn với kích thước dài 1,8m, cao 1,8m, rộng 1,8m tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Ngoài hai vợ chồng, gia đình anh phải nhờ sự trợ giúp của gần 30 người làm cật lực trong 1 ngày và hơn 30 giờ nấu bánh.

Hôm hoàn thành bánh, chiếc bánh khổng lồ nặng gần 6 tấn được đặt giữa khán đài Lễ Quốc giỗ Hùng Vùng, có cả lãnh đạo trung ương, tỉnh đến dự và có hàng triệu du khách thập phương có mặt chiêm ngưỡng, khen ngợi vợ chồng chị Hằng mừng lắm. Chị Hằng cho hay, trong ngày lễ đó chiếc bánh cũng đã được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là chiếc bánh chưng to, nặng nhất.

img
Anh Nguyễn Văn Ninh trong 1 giờ có thể gói được 100 bánh chưng (đặc điểm của bánh dâng Giỗ Tổ là được buộc bằng lạt đỏ).

Làm phúc cho đời

Cũng trong dịp lễ này, ngoài chiếc bánh khổng lồ, gia đình chị còn làm cung tiến 100 chiếc bánh chưng và 100 chiếc bánh dầy, để góp cùng chiếc bánh “khồng lồ” hành lễ xong phát lộc cho du khách.

Chị Hằng tâm sự: “Làm chiếc bánh chưng khổng lồ chi phí hết hơn 120 triệu đồng, gia đình được Tập đoàn Mai Linh chi trả 134 triệu đồng, nếu tính lợi nhuận không đáng là bao. Nhưng được tự tay mình làm dâng lên các Vua Hùng, tri ân công đức tổ tiên là niềm vinh dự, mình làm để lấy phúc, lộc cho quê hương, gia đình con cháu sau này”.

Với uy tín, chất lượng hàng đầu, hàng chục năm nay gia đình chị đã được Viện điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Vân Phú (Phú Thọ) đặt hàng cung cấp thêm khẩu phần ăn cho bệnh nhân. Không chỉ cung cấp bánh, gia đình chị đã nhiều lần ủng hộ tiền để tăng khẩu phần ăn cho bệnh nhân.

Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng thống nhất, từ năm 2012 trở đi hàng năm sẽ tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng vào ngày Giỗ Tổ 10.3 và đội thắng cuộc sẽ được gói bánh cho Giỗ Tổ năm sau.

Ngay lần tổ chức đầu tiên, với kinh nghiệm và sự khéo léo của mình đội xã Hùng Lô đã đoạt giải nhất. Và gia đình anh Ninh, chị Hằng được chọn đại diện xã gói 18 chiếc bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho 18 đời Vu Hùng để dâng lên Giỗ tổ Vua Hùng năm nay.

Chị Hằng cho biết: “Bánh dâng Giỗ Tổ phải buộc bằng lạt đỏ. Gia đình đã nhiều năm được làm bánh dâng Giỗ Tổ, nhưng khi đó là do Ban quản lý di tích đặt, còn lần này là đại diện cho cả xã, nên mình phải làm sao gói bánh thật đẹp, ngon.

Hiện gia đình đã chuẩn bị đầy đủ gạo, đỗ xanh, lá dong, thịt lợn đã chọn đặt lợn ngon, chỉ chờ đến ngày là gói. Gói bánh công việc thường ngày mình vẫn làm, ấy thế mà lần này cứ thấy hồi hộp thế nào ấy!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem