Giá hàng hóa bắt đầu ổn định

Thứ ba, ngày 31/01/2012 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng tăng giá mạnh của nhiều loại hàng hóa chỉ diễn ra lẻ tẻ vài ngày sau Tết Nguyên đán. Đến hôm qua (30.1 tức mùng 8 Tết), giá cả hàng hóa tại hầu hết các chợ, siêu thị đã bắt đầu ổn định trở lại...
Bình luận 0

Sức mua dịp Tết kém sôi động

Các bà nội trợ đi chợ tết năm nay đều có chung cảm nhận: "Không khí mua bán trên thị trường Tết Nhâm Thìn kém sôi động hơn so với cùng thời điểm các năm trước đây". Một phần là do tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2011 ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết.

img
Giá thịt lợn tại Hà Nội sau vài ngày tăng mạnh đã bắt đầu giảm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1.2012 vẫn đạt 191.061 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12.2011, tăng 22% so với tháng 1.2011, cho thấy sức mua tăng cao hơn vào dịp Tết và tập trung vào nhóm thương nghiệp (tăng 3,54%) và các nhóm dịch vụ, du lịch (lần lượt tăng 2,79% và 2,64%).

Đến hôm qua, tức mùng 8 Tết, cuộc sống của người dân đã bắt đầu bước vào guồng quay bình thường. Tại hầu hết các chợ, siêu thị, hàng hóa trên thị trường đã phong phú trở lại sau những ngày nghỉ tết dài. Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong khi sức mua trên thị trường vẫn chưa cao trở lại. Đây là lý do khiến giá nhiều loại hàng hóa bắt đầu ổn định.

Chị Phan Thị Hoa nhà ở phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mùng 3 Tết đi chợ mua thịt lợn thăn bị "chém" với giá 25.000 đồng/lạng, nhưng đến ngày 30.1, chị mua với giá chỉ còn 20.000 đồng/lạng; nếu mua của người quê mang thịt lên bán thì giá đã về mức cũ, tức chỉ còn 13.000-14.000 đồng/lạng.

Một mặt giá cả trước và sau Tết năm nay ổn định không thể phủ nhận do công tác bình ổn giá được triển khai tốt hơn năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, giá nhiều loại thực phẩm như thịt lợn trên thị trường tự do chỉ tăng khoảng 10-15% so với những ngày trước Tết.

Riêng tại hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của các doanh nghiệp được vay vốn bình ổn tết, giá hầu hết các loại thực phẩm ổn định 10-20%. Chỉ có giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản tăng trước và sau Tết khoảng 10-20% do đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh và do ảnh hưởng của thời tiết. Giá rau, củ, trái cây trước Tết cũng chỉ tăng 10 – 20% nhưng hiện tất cả các mặt hàng này cũng đã bắt đầu giảm dần do nguồn cung được bổ sung...

Giá cả sẽ có xu hướng giảm nhẹ

Đại diện Cục Quản lý thị trường cho biết đã tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua đó, thì số vụ vi phạm trong dịp Tết Nguyên đán đã giảm hơn so với mọi năm. Chẳng hạn kiểm tra tại thị trường Ninh Thuận chỉ phát hiện 6/25 cơ sở vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết các siêu thị và nhiều hộ kinh doanh cá thể tại các chợ ở Hà Nội đã mở cửa hàng kinh doanh trở lại. Nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ hoạt động cúng lễ trong gia đình và các lễ hội truyền thống. Giá các mặt hàng này cũng đã giảm do lượng cung tăng dần; duy chỉ giá các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình hiện vẫn cao ở mức 30-50% do nhu cầu tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, công tác thị trường trước và sau Tết năm nay đã được thực hiện khá tốt, nên thời điểm này, trên thị trường đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá... Thậm chí, một số tiểu thương tại các chợ ở Hà Nội như Thành Công, Ngọc Hà còn nhận định, giá cả sẽ giảm nhẹ sau rằm tháng Giêng, kể cả giá gạo, thịt, rau củ... do lượng hàng dồi dào, xuất khẩu nhiều loại nông sản không cao trong dịp đầu năm và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm sau Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem