Giá heo hơi giảm, giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân phập phồng lo

Thứ ba, ngày 08/11/2022 13:50 PM (GMT+7)
Giá heo hơi liên tục biến động với xu hướng ngày càng giảm giá so với vài tháng trước. Người chăn nuôi heo lo đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới vì dự báo chi phí đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu...
Bình luận 0

Thời gian qua, giá heo hơi liên tục biến động với xu hướng ngày càng giảm giá so với vài tháng trước. Người chăn nuôi lo đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới vì dự báo chi phí đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nhập khẩu tiếp tục biến động mạnh do nguồn cung giảm, đồng thời ảnh hưởng của USD liên tục lập đỉnh mới trong vòng 20 năm qua.

Giá heo hơi giảm, giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân phập phồng lo - Ảnh 1.

Trại nuôi heo tại Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Trong khi đó, rủi ro dịch bệnh trên đàn heo, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, tái phát vào những tháng cuối năm lớn.

Lo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng

Hiện giá heo hơi bán tại trại dao động từ 55-58 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với tuần trước đó. Trong đó, giá các loại heo non với trọng lượng dưới 80kg/con và heo mỡ trên 140kg giá bán ra dưới 50 ngàn đồng/kg.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán tính toán, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên mức 55 ngàn đồng/kg, nếu đàn heo tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh cao thì giá thành có thể đội lên trên 60 ngàn đồng/kg. 

Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ đang “gồng mình” gánh lỗ. Với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục đứng ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh như hiện nay, nhiều trại có nguy cơ “treo” chuồng. Trong thực tế, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.

Theo nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, từ ngày 6-10, hồ sơ kiểm dịch đối với heo vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh với mục đích làm giống, giết mổ phải có thêm kết quả xét nghiệm đối với bệnh dịch tả heo châu Phi. 

Kết quả xét nghiệm được gửi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch. Người chăn nuôi e ngại đây sẽ là một khoản chi góp phần tăng thêm chi phí sản xuất trong chăn nuôi heo.

Ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) lo lắng, từ đầu năm đến nay, giá heo có nhiều đợt biến động theo chiều hướng ngày càng giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có lên chứ không xuống. 

Với giá heo hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi lại rơi vào cảnh thua lỗ. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng chứ không giảm, khiến người chăn nuôi e ngại phải tiếp tục gánh lỗ.

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Khi đồng USD liên tiếp lập đỉnh trong vòng 20 năm trở lại đây đã gây khó khăn không nhỏ đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Gần đây, giá nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: bắp, đậu nành, lúa mì… có xu hướng tăng trở lại sau thời gian “hạ nhiệt”. Nguyên nhân chính là do dự báo nguồn cung của thị trường thế giới sẽ giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhiều nước e ngại mất mùa do ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, thời tiết.

Rủi ro heo nuôi dính dịch bệnh lớn

Khó khăn đang bủa vây người chăn nuôi vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra gặp khó khăn. 

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngày 19-10, số lượng heo cung cấp cho chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) đạt gần 5,3 ngàn con. Giá heo mảnh loại ngon có mức 78 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá heo mảnh loại heo nhỏ ký hoặc nhiều mỡ, cứng thịt không quá 54 ngàn đồng/kg. Loại heo non cung cấp vào chợ là do bán chạy dịch. Trong đó, dịch tả heo châu Phi vẫn gây hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Giá heo hơi giảm, giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân phập phồng lo - Ảnh 4.

Chăn nuôi nông hộ lo thua lỗ vì giá thành chăn nuôi cao, rủi ro dịch bệnh lớn. Trong ảnh: Hộ chăn nuôi tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi heo tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, rủi ro tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi là rất lớn. Hiện nay, khi xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi, người nuôi không phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo như trước nhưng vẫn cầm chắc thua lỗ nặng vì có thể mất trắng đàn hoặc phải bán heo non chạy dịch với giá rẻ.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm dến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi, tiêu hủy 64 con heo với trọng lượng hơn 5 tấn thịt. Quy mô và phạm vi bệnh dịch tả heo châu Phi giảm đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp trong những tháng cuối năm. 

Ngành Nông nghiệp đã phối hợp, hướng dẫn địa phương tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh chết theo quy định, thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động để phát hiện lưu hành mầm bệnh đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, khống chế tốt, không để bệnh lây lan diện rộng.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,56 triệu con, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng thịt heo hơi cung cấp ra thị trường trong 9 tháng của năm đạt 334 ngàn tấn, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.

Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem