Nhiều nơi nới lỏng giãn cách, giá heo hơi vẫn không tăng, nông dân rơi mất 20.000 đồng/kg

P.V Thứ năm, ngày 23/09/2021 07:17 AM (GMT+7)
Giá heo hơi hôm nay 23/9 ghi nhận ở mức 47.000 - 53.000 đồng/kg. Như vậy, dù nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách nhưng giá heo hơi vẫn rất thấp, so với cùng kỳ năm 2020, mỗi kilogam heo hơi, nông dân đã mất khoảng 20.000 đồng.
Bình luận 0

Giá heo hơi hôm nay 23/9: Vẫn trong xu hướng giảm

Theo ghi nhận của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 23/9 vẫn dao động ở mức thấp dù nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, giá heo hơi hôm nay ở Yên Bái, Lào Cai còn giảm thêm 2.000 đồng/kg, xuống mức 47.000 đồng/kg.

Trong khi giá heo hơi hôm nay ở Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam và Vĩnh Phúc  cũng chỉ dao động trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên ổn định trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg, trong đó, giá heo hơi cao nhất là ở Thừa Thiên Huế với mức 53.000 đồng/kg.

Các địa phương khác, giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay 23/9 ở các tỉnh miền Nam cũng dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg.

Giá heo hơi giảm, giá cám tăng, nông dân méo mặt

Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 8 lần, thậm chí có loại tăng tới 9 lần, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (tăng khoảng 30-35%).

Khảo sát thị trường đầu tháng 8/2021 cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám lợn, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp đều tăng từ 200 - 400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Giải bài toán phụ thuộc thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Tận dụng tối đa nguyên liệu nội - Ảnh 1.

Nông dân đang “đau đầu” vì giá heo hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng. Trong ảnh: Nông dân Bắc Giang bán heo cho thương lái. Ảnh: Minh Ngọc

Giải bài toán phụ thuộc thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Tận dụng tối đa nguyên liệu nội - Ảnh 2.

Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng, theo Cục Chăn nuôi là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây khó trong khâu nhập nguyên liệu, trong khi chi phí vận chuyển tăng từ 200 - 300%.

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 9 lần liên tiếp, thì từ đầu năm đến nay Việt Nam đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. 

Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020, với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,33 tỷ USD. Trong đó, Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 1,14 tỷ USD.

Trước tình hình này, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi...

Theo Bộ NNPTNT, hiện Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (đối xử tối huệ quốc) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ tác động tích cực tới việc phục hồi hoạt động chăn nuôi của người dân, đảm bảo cung ứng lương thực dịp cuối năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem