Giá heo hơi "nhảy múa" từng ngày, Đồng Nai lại lo dư thừa?

Thứ ba, ngày 30/10/2018 14:15 PM (GMT+7)
Với giá heo hơi như hiện nay, nếu nuôi lớn thành heo thương phẩm rồi mới xuất bán thì sẽ lời lớn, lớn hơn so với bán con giống...
Bình luận 0

Ổn định giá heo hơi ở mức hợp lý để người chăn nuôi có lãi, người tiêu dùng chấp nhận được và cạnh tranh được với thịt heo nhập khẩu (NK), đang là vấn đề được đặt ra với ngành chăn nuôi heo sau 2 đợt biến động giá lớn năm 2017 (giảm quá thấp) và 2018 (tăng lên khá cao), ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bền vững của cả ngành hàng.

Đồng Nai lo lại dư heo?

Theo TS Kiều Minh Lực, Phó TGĐ C.P Việt Nam (CPV), thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, C.P Việt Nam (CPV) đã khơi mào đợt giảm giá bán heo hơi. Cụ thể, khu vực Hà Nội ngày 10/10 giảm 500 đ/kg và tiếp tục giảm giá vào các ngày sau đó, tổng mức giảm đến ngày 25/10 là 2.000 đ/kg; tổng mức giảm ở khu vực Đồng Nai đến ngày 25/10 là 1.500 đ/kg.

img

Hiện giá heo hơi trên địa bàn cả nước dao động từ 47.000 - 52.000 đồng/kg. Ảnh: T.L

Điều này đã góp phần làm cho giá heo hơi ngày 25/10 khu vực Hà Nội chỉ còn 47.500 đ/kg, khu vực Đồng Nai 51.500 đ/kg, mức trung bình chung cả nước là 49.500 đ/kg.

Tuy đã giảm đáng kể so với mức giá lúc đỉnh điểm trong năm nay (54.000-55.000 đ/kg), nhưng giá heo hơi hiện vẫn đang khá cao. Và điều này vẫn đang kích thích nhiều trang trại tăng mạnh đàn heo.

Ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, nhu cầu nuôi tăng mạnh nên giá heo giống đang lên rất cao. Hiện nay, giá mỗi kg heo giống khoảng 110.000 đồng. Tính ra, một con heo giống 20 kg, giá tới 2,2 triệu đồng. Nếu trừ đi chi phí (khoảng 1,2 triệu đồng/con heo giống), các chủ trang trại lời khoảng 1 triệu đ/con.

Với giá heo hơi như hiện nay, nếu nuôi lớn thành heo thương phẩm rồi mới xuất bán thì sẽ lời lớn, lớn hơn so với bán con giống. Nhưng nếu bây giờ giữ lại nuôi, mấy tháng sau đến lúc xuất bán heo thương phẩm, không ai biết được giá heo hơi khi ấy còn cao như hiện nay nữa hay không.

Chính vì vậy, thay vì giữ lại để nuôi lớn nhằm bán heo thương phẩm, nhiều trang trại đang sẵn sàng bán hết đàn heo giống để chốt lời. Mặt khác, những người đang chấp nhận bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua 1 con heo giống, cũng giống như đang đánh bạc vậy. Nếu mấy tháng nữa, giá heo hơi vẫn trên 50.000 đ/kg, thì chắc chắn là vẫn có lợi nhuận tốt. Nhưng nếu giá heo hơi khi ấy bị giảm nhiều so với hiện nay, không khéo có thể bị lỗ. Những điều này cũng cho thấy phần nào sự bất ổn của thị trường thịt heo hiện nay.

Do người chăn nuôi lại đầu tư mạnh vào nuôi heo, nên đàn heo trên địa bàn Đồng Nai đang tăng mạnh. Số liệu thống kê công bố vào tháng 9 cho thấy tổng đàn heo của tỉnh đã vào khoảng 2,5 triệu con. Chúng tôi đang băn khoăn không biết đàn heo ở các tỉnh Đông Nam Bộ khác có tăng hay không? Nếu đàn heo ở các tỉnh khác không tăng, thì lượng heo tăng lên ở Đồng Nai, vừa đủ so với nhu cầu tiêu thụ tăng lên trong khu vực năm 2019. Nhưng nếu như đàn heo ở các tỉnh khác cũng tăng mạnh, nhiều khả năng trong năm tới, Đồng Nai sẽ lại bị dư tới hơn 200 ngàn con heo.

Phải dự báo được cung – cầu

Để phát triển nghề chăn nuôi heo một cách ổn định, bền vững, thì ổn định giá heo hơi trên cả nước là một trong những giải pháp quan trọng nhất. TS Kiều Minh Lực cho rằng, bản thân một DN như CPV không thể tự điều tiết được thị trường để đưa giá cả thị trường heo hơi tới sự ổn định, mà cần có sự hợp tác của các DN và người chăn nuôi.

Cũng theo ông Lực, thị trường heo hơi Việt Nam có một đặc điểm là bị tác động của yếu tố tâm lý rất lớn. Khi thấy giá tăng người chăn nuôi thường bán chậm lại tức là giữ hàng chờ giá. Khi giá giảm, họ lại gia tăng lượng heo bán ra. Những động thái này làm mất cân đối cung - cầu trong thời gian biến động giá cả. Do vậy, tại một số thời điểm nào đó giá cả thị trường thịt heo chưa thực sự phản ánh đúng bản chất cung - cầu.

img

Một trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai. 

Như vậy, để ngăn chặn cơn sốt tăng giá heo hơi, nên có một phép thử nào đó có thể giúp chấm dứt yếu tố tâm lý giữ hàng chờ giá. Điều rất dễ nhận biết là trong cơn tăng giá vừa rồi, có những lúc giá cả bỗng nhiên quay đầu giảm và khi ấy sản lượng heo thịt trong dân được xuất bán với số lượng lớn hơn trước đó. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là có phải cơn “bán tháo” hay không? Câu trả lời chính xác phụ thuộc vào nguồn cung hiện có đang bị biến động trên nền tảng nhu cầu thịt heo vốn ít biến động hơn.

Rõ ràng, muốn ổn định giá heo hơi để phát triển chăn nuôi bền vững thì công tác dự báo cung - cầu về thịt heo sản xuất trong nước là một yếu tố quan trọng. Theo đó, việc kê khai chăn nuôi 100% và công bố thường xuyên số liệu về chăn nuôi là vấn đề cấp thiết của ngành chăn nuôi hiện nay. DN và người chăn nuôi phải thấy được trách nhiệm và quyền lợi trong việc này để thực hiện kê khai chăn nuôi đầy đủ, chính xác.

Tuy nhiên, rất khó để xác định và duy trì một mức giá heo hơi hợp lý và ổn định lâu dài trong chăn nuôi heo. Bởi vì chăn nuôi heo ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, ngay cả những nước có thế mạnh như Mỹ, cũng chịu tác động của tình hình thị trường và chăn nuôi thế giới. Chăn nuôi heo ở Việt Nam hiện vẫn theo nguyên tắc lấy lời bù lỗ, có lúc lời nhưng cũng có lúc lỗ do dịch bệnh, do thị trường.

Dầu vậy, giá thành thấp nhất là mục đích mà DN cũng như người chăn nuôi cần quan tâm cải tiến sản xuất để luôn đảm bảo khả năng cạnh tranh không chỉ đối với thịt NK mà ngay cả ở trong nước.

Một cơ chế khác điều tiết thị trường rất hữu hiệu trong thời gian qua cần được quan tâm chú ý khai thác, sử dụng những lúc cần thiết là cơ chế kích cầu hay giảm cầu của người tiêu dùng. Khi giá heo năm 2017 giảm thấp ở mức 20.000 đ/kg, Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương, DN… đã thực hiện biện pháp kích cầu hiệu quả bằng cách cho mở các cửa hàng thịt heo giá rẻ kết hợp với truyền thông tốt, qua đó đã giúp kích thích việc tăng tiêu thụ thịt heo của người tiêu dùng.

Nhờ vậy, chúng ta đã vượt qua được đợt khủng hoảng giá thấp ấy. Trước đó, vào năm 2011, khi giá heo hơi đạt mức đỉnh điểm 60.000 đ/kg và Bộ NN-PTNT cũng đã thực hiện biện pháp giảm cầu hiệu quả bằng phương pháp truyền thông, khuyến kích người tiêu dùng tăng sử dụng thịt gà, trứng gà và cá thay thế thịt heo, từ đó cung cầu sẽ nhanh chóng trở lại cân đối.

Nếu khơi nguồn tốt cơ chế điều tiết thị trường bằng hành vi tiêu dùng của người dân như thế này chắc chắn sẽ là một giải pháp rất tốt để bảo vệ sản xuất trong nước ổn định và thịt ngoại rất khó để có thể tham gia vào được.

Theo một số doanh nhân ngành chăn nuôi, về lâu dài, với khả năng kéo giá thành chăn nuôi xuống khoảng 30.000-32.000 đ/kg, giá heo hơi giữ được quanh mức 40.000 đ/kg là hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Với mức giá này, giá thịt heo trong nước sẽ không cao hơn mấy so với thịt heo NK, nên ngành chăn nuôi heo vẫn có thể giữ được thị trường nội địa.

Thanh Sơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem