Đối phó với thua lỗ, nông dân chăn nuôi Sóc Trăng đã "chế" đồ ăn độn cho đàn heo theo cách này

Thứ năm, ngày 01/06/2023 05:15 AM (GMT+7)
Với kinh nghiệm hơn 2 năm chăn nuôi heo, bà Tăng Thị Hường, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chia sẻ: "Tôi sử dụng nguồn thức ăn cho heo là hèm, cám gạo trộn chung cùng thức ăn viên. Ngoài ra, tôi dành diện tích đất phía sau nhà trồng thêm dây khoai lang để cung cấp rau xanh cho heo...
Bình luận 0

Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng nên hộ nuôi heo ở Sóc Trăng không tái đàn ồ ạt, chỉ phát triển đàn với số lượng vừa phải, cùng với đó là tìm cách giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong chăn nuôi.

Với kinh nghiệm hơn 2 năm chăn nuôi heo, bà Tăng Thị Hường, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chia sẻ: "Tôi sử dụng nguồn thức ăn cho heo là hèm, cám gạo trộn chung cùng thức ăn viên. Ngoài ra, tôi dành diện tích đất phía sau nhà trồng thêm dây khoai lang để cung cấp rau xanh cho heo ăn mỗi ngày. 

Nhờ cho ăn “độn thêm” các loại thức ăn có sẵn nên giảm lượng thức ăn công nghiệp dành cho heo, tiết kiệm khoảng 50% chi phí tiền mua thức ăn chăn nuôi. Với đàn heo 15 con, nếu cho chúng ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp trong 2 ngày là hết 1 bao thức ăn (530.000 đồng/bao) thì đến xuất bán lợi nhuận không nhiều".

“Tôi dự tính khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất chuồng, ước trọng lượng khi xuất bán từ 100 - 110kg/con, ước giá heo hơi 57.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 25 triệu đồng (sau thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng). Giá heo hơi cũng đang trên đà tăng, nếu giá tăng như dự đoán thì lợi nhuận thu về sẽ nhiều hơn. 

Ngoài nguồn thu nhập từ heo thịt, gia đình không tốn chi phí mua nhiên liệu làm chất đốt dùng đun nấu thức ăn hàng ngày, vì đã tận dụng chất thải trong quá trình nuôi heo làm hệ thống biogas”, - bà Tăng Thị Hường cho biết thêm.

Đối phó với thua lỗ, nông dân chăn nuôi Sóc Trăng đã "chế" đồ ăn độn cho đàn heo theo cách này - Ảnh 1.

Bà Tăng Thị Hường, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) bên đàn heo của gia đình. Bà Hường đã thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí trong nuôi heo, trong đó có việc "chế" thức ăn độn cho đàn heo. Ảnh: THÚY LIỄU

Để đàn heo thịt khỏe, lớn nhanh bà Hường đã phải tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh cho heo; vệ sinh chuồng nuôi thường xuyên để đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ; hạn chế người lạ ra vào chuồng chăn nuôi; làm mùng cho heo ngủ tránh muỗi đốt; sát trùng xung quanh chuồng nuôi định kỳ 1 tuần/lần; tắm mát mỗi ngày cho đàn heo trong thời điểm trời nắng nóng.

Nhằm giảm chi phí trong quá trình nuôi, bà Sơn Thị Hồng Xuân, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tính toán phương án chăn nuôi làm sao đảm bảo đàn heo tăng trọng tốt và an toàn bằng cách đun nấu thức ăn thừa cho heo ăn. 

Theo bà Hồng Xuân, đàn heo nuôi tại hộ là 34 con, số heo trên sẽ được phân chia chuồng nuôi riêng biệt theo tháng tuổi để thuận tiện chăm sóc và cho ăn, đảm bảo heo tăng trọng đồng đều. Trong số 34 con heo, có 17 con khoảng 1 tháng sẽ xuất chuồng, số còn lại xuất bán sau đó tầm 20 ngày, ước tổng sản lượng thịt heo hơi hơn 3,4 tấn. Hiện nay, giá heo hơi 56.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng theo từng ngày. 

Dự đoán đến thời điểm xuất bán, heo hơi có giá trên 59.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, bà Hồng Xuân bỏ túi số tiền hơn 50 triệu đồng. Dự định tới của bà Hồng Xuân là sẽ phát triển nuôi thêm vài con heo nái sinh sản, để tạo đàn heo giống nuôi thịt cung ứng ra thị trường.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hơn 167.500 con, có 90 trang trại nuôi heo (gồm có 6 trang trại quy mô lớn, 13 vừa và 61 nhỏ), còn lại hộ dân nuôi heo theo hình thức gia trại và nuôi nhỏ lẻ.

Để duy trì, phát triển đàn heo thịt bền vững, đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo hộ dân trong thời điểm giao mùa cần phòng, chống dịch bệnh trên heo, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh cho heo. 

Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để đảm bảo duy trì sức khỏe đàn heo và việc tiêm phòng cần được tiến hành một cách khoa học để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, hộ chăn nuôi cần thực hiện kiểm soát bệnh dịch tả heo châu Phi như: vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng, trại chăn nuôi, làm lưới bao quanh chuồng nuôi ngăn chặn côn trùng và vật trung gian truyền bệnh; có khu vực xử lý chất thải; không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng. 

Con heo giống khi mua phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khỏe mạnh; sử dụng thức ăn có nguồn gốc, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn; bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa; áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của heo; sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo vào nuôi…

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem