Chuyện lạ Thái Bình, nuôi lươn không bùn dày đặc rồi đem gắn mã số, mã vạch để làm gì?

Thứ năm, ngày 02/03/2023 05:23 AM (GMT+7)
Gắn mã số, mã vạch cho lươn thương phẩm nuôi theo hình thức không bùn trong bể xi măng để tiếp cận thị trường là hướng đi mới của gia đình anh Nguyễn Ngọc Thủy, xã Vân Trường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), từ đó nâng cao giá trị cho mô hình nuôi lươn nói riêng, trong sản xuất nông nghiệp nói chung.
Bình luận 0

Trên diện tích 4 mẫu cấy lúa kém hiệu quả, từ năm 2019 anh Thủy thuê của UBND xã Vân Trường, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) để cải tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng khu nuôi lươn giống, lươn thương phẩm trong bể xi măng. 

Việc thay đổi phương thức nuôi lươn trong bể xi măng đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, từ khi nuôi lươn áp dụng đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc, giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt.

Chuyện lạ Thái Bình, nuôi lươn không bùn dày đặc rồi đem gắn mã số, mã vạch để làm gì? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Thủy, xã Vân Trường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nuôi lươn không bùn từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thủy chia sẻ: Đối với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, các nước nhập khẩu đều yêu cầu trích xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng, do đó để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp tôi đã làm thủ tục đăng ký hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua mã số, mã vạch. 

Quy trình quản lý này được thực hiện theo các bước: Đầu vào con giống sẽ có một nhãn truy xuất từ nhà cung cấp; sau khi thu hoạch, sản phẩm đầu ra sẽ được dán nhãn truy xuất của hộ nuôi trồng lên lô sản phẩm trước khi giao cho nhà thu mua. 

Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản này cho phép giám sát toàn bộ quy trình sản xuất một cách hiện đại, khoa học. Việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn nói trên tiêu tốn khá nhiều thời gian, kinh phí cho các hộ nông dân. Đổi lại, sản phẩm của người nông dân làm ra được thị trường nước ngoài chấp nhận, giá trị kinh tế được nâng cao. Khi sản phẩm có mã số, mã vạch thì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khá đơn giản.

Chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR người tiêu dùng sẽ biết địa chỉ, số điện thoại của doanh nghiệp và đặc biệt là nắm rõ quy trình làm ra sản phẩm.

Anh Thủy cho biết thêm, để phát triển lươn giống, lươn thương phẩm đáp ứng yêu cầu thủy sản sạch, anh đã thay đổi cách nuôi từ phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn sang nuôi trong bể không bùn. Mô hình này lươn có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng. 

Chuyện lạ Thái Bình, nuôi lươn không bùn dày đặc rồi đem gắn mã số, mã vạch để làm gì? - Ảnh 3.

Chăm sóc lươn giống tại mô hình nuôi lươn không bùn của anh Nguyễn Ngọc Thủy, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh đó, theo anh Thủy, nuôi lươn trong bể không bùn có thể nuôi với mật độ dày hơn so với cách nuôi lươn truyền thống, chi phí thức ăn thấp. Thức ăn cho lươn là các loại ốc bươu vàng, cá rô phi, giun đất. Sau khi xay nhuyễn, tôi phối trộn với tỷ lệ 70% ốc, cá, giun, 30% bột.

"Mỗi lứa lươn tôi thường nuôi từ 8 - 10 tháng. Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn nên khi nuôi trong bể xi măng phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen...", anh Thủy tiết lộ.

Theo anh Thủy, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn; trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ.

Khi xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng phải có hệ thống bơm nước, thoát nước đầy đủ, mặt trong bể được lát gạch hoa trơn bóng để tránh lươn bị xây xát trong quá trình nuôi, bảo đảm đáp ứng tiêu chí lươn thương phẩm sạch.

Bên cạnh đó, phải chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp và khử khuẩn bể nuôi. Nuôi lươn không bùn rất hiệu quả, không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ phải bỏ ra khoảng 20 phút cho lươn ăn và thay nước theo quy định, làm sao bảo đảm nước luôn sạch và trong thì con lươn sẽ đỡ bệnh.

Mỗi năm từ mô hình nuôi lươn không bùn anh Thủy bán ra các tỉnh, thành phố và xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan trên 1,3 triệu con lươn giống, lươn thương phẩm, doanh thu đạt vài trăm triệu đồng/năm.

Bà Đoàn Thị Quế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Trường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Nguyễn Ngọc Thủy mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Thủy là hội viên nông dân tiêu biểu của xã. Không chỉ phát triển nuôi lươn tại gia đình, anh còn hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các hội viên nông dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện để áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn.

Mạnh Thắng (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem