Cây xóa nghèo ở tỉnh Gia Lai thực ra là cây gì mà anh nông dân trồng thập cẩm thu hơn 400 triệu/ha
Gia Lai: "Cây xóa nghèo" thực ra là cây gì mà anh nông dân trồng thập cẩm thu hơn 400 triệu/ha
Lê Kiến
Thứ bảy, ngày 21/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Chỉ với 1 ha đất, anh Nguyễn Lân Phong (SN 1975, ở tổ 4, thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) trồng mắc ca xen canh cà phê và hồ tiêu cho hiệu quả tăng gấp 3 lần, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm khí hậu nghịch mùa (thường xảy ra mưa thất thường vào mùa khô) nên vùng đất huyện Kbang, Gia Lai khá kén chọn đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu.
Riêng với cây cà phê, rất dễ xảy ra tình trạng cây "vừa chữa, vừa đẻ, vừa nuôi con" vì mưa trái mùa. Do vậy, không nhiều nông dân ở vùng đất này có thể có được thu nhập tốt từ cây cây nghiệp, chủ yếu vẫn là cây ngắn ngày.
Thế nhưng, trong vài năm gần đây, mắc ca là loại cây trồng dài ngày khá hy hữu, tạo nên sự thay đổi lớn trong cơ cấu nông nghiệp địa phương.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kbang, quy hoạch đến năm 2020 toàn huyện có khoảng 600 ha mắc ca nhưng đến nay diện tích đã tăng lên gần 1.000ha.
Huyện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao thì đã có 3 sản phẩm từ mắc ca.
Là một trong những gia đình tiên phong trồng mắc ca ở huyện Kbang, hộ anh Nguyễn Lân Phong (ở tổ 4, thị trấn Kbang) có khởi đầu khó khăn nhưng nay kinh tế khá giả nhờ cây trồng này. Ở đây, cây mắc ca cũng được ví như "cây xóa nghèo" cho nhiều gia đình.
Riêng mô hình nông nghiệp của anh Phong được nhiều người biết đến nhờ cách trồng đặc biệt, xen canh 3 trong 1: Mắc ca xen cà phê, hồ tiêu.
"Chỉ trong 1 héc ta, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng hơn 400 triệu, lãi ròng hơn 250 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ cây mắc ca trung bình khoảng 300 triệu, cà phê 100 triệu đồng. Hiện tại giá bán mắc ca dao động từ 80-100.000/kg quả tươi, nông dân vẫn có lời", anh Phong cho biết.
Theo anh Phong, trước đây vườn anh chỉ trồng 1 loại cây mắc ca nhưng do thời gian cây giao tán lâu, nhiều khoảnh đất bỏ trống rất lãng phí.
Từ đó, anh nghĩ cách xen canh các cây trồng khác. Theo đó, cứ mỗi gốc mắc ca anh xen canh 4 gốc cà phê xung quanh, ngoài vườn anh trồng thêm hồ tiêu làm tường chắn gió, vừa có thêm thu nhập.
Từ khi trồng mắc ca xen canh với các cây trồng khác, vườn cây anh Phong hiệu suất tăng lên rõ rệt: Giảm chi phí đầu tư phân bón, một lần bỏ phân thì cả 3 loại cây cùng hưởng; các loại cây giao tán với nhau nên không có cỏ mọc, giảm nhân công lao động, giảm tưới nước vào mùa khô.
Đồng thời, hiệu quả thu nhập tăng lên hơn gấp 3 lần. Nếu như trước đây chỉ có 1 nguồn thu, nay có thêm nguồn thu đáng kể từ cà phê và hồ tiêu.
Năm 2020, vườn cây của anh bị ảnh hưởng do mưa bão, nhiều cây bị ngã đổ nhưng may mắn được anh chằng chống, cứu cây thành công nên không bị thiệt hại nhiều. Để nâng cao năng suất, phát triển bền vững gia đình anh chủ yếu bón phân chuồng thay phân hóa học.
Anh Phong cho biết, cây mắc ca ở đây sinh trưởng tốt và cho năng suất khá cao, những cây lâu năm thu từ 15-20kg. Riêng tại vườn anh có nhiều cây đạt 40kg/cây, bình quân mỗi năm anh thu hoạch hơn 3 tấn mắc ca. Đến mùa, quả chưa thu đã có thương lái đến tận nhà đặt mua hết.
Nói về kỹ thuật trồng cây mắc ca đạt hiệu quả cao, anh Phong vui vẻ chia sẻ: "Vùng Kbang phù hợp với mắc ca nên trồng cây này rất an tâm. Do cây không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nên chỉ cần chăm đủ nước, phân và biết chọn loại cây xen canh thì hiệu quả sẽ rất tốt.
Ở đây gần rừng, bà con không lo lắm về giá cả, chỉ sợ con sóc, con chuột phá hoại vì chúng rất thích ăn quả mắc ca béo ngậy".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.